Có những nơi người ta tìm đến vì danh lam, có nơi vì đặc sản. Nhưng cũng có những làng quê khiến người ta muốn sống, muốn gắn bó, muốn trở về chỉ vì ở đó cuộc sống lành như hạt lúa, ấm như ánh lửa bếp và sâu như tiếng ru của mẹ. Vọng Xưa là một nơi như thế, không lộng lẫy, không rộn ràng, nhưng mỗi bước chân chạm xuống đất là một bước về với mình.


Vọng Xưa không chạy theo những “dự án triệu đô”, không bê tông hóa ruộng đồng để đổi lấy những con đường lạnh lẽo. Họ bắt đầu bằng một điều giản dị: “Không quy hoạch chỉ để đầu tư, mà quy hoạch để kiến tạo không gian sống bền vững”. Người dân ở đây tự hào giới thiệu: “Làng tôi không quy hoạch để xây, làng tôi quy hoạch để sống”.
Ở Vọng Xưa, quy hoạch không theo ý chủ đầu tư, mà theo tiếng nói cộng đồng thông qua Ban đại diện gồm những người có uy tín trong làng. Trước khi làm một đường giao thông, người ta họp làng, lấy ý kiến từng hộ dân, nghe cả lời cụ già và trẻ nhỏ. Trước khi sửa đình làng, bà con mời nghệ nhân và nhà nghiên cứu văn hóa đến để “tu bổ hồn làng chứ không chỉ là viên ngói”. Người dân coi bản đồ không gian là bản đồ tâm hồn của dân làng. Quy hoạch để gìn giữ, không phải để phá vỡ. Một cán bộ Vọng Xưa chia sẻ: “Quy hoạch là để giữ hồn làng, không phải để bê tông hóa ký ức”.
Ở đây, không có “khu đô thị nông thôn”, mà là những “không gian sống cộng đồng” được người dân cùng bàn, cùng làm: Sân đình là nơi họp thôn, tổ chức lớp học trồng rau hữu cơ, dạy con chữ và nhạc cụ dân gian. Vườn hoa công cộng là nơi người già kể chuyện, người trẻ làm ứng dụng số hóa cổ tích làng mình. Ao làng trở thành nơi nuôi cá bản địa kết hợp du lịch trải nghiệm sinh thái, do hợp tác xã thanh niên vận hành. Con đường làng lát đá ong, hai bên là bờ tre và những vạt hoa cúc quỳ nở rộ vào mùa thu. Nhà không cao tầng, nhưng mỗi nếp nhà đều “cao” bằng tri thức và ý thức của người dựng nên nó.



Ở Vọng Xưa, người dân làm kinh tế không đơn thuần là “kiếm nhiều tiền”, mà là tìm kế sinh nhai tử tế và có ích cho cộng đồng. Những sản phẩm OCOP, những làng nghề truyền thống đều được định vị trong bản quy hoạch đặt ở vị trí trang trọng trong trung tâm của làng và được chăm chút qua thời gian. Đối với người Vọng Xưa, tiền tất yếu sẽ thu về sau khi cùng nhau tạo ra giá trị cho sản phẩm.
Những vườn rau hữu cơ mọc lên từ ruộng bỏ hoang. Rác hữu cơ được ủ thành phân bón, vừa bảo vệ môi trường, vừa giảm chi phí sản xuất. Lũ trẻ được dạy cách làm app nông sản, quay video TikTok giới thiệu sản phẩm địa phương. Trong ngôi trường có một khu vườn nhỏ trồng rau, nuôi cá, được kết nối với phòng học STEM. Học sinh vừa được khám phá khoa học, lại vừa được khuyến khích niềm yêu thích cách làm nông nghiệp dựa trên tri thức khoa học.


Người nông dân không còn chỉ là “lao động phổ thông của đồng ruộng”, mà là nhà sáng tạo sinh thái, doanh nhân địa phương, người kể chuyện bản sắc bằng ngôn ngữ toàn cầu. Sống trong làng nhưng người dân vẫn tiếp cận được với thế giới bao la. Chiếc điện thoại thông minh không còn chỉ sử dụng để “gọi-nghe”, mà để học, để tìm đến nhau và kết nối ra bên ngoài lũy tre làng.
Tủ sách cộng đồng được đặt trong một không gian mở. Người làng đến đây có đủ loại sách, từ dạy làm người đến dạy làm ăn. Những người cao tuổi có sách dạy dưỡng sinh, cách rèn luyện sao cho não trạng không già đi. Phụ nữ có sách hướng dẫn dinh dưỡng trong bữa cơm gia đình. Thanh niên có sách dạy khởi nghiệp. Bà con nông dân có sách chỉ cách trồng trọt, chăn nuôi... Cụ giáo già về hưu vẫn đầy tâm huyết: “Cái chữ không ở đâu xa, nó nằm trong bát nước chè, lời ru, cây cầu tre đầu làng…”.


Làng không xây nhà văn hóa chỉ để năm ngày nửa tháng tổ chức họp hội, mà là không gian sinh hoạt chung cho cộng đồng mỗi chiều tối sau một ngày lao động. Hằng đêm có tiếng hát dân ca, lớp học đàn trống, vẽ tranh, hoặc nhóm thanh niên dựng lại những điệu nhã nhạc truyền thống. Hằng tuần có lớp dạy nghề do chính cộng đồng đề xuất những nghề phù hợp. Nhà văn hóa còn có không gian trưng bày và giới thiệu với du khách về lịch sử hình thành làng với các dụng cụ làm nông, hình ảnh những bậc “Tiền hiền khai khẩn - Hậu hiền khai cơ”, những bản sắc văn hóa trầm tích theo dòng chảy của thời gian.


