Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường nghiêm trọng ở TP. Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc. Giải quyết tình trạng này, TP. Hà Nội đang thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp tại hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.
Theo bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội), đây là bước đột phá để phát triển giao thông xanh - sạch - thuận tiện - chi phí thấp, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Mở rộng thí điểm vùng giảm phát thải
Thưa bà, giải pháp vùng phát thải thấp sẽ được thực hiện như thế nào đối với các quận, huyện của TP. Hà Nội?
Bà Lưu Thị Thanh Chi: Tại Kỳ họp lần thứ 20, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết 47, quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP. Hà Nội, có hiệu lực từ 1/1/2025.
Khái niệm về vùng phát thải thấp đã xây dựng và phát triển từ năm 1996. Hiện nay, vùng phát thải thấp chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông.
Trong Nghị quyết nêu rõ, các phương tiện giao thông đặc biệt là xe có khí thải gây ô nhiễm môi trường cao như xe chạy dầu diesen, xe tải trọng lớn cần được hạn chế đầu tiên trong quá trình giảm phát thải. Đồng thời, sẽ mở rộng các khu vực áp dụng chương trình giảm phát thải. Những khu vực đã có nền tảng phát triển giao thông như các tuyến phố đi bộ sẽ được kiểm soát lưu lượng xe cộ. TP. Hà Nội đang thí điểm hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, sau đó sẽ lan tỏa đến các quận, huyện khác.
Chúng tôi sẽ xây dựng đề án cụ thể để triển khai, trong đó xác định ranh giới vùng phát thải thấp, xác định phương án giảm phát thải trên địa bàn quận, huyện. Ngoài ra, sẽ căn cứ vào đặc điểm của từng quận, huyện, chúng tôi sẽ xây dựng chính sách riêng cho các địa bàn vùng phát thải thấp phù hợp với đặc điểm khí hậu, môi trường, đặc điểm dân cư, sau đó, trình Hội đồng nhân dân phê duyệt.
Trong đó, có cơ chế đặc thù về thuế, phí, khoanh vùng khu vực làm vùng phát thải thấp, hạ tầng giao thông, kết nối giao thông công cộng và giao thông cá nhân, hệ thống camera giám sát và lực lượng giám sát, dán tem cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch…

Bà Lưu Thị Thanh Chi - Phó trưởng Phòng Quản lý môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội). Ảnh: Thùy Linh.
Cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường
Bên cạnh việc khoanh định vùng phát thải thấp thì để giảm ô nhiễm môi trường rất cần sự chung tay của cộng đồng. Chúng ta nên có hành động gì để kêu gọi người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường sống?
Bà Lưu Thị Thanh Chi: Tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường cần được nâng cao. Người dân cần hiểu rõ vai trò của mình rất quan trọng vào việc bảo vệ môi trường cũng như giảm ô nhiễm môi trường. Ai cũng có một phần trách nhiệm trong việc này.
Đơn cử, vào những ngày thời tiết không khí ô nhiễm, chúng ta có thể theo dõi trên trang web chính thức của TP. Hà Nội, IHanoi. Người dân có thể truy cập vào để xem được chất lượng không khí và diễn biến dự báo trong những ngày tiếp theo chất lượng không khí như thế nào? Và chúng ta sẽ cùng nhau hành động để bảo vệ môi trường. Chúng ra có thể sử dụng phương tiện công cộng để đi làm thay vì phương tiện cá nhân vào những ngày không khí thời tiết xấu. Như vậy, chúng ta đã góp phần làm giảm ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, TP. Hà Nội phải đầu tư hạ tầng giao thông sao cho người dân sử dụng thuận tiện nhất, có cơ chế ưu đãi đối người người dân khi sử dụng phương tiện công cộng. Làm sao để người dân hi sinh sở thích cá nhân để cùng cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.
Giai đoạn đầu thí điểm sẽ không thể tránh khỏi vướng mắc. Tuy nhiên, khi đã có kinh nghiệm, chúng ta sẽ tìm được giải pháp khả thi. Các nước trên thế giới cũng vậy, giai đoạn đầu khó khăn, sau đó mọi việc đi vào nề nếp.
Xin cám ơn bà!
Bà Lưu Thị Thanh Chi: Luật Giao thông đường bộ đã có điều khoản quy định chi tiết về đo kiểm khí thải xe máy, ô tô. Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp xây dựng hướng dẫn chi tiết cho tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.