| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo lễ hội đua bò của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi

Thứ Sáu 11/11/2022 , 14:47 (GMT+7)

Theo thông lệ hàng năm, vào dịp lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer (An Giang) diễn ra lễ hội đua bò truyền thống với bầu khí sôi động, rộn ràng.

Empty

Năm nay lễ hội đua bò truyền thống của người Khmer được tổ chức tại Khu du lịch Tà Pạ-Soài Chek, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm nay lễ hội đua bò truyền thống của người Khmer được tổ chức tại Khu du lịch Tà Pạ-Soài Chek, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn (An Giang), tham gia lễ hội năm nay có 25 cặp bò đến từ các xã, thị trấn có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn huyện Tri Tôn.

Ông Trần Minh Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cho biết, sau 2 năm bị gián đoạn vì đại dịch Covid-19, năm nay lễ hội đua bò truyền thống của đồng bào Khmer huyện Tri Tôn tiếp tục được tổ chức đúng vào dịp đồng bào Khmer Nam Bộ cũng như bà con Khmer tỉnh An Giang đang nô nức đón mừng lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) truyền thống, đây là một trong ba lễ hội lớn trong năm của đồng bào dân tộc Khmer ở Nam bộ nên thu thu hút hàng ngàn người đến xem và cổ vũ cho các cặp bò đua.

Bước vào tranh tài, 2 đôi bò sẽ thi đấu theo thể thức đấu một vòng hô (chạy chậm để biểu diễn kỹ thuật điều khiển bò) và một vòng thả (chạy với tốc độ cao nhất để về đích) chọn đôi bò thắng cuộc vào vòng thi đấu tiếp theo. Trên đường đua, nếu đôi bò nào phạm quy như tự ý ra khỏi đường đua, giẫm lên bừa của đôi bò trước thì sẽ bị loại, cặp bò còn lại sẽ giành chiến thắng tiếp tục vào thi đấu vòng trong. Cặp bò giành chức vô địch phải tham gia tất cả các vòng thi đấu và loại từng “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp.

Empty

Tham gia lễ hội đua bò năm nay có 25 cặp bò đến từ các xã, thị trấn có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn huyện Tri Tôn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Kết quả, cặp bò mang số đeo 23 của ông Nguyễn Thành Toàn, ở xã Lương Phi đã xuất sắc giành giải nhất, cặp bò mang số đeo 02 của ông Chau Kim Cheng, ở xã Núi Tô giành giải nhì, cặp bò mang số đeo 16 của ông Chau Nanh Ni, ở xã Núi Tô giành giải ba và giải tư thuộc về cặp bò mang số đeo 08 của ông Chau.

Ngoài ra Ban tổ chức cũng trao giải điều khiển bò giỏi nhất cho Nguyễn Thành Toàn, ở xã Lương Phi và 4 giải khuyến khích. Trong quá trình diễn ra lễ hội, từ khâu tổ chức, điều hành, trao thưởng… đều do cộng đồng người Khmer quyết định, thông qua đại diện của mình. Đây cũng là hoạt động nhằm tạo khí thế vui tươi và duy trì môn thể thao cổ truyền mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.

Empty

Nay nay cặp bò mang số đeo 23 của ông Nguyễn Thành Toàn, ở xã Lương Phi đã xuất sắc giành giải nhất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo quan niệm của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi An Giang, đua bò có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đôi bò giành được giải cao trong năm được chủ nhân chăm sóc kỹ, để sang năm tham gia đua tiếp, bởi đôi bò giành chiến thắng không những mang lại cho chủ nhân của mình niềm kiêu hãnh mà con mang đến cho cả phum, sóc một niềm vui, một nghị lực để giành nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực khác. Như bò của làng phum, sóc khỏe mạnh có sức dẻo dai, cày bừa tốt, giúp cho người dân thực hiện gieo trồng được dễ dàng, đem lại một mùa bội thu, dân làng no ấm.

Empty

Ngày hội đua bò, còn là một sân chơi thể thao, giải trí ý nghĩa cho người nông dân Khmer các phum, sóc sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Không biết Hội đua bò có từ bao giờ, nhưng theo các vị cao niên vùng Bảy Núi kể lại, thuở xưa, hàng năm vào mùa cấy nhiều nông dân Khmer từ các phum, sóc dẫn bò đến cày bừa cho thửa ruộng của các chùa Khmer gọi là “bừa công quả”. Cày, bừa xong họ tự thúc bò “bừa đua” xem đôi bò nào nhanh khỏe, các sư, sãi thấy vậy đứng ra tổ chức (kiểu trọng tài), treo thưởng đôi bò nào cày giỏi, chạy nhanh sẽ hưởng phần thắng là dây “Cà tha” (lục lạc đeo cổ bò). Năm sau tiếp tục cày phần đất của chùa và từ đó đua bò Bảy Núi trở thành lễ hội Đua bò truyền thống hàng năm của người dân tộc Khmer tỉnh An Giang, thu hút hàng chục nghìn du khách và người dân trong cả nước đến xem và thưởng thức cảnh đẹp của vùng đất Thất Sơn huyền bí.

Lễ hội đua bò Bảy Núi là một dạng thức lễ hội nông nghiệp độc đáo có một không hai của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung. Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đậm chất nhân văn của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi, ngày hội còn là một sân chơi thể thao, giải trí ý nghĩa cho người nông dân Khmer các phum, sóc sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng. Năm 2016, lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Xem thêm
Sân Quy Nhơn mở cửa tự do 3 vòng đấu giải vô địch quốc gia

Công ty CP Thể thao MerryLand Quy Nhơn Bình Định mở cửa tự do sân Quy Nhơn 3 vòng đấu cuối giải vô địch quốc gia LPBank V.League 2024-2025 diễn ra tại Bình Định…

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

36 hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Văn hóa - Du lịch biển

KHÁNH HÒA Lễ hội Văn hóa - Du lịch biển năm 2025 được tổ chức tại TP Nha Trang từ ngày 7/6 - 9/7 với 36 sự kiện văn hóa, thể thao và nghệ thuật đặc sắc.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.