Thực hiện Nghị quyết số 171 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất và một số quy định khác, thành phố đã tiến hành rà soát danh mục các khu đất thực hiện dự án thí điểm trên địa bàn. Sau khi đánh giá các điều kiện, tiêu chí, UBND đề xuất HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua Danh mục 157 khu đất dự kiến thực hiện dự án thí điểm với tổng diện tích khoảng 861,9ha, trong đó, diện tích đất trồng lúa khoảng 179,49ha.
UBND TP Hà Nội cho biết, các khu đất thực hiện dự án thí điểm phải đáp ứng các điều kiện như phạm vi khu đất, thửa đất thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt...
Ví như dự án khu phức hợp thương mại, dịch vụ và nhà ở tại huyện Sóc Sơn, do Công ty cổ phần đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí thể thao Hà Nội đăng ký; dự án khu nhà ở Happy Town tại huyện Đông Anh, do Công ty cổ phần Tư vấn và dịch vụ xã hội Hà Nội đăng ký…

Nhiều dự án bất động sản sẽ được tháo gỡ nhờ nghị quết 171. Ảnh minh họa.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Quốc hội mới thông qua về Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản. Ngay sau đó, Quốc hội lại thông qua hai nghị quyết về bất động sản là Nghị quyết 170 và 171. Đây là hai cơ chế đặc thù giúp tháo gỡ các vướng mắc đang tồn đọng tại nhiều dự án bất động sản trên địa bàn cả nước.
“Những dự án sai phạm đã được khắc phục, cán bộ liên quan đã bị xử lý. Các nhà đầu tư thực hiện dự án này cũng phải thực hiện các nghĩa vụ về kinh tế. Vậy phải làm thế nào để các dự án này được tái khởi động. Về nguyên tắc dự án nào sai thì phải làm lại từ đầu. Chính vì vậy, khi có một cơ chế đặc thù sẽ cho phép tiếp tục các dự án. Ví dụ như không phải đấu thầu lại mà chỉ cần xác định mức giá để tiếp tục. Hoặc là vấn đề liên quan đến quy hoạch mà chưa phù hợp thì làm sao để điều chỉnh lại. Bởi lẽ, phần lớn các dự án này nằm ở vị trí đất vàng. Do đó, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 171 là tạo cơ hội để tháo gỡ dự án làm sao để nguồn lực đất đai được đi vào khai thác” – GS Cường nhấn mạnh.
Hiện nay, bên cạnh những dự án được tháo gỡ theo nghị quyết 171, TP. Hà Nội đang đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố; đồng thời, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những nút thắt để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Việc khởi động lại dự án đủ điều kiện sẽ góp phần tái thiết đô thị, bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản. Kiên quyết thu hồi đất bỏ hoang để xây dựng trường học, công viên cây xanh không chỉ giải bài toán lãng phí nguồn lực đất đai mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.