* Gần đây tôi thấy ở Hà Nội xuất hiện nhiều ngôi nhà mái xây dùng loại mái nhà theo kiểu Trụ sở Tổng Liên đoàn lao động VN, Bắc Bộ phủ, Tòa án tối cao… Kiểu đó gọi là kiểu gì và có nên phát triển loại mái nhà này hay không?
Bùi Quế Anh, Đông Anh, Hà Nội
Đó là kiểu mái nhà có tên gọi là mái Mansard (tên của tác giả là kiến trúc sư Francois Mansard) một kiểu mái nhà ra đời ở Pháp từ thế kỷ 17. Đó là một khối mái nhà hình thang bằng đá phiến đen úp lên ngôi nhà. Loại mái này tạo ra tầng nhà trên cùng có tác dụng chống nóng, chống lạnh cho ngôi nhà. Tầng này chỉ dùng làm kho chứ không dùng để ở.
Khoảng 10 năm nay bắt đầu có xu thế làm mái nhà kiểu này mặc dầu ở ngay nước Pháp người ta cũng không sử dụng nữa. Vì phiến đá đen khó kiếm và đắt nên người ta thay thế bằng các tấm tôn màu sẫm hay các tấm bằng bê tông sơn màu sẫm. Có khi chỉ là các mái giả bao quanh một cái sân trời là mái bằng. Có nơi còn sáng tạo ra các mái Mansard hai, ba tầng.
Các kiến trúc sư đa số không tán thành xu thế này. Nó có vẻ như một loại hàng nhái kiến trúc cổ phương Tây, làm mất đi bản sắc kiến trúc dân tộc, chẳng khác gì xây nhà mái cong giữa thủ đô Paris (!). Có người cho đây là một kiểu lách luật khi xây nhà 5-6 tầng để cho cao thêm một tầng nữa. Không nên lấy cái già cỗi của nước khác làm cái mới của ta.
KTS Trần Quốc Bảo đánh giá: “Có thể nói Hà Nội là thành phố duy nhất trên thế giới mà đến tận những năm đầu thế kỷ 21 bộ mái Mansard vẫn còn được sử dụng một cách đại trà, từ công sở đến tư sở, từ chung cư cao tầng đến biệt thự thấp tầng”. Ông cho nguyên nhân của chuyện này là sự thiếu năng lực, lười nghiên cứu và thiếu cương quyết của các kiến trúc sư-tác giả. Nhưng lý do quan trọng nhất chính là sự thiếu hiểu biết của các cơ quan quản lý và cấp phép xây dựng. C
ũng có ý kiến bảo vệ việc sử dụng mái Mansard nhưng phải với điều kiện chỉ dùng cho các công trình cao tối đa 5-7 tầng và phù hợp với khung cảnh quần thể kiến trúc của khu vực. Mong rằng ý kiến trên đây của đa số các kiến trúc sư được Bộ Xây dựng quan tâm và có chính sách kịp thời đển ngăn cản trào lưu không hợp lý này.
* Tỷ lệ ly hôn thấp nhất và cao nhất thuộc về các nước nào?
Nguyễn Thị Kim Oanh, Bình Minh, Vĩnh Long
Các nước có tỷ lệ ly hôn thấp nhất (tính trên 1.000 dân) là Guatemala-0,12; sau đó là các nước: Libya-0,25; Mông Cổ- 0,34; Armênia- 0,35; Georgia-0,35; Chilê- 0,42; Jamaica- 0,44; Ý- 0,47; Thổ Nhĩ Kỳ- 0,49; Macedonia- 0,52. Còn tỷ lệ ly hôn cao nhất là Belarus- 4,71; Hoa Kỳ- 4,19; Nga- 3,66; Estonia- 3,09; Ukraine- 3,59; Aruba- 3,40; Cuba- 3,39; Lithuania- 3,08; Thụy Sĩ- 2,91; Phần Lan- 2,72.
Năm 1998 tại Hoa Kỳ có 2,2 triệu đôi kết hôn và có đến 1,1 triệu đôi ly hôn. Tại Hoa Kỳ số đôi sống được với nhau từ 30 năm trở lên chỉ chiếm có…9% (!), trong khi số lấy nhau chỉ được dưới 5 năm lên đến 13,4% (!)
* Cháu muốn biết trọng lượng của các cơ quan trong cơ thể con người?
Cầm Chí Trung, Mai Sơn, Sơn La
Lớn nhất là da, trọng lượng trung bình khoảng 10 886g (gần 10,9kg). Sau đó là gan- 1 560g, óc- 1 408g (nam) và 1 263g (nữ), phổi- 1 090g, tim- 315g (nam) và 265g (nữ), thận- 290g, lách- 170g, tụy- 98g, tuyến giáp trạng- 35g, tuyến tiền liệt- 20g.