| Hotline: 0983.970.780

Diễn biến mưa lũ khu vực Bắc Trung bộ: Ngập, sập, vỡ đê và ách tắc giao thông

Thứ Bảy 06/10/2007 , 09:44 (GMT+7)

Các tỉnh Bắc miền Trung, đặc biệt là 2 tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An đang hứng chịu mưa lũ với sức tàn phá khủng khiếp. Đập vỡ, đê sạt, nhiều tuyến giao thông tắc nghẽn, số người chết và mất tăng dần...

Bàng hoàng trong đêm vỡ đê 

6h ngày 6/10, tại điểm đê vỡ của sông Bưởi (Kim Tân, Thanh Hóa). Nước đã không còn chảy siết vì đã bão hòa, xa xa lố nhố người dân tránh lũ trên đê.

Người dân cho biết lũ lên và đê vỡ quá nhanh nên không kịp phản ứng, chỉ biết chạy lên bất kỳ chỗ nào cao. Một số người dân lên đê tránh lũ nhưng lại tiếp tục chạy vì đoạn đê vỡ lan rộng.

Hiện, tại địa điểm để vỡ ở Kim Tân, hàng ngàn người dân đang chạy lên núi trú ẩn. Nước ở phí hạ lưu đang dân lên từng phuút do lũ thượng nguồn dồn về. Ước tính, khu vực chợ Kim Tân ngập sâu trong nước gần tương đương với mực nước ngoài đê, gần lút mái các ngôi nhà 3 tầng ở khu vực này.
 
Nước sạch không có, thực phẩm không, quần áo ướt, sức dân đang dần cạn kiệt sau từng giờ do thời gian dài phải dìm mình trong nước. Nhu yếu phẩm đang là nhu cầu thiết yếu đầu tiên đối với những cư dân đang ở trong vùng tâm lũ Thanh Hoá.

Tin lúc 7h30' sáng nay (6/10) của phóng viên qua điện thoại: Quốc lộ 1A đang bị ngập sâu trong nước. Tại Hà Trung (Thanh Hoá), đoạn qua xã Yên Hà ngập sâu 40cm, dài hơn 100m, đoạn qua xã Hà Ninh ngập sâu và kéo dài hơn nữa.
 
Hiện, lực lượng quân đội, công an của tỉnh Thanh Hoá đang tiếp tục tăng cường đến các vùng ngập lụt nặng, vỡ đê của tỉnh để tiếp tục công tác ứng cứu.

2h30 sáng 6/10, tại Thanh Hoá: Từ thị trấn Kim Tân (Thạch Thành - Thanh Hoá) điện về cho hay: Người dân nơi đây khẳng định đê vừa vỡ. Để ứng phó với lũ và giúp nhân dân di dời đến nơi an toàn, từ 5h chiều, sư đoàn 380 lữ 168 thuộc Quân đoàn I được điều lên.

Tại thị trấn Kim Tân, nước đã ngập, điện mất hoàn toàn. Sau khi đê vỡ, cứ 2 phút thì nước lũ lên được 10cm. Nhiều người dân cho hay, từ 8h tối nước bắt đầu lên. Nước bắt đầu lên nhanh  và bất thường lúc 1h30 đến bây giờ.

2h15 sáng ngày 6/10, tại Nghệ An:

Các tuyến đường lên các vùng rốn lũ như Quế Phong, Quỳ Hợp (Nghệ An) và Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Yên Định... (Thanh Hoá) gần như bị cô lập hoàn toàn. 

n
Dân di dời khẩn cấp lên điểm cao nhất tại Thạch Thành (Thanh Hoá) lúc 2h đêm.
4h sáng ngày 6/10:

Mặc dù vậy, PV VietnamNet tại các điểm nóng lũ vẫn đang tìm mọi cách, mọi phương tiện để tiếp cận với các trung tâm xã bị ngập lụt, chia tách.

