| Hotline: 0983.970.780

Giảm nghèo từ những mùa xoài ở Pú Nhung

Thứ Sáu 25/07/2025 , 18:03 (GMT+7)

ĐIỆN BIÊN Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, xã Pú Nhung, tỉnh Điện Biên từng bước thoát nghèo, hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa gắn với tiêu thụ bền vững.

Một buổi sáng tháng 7, chúng tôi có mặt tại xã Pú Nhung, tỉnh Điện Biên khi những đồi cây ăn quả đang vào vụ thu hoạch. Giữa rừng núi Tây Bắc, những triền đồi xoài Đài Loan, dứa, mít, bưởi da xanh… nối tiếp nhau phủ xanh cả vùng đất từng chỉ quen với ngô, sắn bạc màu.

Phát huy lợi thế, chuyển đổi để thoát nghèo

Nằm ở độ cao trung bình gần 1.000m, khí hậu mát mẻ quanh năm, Pú Nhung có điều kiện lý tưởng để trồng cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày. Những năm gần đây, tận dụng lợi thế thổ nhưỡng và khí hậu, chính quyền xã đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, hướng dân người dân chuyển hàng trăm hecta đất trồng ngô, sắn bạc màu sang trồng xoài, mắc ca, dứa…

Theo Chủ tịch UBND xã Pú Nhung - Nguyễn Văn Bách, đây không chỉ là bước chuyển về sản xuất mà còn là chiến lược trọng tâm trong chương trình giảm nghèo bền vững. “Cây trồng mới giúp nâng cao thu nhập cho người dân, mở ra hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa, giảm phụ thuộc vào cây ngắn ngày kém hiệu quả”, ông Bách nói.

Người dân xã Pú Nhung thu hoạch xoài. Ảnh: Hoàng Châu.

Người dân xã Pú Nhung thu hoạch xoài. Ảnh: Hoàng Châu.

Hiện toàn xã có 547ha cà phê, hơn 1.100ha mắc ca và 224ha cây ăn quả trong đó có 107ha xoài, 82ha dứa, hàng chục ha bưởi, mít, nhãn. Những vùng trồng chuyên canh đang hình thành, tạo việc làm ổn định cho người dân.

Dẫn chúng tôi thăm vườn xoài đang vào vụ thu hoạch, chị Lường Thị Nga, xã Pú Nhung, kể: “Trước kia cả nhà trồng ngô, sắn quanh năm không đủ ăn. Được cán bộ xã hướng dẫn, hỗ trợ giống xoài, kỹ thuật chăm sóc, giờ gia đình tôi đã trồng  hơn 1ha xoài, mỗi năm thu hơn 60 triệu đồng”. Từ hộ nghèo, gia đình chị đã có của ăn, của để, con cái được học hành đầy đủ.

Không riêng gia đình chị Nga, mô hình trồng xoài đã lan rộng ra nhiều bản trong xã. Nhờ học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, người dân bắt đầu thay đổi cách nghĩ, cách làm. Từ sản xuất manh mún, tự phát, bà con đã biết canh tác theo nhóm hộ, theo vùng chuyên canh. Những quả xoài không chỉ thay đổi thu nhập mà còn thay đổi tư duy sản xuất. Người dân bắt đầu làm nông theo hướng hàng hóa, có liên kết, có kỹ thuật và có thị trường.

Liên kết tiêu thụ nông sản – hướng đi giảm nghèo bền vững

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới chỉ là bước đầu. Nỗi lo của người trồng xoài không phải là không có lý do. Bài toán lớn hơn là tiêu thụ sản phẩm. Vụ xoài năm 2025, người dân vui mừng vì xoài được mùa, nhưng rồi lại lo lắng vì giá thu mua quá thấp. Tại nhiều vườn, xoài chỉ được trả 1.000 – 1.500 đồng/kg – không đủ trả công thu hoạch.

Ông Cà Văn Chung, một trong những hộ đầu tiên trồng xoài tại bản Háng Á, xã Pú Nhung ngậm ngùi: “Cây sai quả mà không bán được, nhiều nhà để rụng. Có người thuê xe chở ra chợ bán lẻ nhưng cũng chỉ tiêu thụ được vài chục ký mỗi ngày”.

Cán bộ, người dân xã Pú Nhung tập kết vận chuyển xoài. Ảnh: Hoàng Châu.

Cán bộ, người dân xã Pú Nhung tập kết vận chuyển xoài. Ảnh: Hoàng Châu.

Không để người dân rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”, chính quyền xã đã chủ động vào cuộc. UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo đến tỉnh Sơn La tìm đối tác tiêu thụ. Kết quả, Công ty Cổ phần xuất khẩu Đồng Giao, đơn vị sở hữu Trung tâm chế biến rau quả Deveco Sơn La đã đồng ý thu mua xoài Pú Nhung với giá 5.000 đồng/kg và hỗ trợ chi phí vận chuyển.

Chủ tịch xã Nguyễn Văn Bách, cho biết: “Chúng tôi rà soát diện tích xoài toàn xã, cử cán bộ hướng dẫn người dân thu hái đúng kỹ thuật, lựa quả đạt chuẩn về mẫu mã, độ đường. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy xoài Pú Nhung đạt độ ngọt trên 8.0 vượt yêu cầu kỹ thuật nên được thu mua toàn bộ”.

Tính đến giữa tháng 7/2025, xã đã tiêu thụ được hơn 40 tấn xoài theo hình thức liên kết bao tiêu. Đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực ổn định đầu ra, giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất và gắn bó lâu dài với cây trồng mới.

Không chỉ với xoài, xã Pú Nhung cũng đang xây dựng quy hoạch vùng trồng mắc ca, dứa và cà phê theo hướng tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ nội địa. Mỗi vụ mùa là một bước tiến trong hành trình giảm nghèo bền vững, nơi không chỉ có sự vào cuộc của chính quyền mà còn có sự đồng hành của doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.

Vận chuyển xoài về bán tại Sơn La. Ảnh: Hoàng Châu.

Vận chuyển xoài về bán tại Sơn La. Ảnh: Hoàng Châu.

Sự chuyển mình của Pú Nhung không chỉ thể hiện qua diện tích cây trồng hay tấn xoài thu hoạch. Đó là sự đổi thay từ nhận thức của người dân khi họ không còn trông chờ vào trợ cấp mà chủ động vươn lên làm kinh tế.

Dù hành trình giảm nghèo ở Pú Nhung vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhất là khi thị trường tiêu thụ nông sản còn tiềm ẩn rủi ro, hệ thống bảo quản chế biến còn yếu. Tuy nhiên, từ những quả xoài ngọt đầu mùa, những hecta đất được phủ xanh bằng cây có giá trị kinh tế cao, có thể tin rằng xã vùng cao Pú Nhung đang đi đúng hướng. Sự chủ động của chính quyền, sự năng động của người dân và sự đồng hành của doanh nghiệp đang tạo nên một hệ sinh thái nông nghiệpbền vững.

Một tương lai xanh, bền vững cho người dân Pú Nhung đang dần hiện hữu từ những đổi thay bắt đầu nơi sườn đồi, từ những trái ngọt vun trồng bằng khát vọng vươn lên khỏi nghèo khó.

Xem thêm

Bình luận mới nhất