1.
Tôi có dịp gặp bà trong một buổi chiều ngàn ngạt gió. Gió lật giở từng trang trong cuốn sách mà bà đã giành trọn tâm huyết của cuộc đời nghiên cứu: “Làng nghề Việt Nam và Môi trường”.
"Tôi về với nông thôn và làng nghề như một cơ duyên, khi tôi có dịp hợp tác với một nhà khoa học người Mỹ tìm hiểu về chủ đề loại hình sản xuất phi nông nghiệp nhưng lại nằm trong vùng nông thôn. Và tôi phát hiện ra, loại hình ấy chính là làng nghề của Việt Nam", PGS.TS Đặng Thị Kim Chi mở đầu câu chuyện.
Hơn 40 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu cũng là chừng ấy thời gian bà gắn bó với làng nghề. Bà đau đáu: “Việt Nam tính ra có đến gần 5.000 làng nghề và làng có nghề đang tồn tại. Không có quốc gia nào mà mật độ làng nghề lại nhiều như thế! Có một thực tế là tại một số làng nghề, sản xuất càng sôi động thì chất lượng môi trường càng đi xuống và còn dẫn đến xung đột môi trường nông thôn giữa làng có nghề với làng không làm nghề”.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi trong một lần khảo sát về môi trường làng nghề. Ảnh: NVCC.
“Tôi lấy ví dụ: Nước thải không được xử lý của
làng nghề này chảy ra một dòng sông, dòng sông này lại nằm trong hệ thống tưới tiêu của khu vực phía dưới. Như vậy, nước thải ô nhiễm lại được tưới cho đồng ruộng phía dưới. Người dân ở phía dưới không đồng ý. Ngũ Huyện Khê là một điển hình”, bà phân tích.
Một số giải pháp đã được đặt ra, như hình thành các cụm công nghiệp (CCN) làng nghề. Bất cập ở chỗ nếu CCN ấy không có các công trình hạ tầng cơ sở thì đưa các cơ sở sản xuất ra đấy chẳng khác gì một cách “giãn ô nhiễm”, chuyển từ diện nhỏ ra diện lớn, gây ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm!
Như vậy, CCN làng nghề phải có đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật, các cơ sở xử lý nước thải, hệ thống kiểm soát khí thải, hệ thống thu gom và xử lý các chất thải rắn, khuyến khích sử dụng các dạng năng lượng mới. Thực tế số CCN làng nghề đáp ứng được các điều kiện này hiện nay rất ít bởi thiếu nguồn lực. Do đó, cần xã hội hóa để huy động nguồn lực tài chính cho công tác này, đồng thời phải giúp người dân làng nghề thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường, họ phải đầu tư ra CNN sản xuất nếu muốn phát triển và phải trả phí xử lý chất thải.
2.
Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, cơ cấu và phân bố làng nghề ở Việt Nam không đồng đều. Làng nghề tập trung chủ yếu ở miền Bắc. Trong đó, Hà Nội là địa phương có mật độ làng nghề lớn nhất, với 1350 làng có nghề và làng nghề, 327 làng nghề và làng nghề truyền thống được Nhà nước công nhận (tính đến năm 2023), trong đó có 59 làng nghề truyền thống và 268 làng nghề. Mật độ làng nghề ở miền Trung và miền Nam thấp hơn ở miền Bắc.
Về mặt khoa học, tính chất ô nhiễm của làng nghề phụ thuộc vào loại hình sản phẩm và quy trình sản xuất của làng nghề ấy. Ví dụ, làng nghề làm bún làm bánh, ô nhiễm chủ yếu là dùng các khí, chất đốt để nấu nóng, tráng…hay nước thải chứa nhiều tinh bột. Nhưng với làng nghề dệt nhuộm, nước thải do nhuộm lại là loại hình gây ô nhiễm nặng nhất. Với làng nghề cơ khí, lại có vấn đề ô nhiễm khí do nung chảy, bụi, tiếng ồn. Làng nghề tái chế giấy, ô nhiễm chính là nước. Làng nghề tái chế nhựa, ô nhiễm chính là khí thải do quá trình nấu chảy nhựa để làm thành các hạt nhựa. Tóm lại, các loại hình làng nghề khác nhau có mức độ ô nhiễm khác nhau và thành phần, đối tượng ô nhiễm cần xử lý là khác nhau.
Vì vậy, GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho rằng, việc xử lý ô nhiễm làng nghề phải phụ thuộc vào tính chất của nguồn ô nhiễm và đặc thù ô nhiễm để có công nghệ xử lý phù hợp với đối tượng.

Một số làng nghề ở Việt Nam sản xuất với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: NVCC.
3.
Dù những cái tên như Phong Khê, Mẫn Xá, Bình Yên, Minh Khai…vẫn đã và đang là “điểm nóng” môi trường, nhưng “điểm sáng” môi trường làng nghề lại là những tín hiệu vui để ánh mắt GS.TS Đặng Thị Kim Chi sáng lên khi nhắc đến.
“Khoảng 20 năm gần đây, làng nghề đã có thay đổi lớn. Tôi đã trở lại những làng nghề cách đây 20 năm tôi từng nghiên cứu, thấy họ đưa cơ khí và tự động hóa vào nhiều khâu để giảm nhẹ sức lao động và tăng năng suất. Như tại làng gốm Bát Tràng, trước đây, người ta nung gốm bằng than, củi, khí thải ra rất ô nhiễm nhưng sau đó họ chuyển sang dùng lò nung bằng khí gas, làm nhiệt độ lên rất nhanh mà khí nung rất sạch. Sản phẩm loại A của họ tăng từ 60-70% lên tới trên 90%. Đây là bước tiến rất mới trong nghề làm gốm ở Bát Tràng và đã được chuyển giao đi các nơi như gốm sứ Minh Long. Nhiều làng nghề chế biến nông sản thực phẩm như làm bún, bánh…đã áp dụng cơ khí hóa bằng cách sử dụng các máy nghiền bột, máy tráng công suất lớn”, bà kể.
GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho rằng, công nghệ xử lý môi trường nếu được áp dụng tại làng nghề phải thật sự đơn giản, dễ thực hiện và chi phí thấp, theo đúng định hướng kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh.
“Cần động viên, khuyến khích các nhà khoa học tập trung nghiên cứu theo hướng kinh tế tuần hoàn để tận dụng được giá trị từ chất thải nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh ra môi trường, bảo vệ tài nguyên, phát triển hệ sinh thái…Đó là trách nhiệm mà người làm khoa học nên làm” – GS.TS Đặng Thị Kim Chi đề nghị.
"Nghiên cứu khoa học của hai lĩnh vực nông nghiệp và môi trường rất gần nhau, đều nhằm mục tiêu chung là hướng tới áp dụng các công nghệ thích hợp, giúp phát triển bền vững. Chỉ khác nhau là đối tượng nghiên cứu, khi một bên thiên về hoạt động nông nghiệp và phát triển nông thôn, một bên thiên về những hoạt động bảo vệ môi trường. Khi hợp nhất, sẽ đa dạng hơn các nghiên cứu về công nghệ mới giữa môi trường và nông thôn", GS.TS Đặng Thị Kim Chi nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.