Thị trấn Thái Hoà, huyện Nghĩa Đàn chìm trong bóng đêm vì mất điện toàn bộ. Lúc này mưa vẫn rất to, nước chảy xối xả. PV đã tìm mọi cách, bằng nhiều phương tiện khác nhau để vào vùng lũ Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quế Phong.

Tuy nhiên, đường giao thông bị chia cắt, ách tắc. Rất khó để vào các huyện vùng sâu. Trước đó, lúc 20h, không có một phương tiện nào dám đi trong đêm mữa lũ. Lúc này huyện Nghĩa Đàn đã có 2 người chết và 18/32 xã bị ngập, 947 nhà bị ngập, trong đó có 457 nhà bị ngập hoàn toàn. Huyện Quế Phong đang bị ngập rất nặng và 14 người dân ở xã Nậm Giải đã bị nước cuốn trôi. Hiện nay nước ở Quế Phong, Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn đang lên rất cao.

Đến 16h chiều /10, thông tin từ huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) báo về cho biết, ở huyện này đã phát hiện 2 người thiệt mạng do nước lũ cuốn. Đó là 2 anh em ruột tại xã Nghĩa Quang (huyện Nghĩa Đàn), người anh tên Đào Đức Long (17 tuổi) và em trai.

2h sáng 6/10, tại Thanh Hoá: Một lãnh đạo Ban PCBL tỉnh cho biết, hầu hết các huyện nằm trong vùng lũ đã mất điện. Tất cả tối om ảnh hưởng đến công tác chống lũ, cứu dân, cứu tài sản. Tại huyện Thạch Thành, nước lũ đã lan rộng ra xung quanh khu vực nước tràn qua đê tả sông Bưởi. Nước lũ càng ngày càng cao hơn và khó lường. Chúng tôi xác định phải chấp nhận như vậy, để đảm bảo tốt phương án di dân. Nguy cấp nhất hiện nay là hệ thống đê sông Lèn và sông Mã, nước lên rất cao. Ban chỉ huy PCBL tỉnh Thanh Hoá đang họp bàn các phương án khẩn cấp đối phó với tình hình nước lũ và nguy cơ vỡ các tuyến đê sông Lèn và sông Mã. 

1h sáng, ngày 6/10, tại Thanh Hoá: Thông tin từ GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến đang chỉ huy chống lũ tại huyện Thiệu Hoá cho biết: Mực nước tại các sông lớn ở Thanh Hoá đang ngày càng lên cao.

0h15, ngày 6/10: Đê sông Bưởi tại huyện Thạch Thành bị vỡ và tràn trên nhiều tuyến. Nước đã ngập hơn 1m tại thị trấn Kim Tân (Thạch Thành) và vùng phụ cận với diện tích khoảng 2.000 ha. Từ chiều và tối, nhân dân các vùng có nguy cơ ngập đã được di rời khẩn cấp lên cao.

Nhiều tuyến đê sông Mã (thuộc các huyện Hoằng Hoá, Cẩm Thuỷ, Yên Định, Vĩnh Lộc... và đê sông Bưởi (thuộc huyện Thạch Thành) nước đã tràn qua, nguy cơ vỡ đê cao.

23h đêm 5/10: Thông tin từ Nghệ An: đã có 14 người dân bị lũ cuốn trôi tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong và đang mất tích. Số người chết và mất tích do lũ quét sau bão số 5 ít nhất là 34 người.

Theo báo cáo của huyện Quỳ Châu: Mực nước đo được trên sông Hiếu cao nhất là 81,1m. Đỉnh lũ năm 1988 là 80,5 m. Toàn huyện bị chia cắt nhiều đọan đường, sạt lở đoạn cầu treo Châu Hội ( Km 83+200). Xe lội nước của Quân Khu 4 sau 1 ngày điều xe đã lên được Quỳ Châu nhưng đến Lèn chẹt xã Châu Hội thì bị thủng lốp không đi được. Hiện nay nước rút, xe ô tô đã thông được lên huyện Quỳ Châu.

