Đầu tháng 5/2025, Tàu nghiên cứu khoa học “Viện sĩ Oparin”của Nga đã cập cảng Viện Hải dương học ở Nha Trang. Hiện Tàu đang chuẩn bị cho chuyến khảo sát biển Đông kéo dài gần một tháng với sự tham gia của 30 nhà khoa học Việt Nam và Liên bang Nga.
Đây là chuyến khảo sát biển chung lần thứ 9 trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Phân viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga (FEBRAS), diễn ra từ ngày 1 đến 25/5/2025.
Trong thời gian gần một tháng, đoàn khảo sát sẽ triển khai thu mẫu hiện trường tại các vùng biển ven bờ và biển sâu thuộc vùng biển phía Nam Việt Nam, với các trạm vị, điểm nghiên cứu đã được thống nhất.

Tàu Viện sĩ Oparin sẽ thực hiện chuyến khảo sát gần 1 tháng trên Biển Đông. Ảnh: Viện Hải dương học.
Chuyến khảo sát lần này có mục tiêu cập nhật, bổ sung các dữ liệu về đa dạng sinh học, chất lượng môi trường và nguồn lợi sinh vật biển, đồng thời thu thập mẫu sinh vật biển và môi trường phục vụ nghiên cứu hóa sinh, vi sinh và đánh giá tiềm năng các hợp chất sinh học từ biển.
Các nhóm nghiên cứu sẽ tập trung vào phân tích các yếu tố liên quan đến ô nhiễm biển, sự hiện diện và tích lũy vi nhựa, các hợp chất hữu cơ khó phân hủy và phát triển dữ liệu viễn thám phục vụ quan trắc môi trường và nuôi trồng thủy sản.
Kết quả của chuyến khảo sát sẽ được công bố tại Hội thảo khoa học dự kiến tổ chức vào ngày 27/5 tại Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại thành phố Nha Trang.
PGS.TS Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải Dương học (Nha Trang, Khánh Hòa) cho biết, từ năm 2005 tới nay, Viện Hải dương học đã 5 lần vinh dự đón tàu “Viện sỹ Oparin” cập cảng Nha Trang, khởi đầu cho những chuyến khảo sát giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Đây cũng là lần thứ 5 phía Viện Hải Dương học được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì nhiệm vụ khảo sát biển quan trọng này.
Viện Hải dương học nhận thức rất rõ đây là nhiệm vụ hợp tác quốc tế quan trọng, góp phần nâng cao năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu về khoa học biển của Viện Hải dương học nói riêng và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói chung.

30 nhà khoa học Việt - Nga khảo sát đa dạng sinh học bờ biển phía Nam. Ảnh: Hà Anh.
Đặc biệt, lãnh đạo Viện Hải dương học trong những năm gần đây đều đánh giá cao những kết quả, ý nghĩa từ những chuyến khảo sát chung này.
Hơn nữa, chuyến khảo sát lần này diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga (1950 - 2025), minh chứng rõ rệt của tình hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác toàn diện về khoa học công nghệ, đặc biệt trong nghiên cứu biển và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên giữa hai đất nước.
Tàu Viện sĩ Oparin cùng các nhà khoa học hai nước trước đó đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát tại vùng biển Việt Nam. Trong đó, các nhà khoa học tìm hiểu thành phần rạn san hô; sự tích lũy kim loại nặng trong động vật thân mềm và hoạt chất trong vi sinh vật biển... khai thác ở độ sâu hàng trăm mét trong điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác nhau; thu thập hàng trăm mẫu vật trên biển Đông.
Tàu Viện sĩ Oparin là tàu nghiên cứu chuyên dụng về hóa sinh học và đa dạng sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Tàu dài 75,5 m, trọng tải 2.441 tấn, có thể đi biển dài ngày, đủ không gian cho 36 nhà khoa học với 5 phòng thí nghiệm và 30 thủy thủ đoàn. Oparin được trang bị nhiều thiết bị hiện đại giúp lặn và thu mẫu ở vùng biển sâu.