
Ông Trịnh Văn Long-Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Kim An bên giấy chứng nhận OCOP. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.
Ông Trịnh Văn Long-Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Kim An, huyện Thanh Oai hồ hởi khoe với tôi về tấm giấy chứng nhận OCOP 4 sao cho quả ổi quê mình mới được thành phố cấp.
Mươi năm trở lại đây ổi lê đã trở thành cây chủ lực ở Kim An với tổng diện tích hơn 60 ha trong đó có 40 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP: “Ổi lê cứ lứa nọ gối lứa kia nên mỗi năm tới 7-8 lứa, tính ra mỗi sào cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng, trong đó lãi 15-20 triệu đồng nên nhiều người dân quê tôi đã xây được biệt thự hay nhà tầng”.
Cũng là giống ổi lê ấy nhưng khi trồng ở Kim An lại cho chất lượng rất khác biệt bởi chất đất bãi bồi phù sa ven sông ở nơi đây có những dinh dưỡng cũng như vi lượng đặc trưng. Để đảm bảo cho an toàn thực phẩm, cán bộ khuyến nông xã cùng với cán bộ BVTV huyện phụ trách xã thường xuyên phối hợp với lãnh đạo HTX chỉ đạo sản xuất, dự tính, dự báo sâu, bệnh cũng như cách chăm sóc, phòng trừ. Nước tưới cho ổi được các cơ quan của thành phố thường xuyên kiểm tra chất lượng. Phân chuồng được ủ kỹ rồi mới bón. Nhờ thế mà các mẫu quả mang đi kiểm tra không lần nào dư lượng các chất độc hại vượt quá ngưỡng.
“Ổi mỗi năm trung bình chỉ xử lý 2-3 lần thuốc BVTV sinh học, khi quả to bằng quả cau đã bọc kín để phòng trừ rệp và ruồi vàng nên rất an toàn”, ông Long khẳng định. Ổi lê chỉ là 1 trong gần 100 sản phẩm OCOP rất đa dạng của Thanh oai.
Ông Khuất Hữu Tuấn-Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết nhiều chủ thể OCOP có doanh thu hằng năm lên đến hàng tỷ đồng, tiêu biểu như: "Mô hình phát triển kinh tế của Hợp tác xã Hoàng Long - xã Tân Ước hoạt động theo chuỗi thực phẩm khép kín, thương hiệu A - Z (từ sản xuất con giống-thức ăn chăn nuôi-chăn nuôi-giết mổ-sơ chế, chế biến-bảo quản-vận chuyển-phân phối). HTX hiện có 420 nái sinh sản, 3.600 con lợn thịt; sản lượng ước đạt 1.400 tấn/năm, chăn nuôi theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015, VietGAP, an toàn sinh học…

Bọc quả giúp tránh ruồi vàng cho ổi. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.
Cùng với đó, HTX có một xưởng chế biến thức ăn chăn nuôi (cám vi sinh) công xuất 12 tấn/ngày; một khu giết mổ, sơ chế, chế biến thịt lợn. Sản phẩm của hợp tác xã Hoàng Long cung cấp vào các siêu thị, các cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh và các bếp ăn tập thể trong toàn thành phố.
Đặc biệt, mô hình phát triển kinh tế của HTX Hoàng Long không chỉ sản xuất, cung ứng ra thị trường những sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng mà còn đem lại hiệu quả kinh tế với mức doanh thu trung bình khoảng 40 tỷ/năm, lợi nhuận trung bình khoảng 4 tỷ/năm, đem lại thu nhập ổn định cho người lao động nơi đây với mức bình quân 10 triệu đồng/tháng. Cá nhân ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc HTX đã vinh dự được công nhận là một trong 10 công dân Thủ đô ưu tú năm 2016.
Không giống với mô hình phát triển kinh tế của HTX Hoàng Long, mô hình gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống nón lá làng Chuông - xã Phương Trung lại mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam với những câu ca như: “…Ví bằng chiếc nón ai ơi. Giúp người lao động bao đời sao quên”.
Làng nghề nón lá Chuông đã có từ lâu đời và ngày càng phát triển với 11 sản phẩm và trên 60 % dân trong xã làm nghề. Trong đó tiêu biểu phải kể đến hai nghệ nhân đó là chị Tạ Thu Hương và cơ sở sản xuất của anh Lê Văn Tuy có sản phẩm nón OCOP đạt 4 sao. Khác biệt với các làng nghề khác, làng nghề nón lá làng Chuông bao gồm tất cả các thôn trong toàn xã Phương Trung và đã được tỉnh Hà Tây cũ công nhận làng nghề truyền thống năm 2001.
Phát triển làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm tại làng nghề đang đem lại nguồn thu kinh tế cho các hộ dân nơi đây. Mỗi năm, làng Chuông thu hút hàng trăm đoàn khách đến thăm quan, trải nghiệm làng nghề làm nón, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài. Không chỉ thế, loại hình du lịch trải nghiệm tại làng nghề có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa khi sản phẩm làng nghề trên địa bàn huyện nói chung, hình ảnh chiếc nón lá làng Chuông nói riêng được quảng bá sâu rộng nhờ bạn bè trong nước và quốc tế sau khi khám phá, trải nghiệm.
Hiệu quả kinh tế đem lại từ mô hình phát triển kinh tế làng nghề nón làng Chuông cũng thật đáng ngưỡng mộ. Theo báo cáo của UBND xã Phương Trung, năm 2023, doanh thu từ nghề sản xuất nón mang lại ước khoảng 87 tỷ đồng. Riêng doanh thu của hai hộ nghệ nhân tiêu biểu của xã là Tạ Thu Hương và Lê Văn Tuy, mỗi hộ khoảng gần 2 tỷ đồng/năm. Đối với các lao động sản xuất thường xuyên của làng nghề, thu nhập mỗi tháng bình quân 4-6 triệu đồng".
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội