
Xây dựng xưởng trái phép trên đất nông nghiệp ở Tân Triều, Hà Nội. Ảnh: Đức Minh.
Nhu cầu bức thiết
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, tình trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhất là trên đất nông nghiệp, đất công, diễn biến ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về quy mô, tính chất. Một nguyên nhân quan trọng là mức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Nhiều trường hợp cố tình xây dựng công trình trái phép, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất không chỉ không bị xử lý kịp thời mà còn coi tiền phạt như một phần chi phí đầu tư, khiến vi phạm “lợi nhiều hơn thiệt”. Do đó, cần có các chế tài đủ mạnh để siết chặt quản lý đất đai tại Hà Nội.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại, thành phố đang đối mặt với áp lực lớn về phát triển hạ tầng và đô thị hóa. Việc quản lý chặt chẽ đất đai sẽ giúp đảm bảo sử dụng nguồn đất hiệu quả, phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng sống của người dân. Vì tính cấp thiết như vậy nên Nghị quyết quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của Hà Nội lần này đã được hoàn thiện và trình ban hành sớm hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu.
Thay vì chờ đến cuối năm để đồng bộ với các văn bản hướng dẫn từ Trung ương, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hà Nội đã chủ động, kịp thời tham mưu cho UBND Thành phố đẩy nhanh quá trình xây dựng dự thảo, lấy ý kiến các sở, ngành và đơn vị liên quan để trình HĐND thông qua tại kỳ họp HĐND vừa qua.
“Chúng tôi đã tham mưu xây dựng Nghị quyết để nâng mức xử phạt lên gấp 2 lần đối với 71 hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức phạt tiền, từ điều 8 đến điều 29 theo Nghị định số 123/2024 của Chính phủ. Đơn cử, với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở thuộc địa giới hành chính của xã, khoản 3 điều 8 Nghị định 123 quy định phạt tiền từ 150-200 triệu đồng đối với diện tích đất từ 0,1ha trở lên thì Hà Nội sẽ tăng lên từ 300-400 triệu đồng đối với cá nhân (từ 600 –800 triệu đồng đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm)”, ông Đại cho biết.
Ông nhấn mạnh, tăng mức xử phạt là yêu cầu cấp thiết để lập lại trật tự trong quản lý đất đai, nhất là tại các địa bàn giáp ranh, vùng đang chịu áp lực đô thị hóa, nơi đất đai có giá trị cao và dễ phát sinh tiêu cực. Không chỉ nhằm răn đe, việc nâng mức xử phạt còn giúp tăng tính nghiêm minh của pháp luật, khẳng định quyết tâm chính trị của thành phố trong việc bảo vệ tài nguyên, quản lý sử dụng đất đai đúng mục đích, đúng quy hoạch. Từ đó ngăn chặn tình trạng buông lỏng, né tránh, hoặc làm ngơ trước vi phạm vì “mức phạt quá nhẹ, phạt xong là xong”.

Xây dựng xưởng trái phép trên đất nông nghiệp ở Tân Triều, Hà Nội. Ảnh: Đức Minh.
Nghị quyết đi trước, mở đường cho phát triển
Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố lần này được xem là công cụ pháp lý mạnh và đặc thù, phù hợp với thực tiễn của Hà Nội – nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu sử dụng đất lớn và giá trị đất đai cao nhất cả nước. Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng và cấp thiết nhằm siết chặt kỷ cương, văn minh đô thị, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo trật tự xã hội, nhằm kiến tạo một đô thị hiện đại, văn minh.
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, ông Lê Văn Bính cho biết, với một hệ thống các quy định chặt, mức phạt nghiêm, cơ chế thực thi rõ và trách nhiệm cá nhân được xác lập, Nghị quyết về xử phạt vi phạm về đất đai của thành phố Hà Nội lần này không chỉ khép lại khoảng trống chính sách mà còn thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền cơ sở.
Còn Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, ông Bùi Văn Sáng khẳng định, sau khi HĐND thông qua Nghị quyết, huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát toàn bộ các trường hợp vi phạm trên địa bàn, đặc biệt là vi phạm mới phát sinh. Việc có khung xử phạt cụ thể, nghiêm khắc đã giúp địa phương mạnh tay hơn trong xử lý, tạo hiệu ứng răn đe rõ rệt. Chỉ riêng trong tháng qua 4 và đầu tháng 5, huyện đã hoàn thiện hồ sơ xử lý cưỡng chế 74 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt hàng trăm triệu đồng.
Tại huyện Quốc Oai, chính quyền các xã đồng loạt tổ chức cưỡng chế, xử lý nhiều công trình vi phạm tại các xã Hòa Thạch, Tuyết Nghĩa, Đông Xuân. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai. Ông Phạm Quang Tuấn thông tin: “Sau kỳ nghỉ lễ 30/4, huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các xã tổ chức đồng loạt ra quân cưỡng chế, xử lý các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, trong đó có nhiều trường hợp phức tạp kéo dài. Quan điểm của huyện là xử lý đến nơi đến chốn, không để phát sinh điểm nóng, không để dư luận bức xúc vì sự chần chừ, nể nang hay buông lỏng trong quản lý”.
Tại huyện Mê Linh - nơi từng được coi là “điểm nóng” về vi phạm đất đai – các địa phương cũng đang “chạy đua với thời gian” để hoàn thành xử lý các trường hợp tồn đọng. Huyện đã phân loại, giao chỉ tiêu rõ ràng cho từng xã, phường, đặt ra thời hạn cụ thể và xem đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2025. Ở huyện Hoài Đức, xã Đông La cũng vừa xử lý dứt điểm 63 trường hợp vi phạm mới phát sinh trên đất nông nghiệp. Không dừng lại ở xử lý hành chính, huyện Chương Mỹ còn mạnh tay chuyển một số vụ việc vi phạm nghiêm trọng sang cơ quan công an điều tra, xử lý theo pháp luật hình sự.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội khẳng định, để Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn, Sở sẽ tổ chức triên khai ngay công tác thông tin tuyên truyền. Cụ thể, tích cực phối hợp với các xã, phường, trường học và tổ chức đoàn thể để tuyên truyền bằng nhiều hình thức như loa truyền thanh, mạng xã hội, tài liệu in ấn, thậm chí xây dựng clip ngắn để tuyên truyền. Đồng thời, lập các tổ công tác liên ngành, kiểm tra thường xuyên, xử lý kiên quyết và công khai. Các hành vi chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; các “điểm nóng” chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp sẽ là trọng tâm trong đợt cao điểm triển khai.