“Mắt xích” quan trọng trong phân loại rác tại nguồn
Khi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, lượng chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam tăng theo cấp số nhân. Dự báo đến năm 2025, lượng rác thải này sẽ gia tăng từ 10% đến 16% mỗi năm. Riêng tại Hà Nội, mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 tấn rác sinh hoạt đô thị. Tuy nhiên, phần lớn người dân hiện vẫn chưa hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn; các loại rác vẫn thường được bỏ chung, chờ lực lượng vệ sinh môi trường đến thu gom và xử lý.
Trong bối cảnh đó, lực lượng thu gom phi chính thức – điển hình là những người ve chai – đóng vai trò như một "mắt xích" quan trọng trong việc phân loại rác ngay từ đầu nguồn. Mặc dù nhiều mô hình và chiến dịch phân loại rác tại nguồn đã được triển khai một cách bài bản và quy mô, nhưng hiệu quả thực tế còn hạn chế. Chính lực lượng ve chai mới là những người âm thầm đảm nhận phần lớn công việc nặng nhọc này, góp phần không nhỏ vào công tác phân loại và tái chế rác thải.

Lực lượng phi chính thức là một “mắt xích” quan trọng trong phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Hoàng Hiền.
Tại Việt Nam, có gần 3 triệu người hoạt động trong lĩnh vực thu gom và tái chế rác thải phi chính thức, trong đó 90% là phụ nữ. Lực lượng này đóng góp hơn 30% lượng rác thải nhựa có thể tái chế, qua đó giúp giảm áp lực tài chính cho các đơn vị thu gom chính thức và tiềm năng tiết kiệm ngân sách công dành cho việc thu gom, xử lý chất thải.
Mặc dù giữ vai trò quan trọng và chiếm số lượng lớn, đa phần người lao động trong khu vực này là lao động nhập cư, làm việc không có hợp đồng, không được tiếp cận các chế độ bảo hiểm... Điều này tạo ra nhiều thách thức trong việc nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Để phát huy vai trò của lực lượng phi chính thức, cần xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ phù hợp; đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại rác tại nguồn và khuyến khích sự tham gia của nhóm lao động này vào hệ thống quản lý chất thải chính thức. Đây không chỉ là giải pháp cải thiện môi trường sống mà còn góp phần tạo ra cơ hội việc làm bền vững cho cộng đồng.
Chiến lược cho bài toán môi trường
Mặc dù lực lượng phi chính thức đang đóng vai trò nền tảng trong phân loại và tái chế chất thải, nhưng đến nay, họ vẫn đứng bên lề các chính sách quản lý nhà nước. Các rào cản lớn nhất là sự thiếu ghi nhận về mặt pháp lý, điều kiện làm việc kém an toàn và ít được xã hội coi trọng...
Từ năm 2006, tổ chức phi chính phủ Enda Vietnam đã hợp tác với các nhóm thu gom rác dân lập tại TP.HCM nhằm thành lập các hợp tác xã. Mô hình này giúp các nhóm thu gom có tư cách pháp nhân, đồng thời được hỗ trợ trang thiết bị, tập huấn kỹ năng và bảo vệ quyền lợi. Nhiều người lao động tự do trước đây nay đã trở thành chủ nhiệm hợp tác xã, có tiếng nói trong các cuộc họp với chính quyền địa phương về chính sách quản lý chất thải.
Mô hình này mở ra kỳ vọng cho một hướng đi mới, trong đó lực lượng phi chính thức được lồng ghép vào hệ thống chính thức thông qua cơ chế đối thoại, hỗ trợ và chuyển đổi. Đây là bước đi cần thiết để thực thi hiệu quả chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), trong đó doanh nghiệp có trách nhiệm thu hồi và tái chế bao bì sản phẩm sau tiêu dùng.
Trên hành trình hướng đến kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải bền vững, Việt Nam không thể bỏ qua vai trò của lực lượng phi chính thức. Việc công nhận họ không chỉ đảm bảo quyền lợi cho hàng triệu lao động yếu thế, mà còn tận dụng được nguồn lực xã hội sẵn có nhằm giảm chi phí ngân sách, tăng hiệu quả quản lý chất thải.
Tích hợp lực lượng này vào hệ thống chính sách là bước đi chiến lược trong quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững, mà còn là giải pháp thông minh để ứng phó với thách thức môi trường đô thị ngày càng gia tăng.