Triển khai khung hành động dựa trên dữ liệu tại thành phố lớn
Tại các đô thị châu Á, trong đó có Việt Nam, chất lượng không khí đang là thách thức ngày càng lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, khung hành động dựa trên dữ liệu đang được nhiều quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ.
Tại New Delhi (Ấn Độ), hệ thống ứng phó GRAP cho phép thành phố đưa ra các biện pháp ứng phó cụ thể theo từng cấp độ AQI. Bắc Kinh (Trung Quốc) và Bangkok (Thái Lan) cũng vận hành hệ thống cảnh báo và kiểm soát ô nhiễm dựa trên dữ liệu theo thời gian thực. Những mô hình này là minh chứng rằng khi dữ liệu được xử lý bài bản và tích hợp vào chính sách, hiệu quả quản lý ô nhiễm sẽ tăng đáng kể.
Tại Việt Nam, Tổ chức Không khí sạch Châu Á (Clean Air Asia) vừa cho ra mắt khung hành động bao gồm chuỗi hoạt động từ thu thập dữ liệu quan trắc ô nhiễm, kiểm kê nguồn thải, mô hình hóa lan truyền, đánh giá tác động sức khỏe – kinh tế, cho tới phân tích điều kiện địa phương. Các bước này giúp hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch hành động không khí sạch (CAAP) ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Bà Dang Espita, đại diện Clean Air Asia khuyến nghị mở rộng mạng lưới quan trắc, tăng cường đào tạo kỹ thuật, đầu tư vào hệ thống quản lý dữ liệu (DMS), đặc biệt đảm bảo công bố dữ liệu theo hướng dễ hiểu, minh bạch và có thể hành động với tình hình ô nhiễm không khí của Việt Nam hiện nay. Ảnh minh họa.
“Một trong những điểm quan trọng là dữ liệu không nên chỉ dừng ở thu thập, mà phải được phân tích, kết nối với dữ liệu khí tượng, địa lý và phát thải để phục vụ cho dự báo và xây dựng giải pháp. Khi xây dựng mạng lưới quan trắc, cần lựa chọn vị trí đặt trạm, tập trung vào những điểm nóng ô nhiễm, khu vực đông dân cư và nhóm dân số dễ bị tổn thương như người nghèo. Hệ thống giám sát không chỉ nhằm ghi nhận dữ liệu, mà còn phản ánh bức tranh phát triển, các giá trị và tuân thủ pháp luật môi trường ở từng địa phương”, bà Dang Espita, đại diện Clean Air Asia lưu ý.
Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, Việt Nam đã có bước tiến trong xây dựng hệ thống dự báo chất lượng không khí với các mô hình như CMAQ và SILAM. Tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch rõ rệt giữa các địa phương, cụ thể mới chỉ 26/63 tỉnh thành có trạm quan trắc tự động. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ, phần mềm, năng lực nhân lực và cơ chế công bố thông tin vẫn chưa đủ toàn diện để tiến tới quản lý chất lượng không khí chủ động.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra các hướng dẫn tham khảo toàn cầu, và Clean Air Asia đã xây dựng bản đồ PM2.5 dành riêng cho châu Á, phù hợp với điều kiện khu vực và giá trị khuyến nghị của WHO. Đây là cơ sở để các thành phố như Hà Nội có thể định vị chiến lược quản lý không khí trong dài hạn.
Cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ sạch để quản lý khí thải
Theo Phó Giám đốc Điều hành Clean Air Asia Atty Glynda, khi thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng không khí, các quốc gia sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề nguồn tài chính.
“Để giải quyết thách thức này, chính phủ cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức và các bên liên quan nhằm phân tích chi phí một cách hiệu quả. Cụ thể, phải chi tiết hóa các khoản chi phí, xác định rõ nguồn lực, trang thiết bị cần thiết, cũng như các khoản chi phí bảo trì trong quá trình triển khai các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.
Tôi cho rằng đánh giá năng lực kỹ thuật và cải thiện chuyên môn của đội ngũ nhân sự là một yếu tố quan trọng. Khi thiết kế kế hoạch hành động cụ thể, kết hợp giữa xem xét năng lực hiện tại và xác định rõ các yêu cầu năng lực kỹ thuật sẽ giúp đưa ra những giải pháp phù hợp và khả thi”, bà Atty Glynda chia sẻ.
Đồng tình với ý kiến của bà Atty Glynda, PGS.TS Hồ Quốc Bằng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân tích chi phí lợi ích chi tiết, từ đó xác định danh sách ưu tiên và phân công rõ ràng trách nhiệm cho từng đơn vị.
Ông Bằng thông tin thêm, hiện nay địa bàn cấp tỉnh, thành phố đang thiếu vắng các chuyên gia chất lượng cao, dẫn đến chất lượng kế hoạch chưa đạt yêu cầu. Để khắc phục tình trạng này, ông đề xuất tăng cường năng lực cho các chuyên gia tại địa phương, đào tạo họ để có thể đảm nhận tốt hơn công việc xây dựng và triển khai các kế hoạch quản lý khí thải, từ đó nâng cao hiệu quả của các chiến lược bảo vệ môi trường.

Ô nhiễm không khí đang trở thành một vấn đề quy mô lớn, trong khi đa số phải gánh chịu hậu quả, chỉ có một nhóm nhỏ – chủ yếu là các khu công nghiệp – được hưởng lợi từ các hoạt động phát thải. Ảnh minh họa.
Phân tích sâu hơn về chính sách, ông Alexander David Nash, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), khẳng định hệ thống quy định về tiêu chuẩn phát thải cần đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa các bên.
“Không chỉ đảm bảo hài hoà lợi ích, chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng công nghệ sạch, giúp họ vừa duy trì sản xuất vừa giảm tác động đến môi trường. Ngân hàng Phát triển Châu Á cam kết đồng hành cùng chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các bên liên quan tại Việt Nam để xây dựng định hướng chính sách quản lý chất lượng không khí hiệu quả và bền vững hơn”, ông Alexander David Nash cho biết.