Ngày 11/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo Khởi động Dự án “Giảm thiểu phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái” nhằm kiểm soát các chất độc hại thông qua vòng đời sản phẩm, phát triển nhãn sinh thái và cơ chế tài chính xanh.
Nhiều sản phẩm tiêu dùng vẫn chứa chất POP và thủy ngân
Trong những năm qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa và gia tăng tiêu dùng, nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam vẫn sử dụng các hóa chất nguy hại như chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân. Những hóa chất này thường được tìm thấy trong các sản phẩm như nhựa, keo dán, sơn, chất chống cháy, phụ gia cao su hoặc thiết bị điện tử.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hiền.
Mặc dù Việt Nam không trực tiếp sản xuất các chất POP như PBDE, PFOS, HBCDD, SCCP, MCCP hay PFOA, nhưng một lượng đáng kể vẫn được nhập khẩu và sử dụng trong quá trình sản xuất. Theo thống kê từ Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), năm 2022, tổng lượng nhựa PVC nhập khẩu vào Việt Nam đạt khoảng 737.000 tấn, riêng từ Trung Quốc là 220.000 tấn. Các chất POP như SCCP và MCCP có thể tồn tại trong các sản phẩm này dưới dạng phụ gia và chưa được kiểm soát triệt để.
Vì vậy, Dự án “Giảm thiểu phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái” đặt mục tiêu giảm thiểu 35 tấn POP và 648 kg thủy ngân thông qua kiểm soát vòng đời sản phẩm, phát triển nhãn sinh thái và cơ chế tài chính xanh. Đây là một trong những nỗ lực mới nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường, đồng thời thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP, đã nội luật hóa các quy định của Công ước Stockholm trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 về quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy, cũng như xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy.
“Hội thảo sẽ tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Công ước Stockholm và Công ước Minamata về thủy ngân, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe con người”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Quản lý còn nhiều thách thức
Dù đã có khuôn khổ pháp lý và sự quan tâm từ cơ quan quản lý, thực tế triển khai vẫn còn nhiều thách thức. Theo Cục trưởng Cục Môi trường Hoàng Văn Thức, hiện Việt Nam chưa có đủ dữ liệu định lượng về hàm lượng POP trong nhiều vật liệu nhập khẩu như PVC, EVA, hay các chất kết dính. Nhiều sản phẩm tồn lưu từ trước năm 2016 vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát thải POP và cần đánh giá, xử lý trong giai đoạn cuối vòng đời.
Theo ông Hoàng Văn Thức, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai nhiều hoạt động kiểm soát chất POP theo yêu cầu của công ước Stockholm, tiến tới không dùng, không sản xuất các chất POP. Bộ đã phối hợp với nhiều địa phương, các bộ ngành khác để triển khai các quy định về quản lý chất POP.

Cục trưởng Cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, cần chú trọng đến nghiên cứu chất thay thế và cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xanh hóa sản xuất. Ảnh: Hoàng Hiền.
Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về POP và thủy ngân còn thấp. Các khái niệm như "quản lý vòng đời sản phẩm" hay "nhãn sinh thái" mới chủ yếu được tiếp cận bởi các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật, chưa trở thành hành vi phổ biến trong tiêu dùng và sản xuất.
Theo đại diện UNDP, trong bối cảnh quốc tế đang tăng cường yêu cầu kiểm soát hóa chất độc hại, vai trò điều phối liên ngành và chỉ đạo mạnh mẽ từ phía Chính phủ Việt Nam là hết sức cần thiết để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của dự án. Việt Nam hiện là quốc gia thành viên của Công ước Stockholm về các chất POP và Công ước Minamata về thủy ngân. Việc triển khai Dự án này được xem là bước cụ thể hóa các cam kết quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng tích cực trao đổi, đặt câu hỏi và đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung và phương án triển khai dự án. Đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết các doanh nghiệp trong ngành vẫn còn thiếu nhận thức về POP, đồng thời bày tỏ mong muốn được kết nối, khảo sát thực tế và tìm giải pháp thay thế để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, chuyên gia kỹ thuật cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp về vật liệu thay thế, xét nghiệm và đánh giá tiêu chuẩn POP trong bối cảnh hiện nay năng lực tái chế còn hạn chế…

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Hiền.
Kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục Môi trường đánh giá cao những ý kiến đóng góp từ đại biểu, đồng thời nhìn nhận thẳng thắn rằng, việc kiểm soát các chất POP và thủy ngân tại Việt Nam hiện vẫn ở mức độ nhất định, chưa đồng bộ và còn thiếu dữ liệu nền. Thực trạng này đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng vật liệu công nghiệp ngày càng cao.
“Kết quả hội thảo hôm nay là cơ sở quan trọng để chúng tôi phối hợp cùng chuyên gia và các tổ chức quốc tế xây dựng kế hoạch chi tiết, từng bước triển khai các hợp phần dự án, trong đó đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu chất thay thế và cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xanh hóa sản xuất”, đại diện Cục Môi trường khẳng định.
Một vấn đề then chốt được nhấn mạnh là sự thiếu hụt nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân về nguy cơ từ các hóa chất độc hại, vì vậy, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, cần làm tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp về tác hại, sự nguy hiểm của các hóa chất độc hại.
“Cục Môi trường sẽ phối hợp với các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước để rà soát, hoàn thiện kế hoạch triển khai các hợp phần dự án; đồng thời nghiên cứu các chất thay thế phù hợp, đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường”, Cục trưởng nhấn mạnh.