Các diễn viên đoàn hát bội Phước An đang biểu diễn
Đã có một thời, hát tuồng (người Bình Định gọi là hát bội) là một phong trào lớn của tỉnh Bình Định, là một nét sinh hoạt văn hoá lành mạnh không thể thiếu của nông dân miền đất võ này. Hầu như xã nào cũng có đoàn hát bội, thậm chí mỗi thôn cũng có riêng một gánh hát. Còn bây giờ, những đoàn tuồng nông dân ấy hầu như đã biến mất.
Một thời hoàng kim
Năm 1981, Hợp tác xã Nông nghiệp I Phước An (huyện Tuy Phước) thành lập đoàn tuồng mang tên Đồng Ấu (sau này là đoàn hát bội Phước An). Diễn viên của đoàn là những nông dân thực thụ, có cả trẻ em. Ban ngày cày cuốc ruộng đồng, tối về sau bữa cơm, họ lại tìm niềm vui trên sân khấu. Nói là “sân khấu” cho…oai vậy thôi chứ thực ra, sàn tập là những bãi đất trống trong làng, còn “rạp hát” là những bụi tre dưới ánh trăng. Sau những luỹ tre làng ấy là một niềm đam mê mãnh liệt của những “nghệ sỹ nông dân”, của bà con các thôn xa, làng gần.
Chính từ những phong trào này mà có không ít người thành danh trên sân khấu nghệ thuật tuồng không chuyên như: Ngọc Hậu, Hoàng Minh, Linh Nghiệp, Mười Hoàng, Hùng Cường... Cũng chính từ những “rạp hát tre làng” này đã sinh ra nữ diễn viên Kim Chung - người đã để lại ấn tượng sâu sắc cho đông đảo những người đam mê nghệ thuật tuồng ở Bình Định, nổi tiếng với những vai kép võ, lão võ, kép rằn,…không kém những nghệ sỹ chuyên nghiệp như Ngọc Cầm ngày xưa (con của Chánh ca Dựng nổi tiếng từ những năm giữa thế kỷ XX).
Lớn lên từ những “sàn diễn ông dân”, Kim Chung đã từng đoạt Huy chương Bạc trong “Liên hoan đàn hát dân ca khu vực miền Trung năm 1994” với vai diễn Trịnh Ân trong vở “Đào Tam Xuân loạn trào”. Sau này đoàn tuồng Đồng Ấu trở thành đoàn hát bội Phước An, cũng với đội ngũ diễn viên nông dân này, đoàn đã có nhiều giải thưởng cao quý trong các đợt Liên hoan nghệ thuật quần chúng. Đoàn thường xuyên được mời đi diễn ở các địa phương trong tỉnh, thậm chí đến cả Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…
Thực ra, phong trào hát bội ở Bình Định đã có từ những thập niên giữa thế kỷ XX, khởi nguồn là làng Dương An xưa (này là thôn An Hoà 2, xã Phước An). Những người có công đầu, có thể kể đến như Chánh ca Dựng và “ông bầu” Nhơn Sung. Đây chính là thời hưng thịnh nhất của nghiệp hát bội Bình Định. Cũng thời gian này đã ra đời những gánh hát nổi tiếng của bầu Sa, bầu Đổng, bầu Thơm… Những tích cổ được sưu tầm, dựng thành những vở diễn có sức cuốn hút kỳ lạ với mỗi người nông dân đất võ Bình Định.
