| Hotline: 0983.970.780

Giữ lại nhà tranh vách đất để…làm kinh tế

Thứ Tư 18/11/2020 , 15:53 (GMT+7)

Trong khi nhiều vùng sâu, vùng xa đang nỗ lực xóa nhà tranh vách đất như xóa một biểu tượng của đói nghèo thì gia bà Đinh Thị Thành lại kiên quyết giữ...

Bài có sự kết hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội (1/2 trang):

Vài chục năm trước ở xóm Nghe và toàn xã Vân Hòa (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) có rất nhiều ngôi nhà tranh vách đất, đơn giản bởi dân quá nghèo. Không có tiền, người Mường rồi cả người Kinh ở đây đành phải chặt tre nứa làm kèo, làm cột, lấy đất trộn với tổ mối để trát thành vách, lấy rơm, lá cọ  lợp mái nhà. Chẳng có thợ chuyên mà toàn anh em, hàng xóm láng giềng đến trợ giúp nhau kiểu đổi công rồi khoản đãi bằng vài lưng cơm trắng, đôi bát nước chè xanh.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, những ngôi nhà xây lợp mái ngói rồi nhà gác, nhà tầng dần dần mọc lên, nhà vách đất đã bị dỡ bỏ không thương tiếc. Ngoảnh đi, ngoảnh lại chỉ còn mỗi ngôi nhà vách đất của bà Đinh Thị Thành với tuổi đời tương đương với tuổi chủ nhân, trên 60 năm, đã bắt đầu có biểu hiện xuống cấp. Một buổi, Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh-Chủ nhân của Trang trại Đồng quê đến thuyết phục bà không chỉ giữ lại ngôi nhà mà còn mở rộng thêm mấy gian để trưng bày các dụng cụ của nghề nông xưa như cối xay thóc, cối giã gạo, trục lúa, máy tuốt, hòm đựng lúa, cày, bừa…để phục vụ cho hoạt động du lịch trải nghiệm.

Bà Thành đang tráng bánh cuốn. Ảnh: NNVN.

Bà Thành đang tráng bánh cuốn. Ảnh: NNVN.

Bên hiên nhà, mặt bà như nhòa đi trong hơi nước nghi ngút của chiếc nồi tráng bánh. Bánh cuốn xưa thường xay bằng cối đá, giờ đã có máy nghiền thay thế nhưng vẫn bao gồm đầy đủ các công đoạn. Bột 80% gạo tẻ, 20% gạo nếp được ngâm qua đêm, nhân với thịt, mộc nhĩ, hành, hạt tiêu…Đĩa bánh nóng hôi hổi được bày ra bàn kèm ít rau sống gồm dền chua, xà lách tươi roi rói trong vườn mới hái vào trông thật bắt cả mắt lẫn mũi.

Trẻ con đến thăm ngôi nhà tranh vách đất của bà được tham gia cả vào  việc tráng bánh cuốn, úp cá, trồng rau, cấy lúa…Lúc có khách cả nhà đều góp một tay vào để chiều lòng người thành phố nhưng lúc vắng vẻ thì lớp trẻ lại đi làm tự do bên ngoài, chỉ còn mỗi ông bà già làm nông như thường nhật. Thu nhập mỗi tháng từ du lịch của họ được chừng trên dưới 10 triệu đồng nhưng quan trọng hơn là vẫn được ở trong ngôi nhà của tổ tiên, được cuốc xới trên mảnh vườn của tổ tiên chỉ có cách làm có đôi chút khác đi.

Bà thường cắt cây phân xanh về ủ cùng phân bò để hoai mục mới đem ra bón chứ không dùng phân hóa học. Thuốc trừ sâu cũng tự chế bằng xả, ớt, gừng giã nhỏ rồi ngâm tưới lên để xua đuổi côn trùng, còn sót con nào thì bắt bằng tay chứ cũng nhất định không chịu dùng hóa chất độc hại cho 4 sào rau của nhà. Nhờ đó mà rau bán 15-20.000đ/kg luôn đắt khách, ngoài ra bà còn bán thêm cả sữa tươi nhập từ những nhà hàng xóm có nuôi bò với giá 14.000đ/lít. 

Bà Thành bên vườn rau canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: NNVN.

Bà Thành bên vườn rau canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: NNVN.

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 50 km, trang trại Đồng quê Ba Vì là một trong những điển hình về du lịch trải nghiệm với sự đa dạng của rừng, hồ, ao, suối, sông ngòi. Bên cạnh đó là những hoạt động tiêu biểu cho nền văn minh lúa nước ở châu thổ sông Hồng như cấy lúa, úp nơm, bắt cá bằng những dụng cụ thô sơ, hái các loại rau rừng và thảo dược, xem cách con ong làm mật, con người lấy mật, tự hái và sao chè khô, cho dê, thỏ, bò ăn... Không chỉ bó hẹp trong không gian của trang trại, khách có thể thỏa chí tham quan thêm các địa điểm liên kết như làng chè Ba Trại, làng thảo dược người Dao...

Sau khi được tự tay bắt cá, nướng cá vùi trong rơm, thưởng thức gà đồi, rau sạch ngay tại chỗ du khách còn chung vui bên đống lửa trại và tham gia vào những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc của hai dân tộc Mường, Dao. 

Mô hình du lịch cộng đồng này hiện đang được nhiều người học tập theo, cùng bà con nhân rộng để đón khách và làm nên danh tiếng cho vùng đất linh thiêng Ba Vì.

Xem thêm
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng'

Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng', trong bảo vệ sức khỏe người dân và trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Rừng Cần Giờ - Nửa thế kỷ hồi sinh

Ngồi trên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, lướt trên sông Lòng Tàu mềm như dải lụa, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn, tôi thầm thốt lên: 'Đúng là kỳ tích'.