Người ta đến đây để học cách đan lát với ông cụ mù chữ nhưng nhớ hàng trăm mẫu họa tiết. Người ta đến đây để cùng với những người phụ nữ nấu một bữa cơm niêu với lửa rơm, cùng với những món ẩm thực chế biến tử sản vật trong làng đầy đủ dinh dưỡng. Người ta có thể được nghe chuyện cổ tích do chính học sinh trong làng kể bằng tiếng Anh. Người ta đến đây để trải nghiệm phiên chợ quê không mặc cả, vì mọi thứ đã được định bằng niềm tin.
Ở Vọng Xưa, không ai gọi “du lịch” là ngành kinh tế mũi nhọn. Người làng gọi đó là: “Mời người về chơi nhà mình, cho họ sống như mình một ngày”. Du khách đến, được ăn bát canh rau rừng trồng bởi cụ Mười, nghe kể chuyện Trận Đồi Sim từ ông Lý, và vẽ hoa văn trống đồng lên tà áo tơ tằm với chị Hảo, một nghệ nhân làng nghề trẻ. Không có những khách sạn sang trọng, chỉ có nhà sàn gỗ đơn sơ nhưng tràn đầy kỷ niệm. Không có những khu nghỉ dưỡng lạnh lùng, chỉ có nụ cười của người nông dân hiểu rằng bản thân họ chính là giá trị.


Ở đây, cán bộ không “quản lý dân” mà “cùng làm với dân”. Bí thư đoàn là người hướng dẫn livestream cho tổ hợp tác nông sản. Chủ tịch xã là người thường xuyên đến ngồi nghe ý kiến tổ phụ nữ, tổ hưu trí. Mỗi chính sách là kết quả của đối thoại, không phải mệnh lệnh. Cuộc sống nông thôn hài hòa từ trong mỗi nếp nhà, trong tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau.
Và người dân không trông chờ hỗ trợ mà luôn tự lực vươn lên. Chỉ khi vượt ngoài khả năng, Ban đại diện chủ động đề xuất với chính quyền nhờ hỗ trợ và cùng nhau sáng tạo, thử nghiệm, góp sức cho cách làm mới. Người làng hiểu rằng: “Không ai phát triển thay mình. Chỉ mình mới biết mình cần gì và quý điều gì nhất!”. Bà con luôn tự nhủ: “Đời mình không sống thì ai sống hộ?”.


Người làng ở đây không đợi chính sách mà cùng viết chính sách. Hợp tác xã ở làng không chỉ làm nông, mà còn có nhóm nghiên cứu thị trường, nhóm truyền thông số. Thanh niên được học chuyển đổi số, người già dạy lại lịch sử làng, trẻ em kể chuyện làng qua hoạt hình.
Ở Vọng Xưa, mọi quy hoạch phải qua Hội đồng Làng, gồm người già, nghệ nhân, nông dân, cô giáo, và cả học sinh tiêu biểu. Trước khi xây đường mới, họ hỏi nhau: “Đường có dẫn người đi, hay dẫn người rời xa làng?”. Và vì thế, mọi công trình đều “mọc lên như cây”, vừa đúng vị trí, vừa đúng hồn vía đất đai.


Rừng tre quanh làng vẫn xanh, ao làng vẫn trong, tiếng ếch kêu và chim sếu về mỗi mùa. Vọng Xưa xây dựng quy tắc riêng như một hương ước của làng mà mọi người tự nguyện tuân thủ: mỗi công trình phải có diện tích cho cây xanh, mặt nước cho chim về đậu, làm tổ. Thay vì xây nhà máy phân, làng có tổ phụ nữ phân loại rác và làm phân tại chỗ. Thay vì quảng bá ồn ào, bà con truyền thông nhẹ nhàng cho những ai đến, ai hiểu, ai yêu thì sẽ trở lại.


Vọng Xưa không chỉ là tên làng mà là lời nhắc mọi người đừng quên nguồn cội. Trong thời đại mà phát triển dễ trở thành “làm mới bằng mọi giá”, Vọng Xưa nhắc chúng ta phát triển không phải là bỏ lại cái cũ, mà là làm cái cũ sống tiếp theo cách mới. Và vì vậy, Vọng Xưa không chỉ là làng đáng sống mà còn là làng đáng học, đáng kể, đáng nhân rộng.
Vọng Xưa, nơi người ta không chỉ sống để đi tới tương lai, mà còn giữ lại những gì thiêng liêng từ quá khứ. Một làng quê mà khi bước chân vào, người ta thấy cuộc sống không vội, nhưng nhịp đập lại đầy sinh khí. Ở đây, người làng sống chậm để cùng nhau tiến xa.
Vọng Xưa là một giấc mơ về một làng quê đáng sống, đáng đến, đáng trở về , gắn với tinh thần của Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Ở đây nhấn mạnh vai trò chủ thể của người dân, bản sắc địa phương, và tư duy phát triển bền vững, hài hòa. Vọng Xưa - nơi người ta sống chậm để tiến xa bởi một không gian hài hòa và một cộng đồng sáng tạo.