Một đi không trở lại
Sau một thời gian không lâu được xem là “hoàng kim” thì đến năm 1989, đoàn tuồng Đồng Ấu (xã Phước An) buộc phải giải tán vì nhiều nguyên nhân, mà hai nguyên nhân lớn nhất là không có kinh phí hoạt động và… không có người xem tuồng nữa. Tuy nhiên, niềm đam mê nghệ thuật tuồng thì đã ăn sâu vào máu của mỗi “diễn viên nông dân” này nên mặc dù, tên đoàn không còn nữa nhưng đội ngũ diễn viên này vẫn rất nhiệt huyết, yêu nghề, vì vậy họ xin “đầu quân” vào những đoàn tuồng khác. Năm 1998, nhờ sự giúp đỡ của Sở VH-TT Bình Định và Nhà hát tuồng Đào Tấn, những diễn viên của đoàn tuồng Đồng Ấu năm xưa đã tập hợp nhau lại, lập nên đoàn hát bội Phước An, chấm dứt cảnh lang thang đoàn bạn.
Đoàn hát bội Phước An bây giờ, lực lượng diễn viên hầu hết vẫn là những nông dân chân lấm tay bùn. Ban ngày đầu tắt mặt tối với mảnh vườn thửa ruộng, với con heo con gà, tối đến anh em lại tập hợp nhau lại để tập, để diễn, để bàn cách tháo gỡ những khó khăn của đoàn. Dẫu được sự giúp đỡ của ngành chức năng và của địa phương, song đoàn hát bội Phước An vẫn gặp không ít khó khăn. Khó khăn trước tiên là khó tìm ra đội ngũ diễn viên kế thừa vì người có kinh nghiệm thì đã lớn tuổi, còn lớp trẻ thì lại thờ ơ với nghệ thuật tuồng truyền thống. Hiện tại, đoàn chỉ có trên dưới 10 người trong độ tuổi không quá bốn mươi.
Cụ ông Mười Hướng năm nay đã gần tám mươi tuổi ở xã Phước An, tuy không phải là diễn viên nhưng cụ là người đam mê tuồng đến quên ăn quên ngủ, cho biết: “Ngày trước, đêm nào không đi xem hát bộ (hát bội) là thấy bứt rứt khó chịu trong người. Bây giờ bọn trẻ chỉ mê phim ảnh đánh đấm hoặc yêu đương, có đứa nào biết xem hát bộ nữa đâu!”. Không thèm xem hát bội, đồng nghĩa với việc không đam mê nghệ thuật tuồng thì việc không tìm ra lực lượng diễn viên kế thừa là điều dễ hiểu.
Bên cạnh khó khăn về diễn viên thì đoàn cũng đang phải đối mặt với khó khăn về kinh tế. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng đoàn, đồng thời cũng là một diễn viên của đoàn cho biết: “Đoàn còn tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ vào việc đi hát phục vụ cho Lễ hội cầu ngư ở các địa phương miền biển. Khó khăn trăm bề nhưng vì là nghiệp cha truyền, là niềm đam mê, và cũng là muốn giữ gìn loại hình nghệ thuật đặc sắc này nên chúng tôi phải cố gắng. Nói thật, nguồn sống chính của anh em trong đoàn trông vào mấy thửa ruộng, con gà thì không biết đoàn còn trụ lại được bao lâu nữa!”.
Còn diễn viên Kim Chung thì tâm sự: “Hơn hai mươi năm gắn bó với nghiệp hát bội, chưa khi nào thấy cảnh bi đát của đoàn tuồng, nghề hát tuồng như ngày nay. Nhớ ngày trước, anh chị em trong đoàn chúng tôi vừa chơi nhạc, vừa hát cho đến tận khuya, trời lạnh cắt da cắt thịt mà mồ hôi cứ vã ra như tắm. Kết thúc buổi diễn mà bà con vỗ tay không ngớt, đề nghị diễn tiếp. Chúng tôi hạnh phúc lắm. Còn bây giờ, có diễn cũng chả mấy ai xem, có chăng là các cụ già thôi. Đôi khi cũng muốn truyền nghề cho em, cho cháu nhưng có đứa nào mặn mà đâu…”.
Với thực trạng như trên thì không biết, nghệ thuật tuồng Bình Định, nhất là phong trào xem và hát tuồng trong nông dân còn tồn tại được bao lâu nữa.