22h30 tối 5/10: Trưởng phòng NN huyện Thạch Thành cho biết, liên tục từ 21h đến 24h , huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) đã dùng còi báo động di dời khẩn cấp 4 xã trọng yếu, nước sông Bưởi đã vượt mức báo động III là 1,86m, đê tả sông Bưởi có nguy cơ vỡ cao. Lệnh báo động đã được phát ra. Do nền địa chất yếu, đê tả sông Bưởi rất khó trụ được với nước lũ dâng cao.

22h, ngày 5/10: Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hoá cho hay, do mưa lớn kéo dài, nước sông Mã lên cao, đến 22h ngày 5/10, đoạn đê bao thuộc địa phận xã Thiệu Quang (huyện Thiệu Hoá) bị vỡ. 

Nhờ làm tốt công tác di dời dân trước khi đê vỡ, Thanh Hoá đã hạn chế tối đa thiệt hại về người. Đồng chí Nguyễn Khắc Tòng, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hoá cho biết: Lực lượng gồm 480 chiến sĩ vẫn đóng chốt ở huyện Thiệu Hoá, sẵn sàng ứng cứu và hộ đê.

Nghệ An: Các huyện miền Tây bị cô lập

Về thiệt hại, Quỳ Châu đã có 5 người bị thương do sập cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở khối 4 thị trấn Quỳ Châu. Sập 3 căn nhà, trôi 10 nhà dân ở Châu Tiến và Châu Thắng. Ngày 5/10 học sinh các trường vẫn phải nghỉ học. Lúa nước chưa thu hoạch khoảng 923 ha. Chủ yếu ở các xã Châu Tiến, Châu Bính, Châu Hạnh, Thị trấn, Châu Hội.

Cơn lũ làm ngập 697 hộ dân. 1000% ao cá của nhân dân bị ngập nước và trôi. Nguy hiểm nhất là khoảng 21 h tối 4/10 nước rút khoảng 5 cm, người dân đã trở về lau dọn nhà cửa, nhưng đến 23 giờ nước lại tiếp tục lên nhanh, người dân trở tay không kịp. Cho đến 4 giờ sáng 5/10 nước lên đến đỉnh và hiện nay đang rút dần.

Trong lũ lụt ban chỉ huy PCBL huyện đã bố trí lực lượng cơ động, công an, huyện đội giúp nhân dân khắc phục và ứng cứu kịp thời. Tuy nhiên, việc thực hiện 4 tại chỗ vô cùng khó khăn khi nước chia cắt các vùng. Phương tiện đi lại không có, liên lạc bị cắt. Nếu có ca nô hoặc xuống cũng khó có thể đi lại khi nước chảy xiết và có nhiều cây cối sẽ làm gãy chân vịt, rất nguy hiểm. Hiện nay nước đang xuống dần, bà con nhân dân đang khắc phục hậu quả sau lũ, cái khó khăn hiện nay là nước sinh hoạt bị ô nhiễm, vùng thị trấn mất điện, mất nước sạch, rất khó khăn cho bà con nhân dân.

Từ chiều 4/10 đến hôm nay, mưa lớn trên diện rộng ở Nghệ An đã làm nước sông Cả và sông Hiếu dâng lên cao. Hiện đã có 7 người thiệt mạng.

Trong số 5 người chết, có 2 người ở huyện Nghĩa Đàn, là Trần Văn Sơn (45 tuổi, ở xã Nghĩa Khánh) và Đậu Công Dương (42 tuổi, ở xã Nghĩa Hội).

Mưa lớn, lũ lên nhất nhanh ở Nghệ An từ chiều ngày 4/10. Ảnh: Nguyễn Lý.

Hiện Nghệ An đang mưa rất to. Nước trên sông Cả đã ở mức báo động 2, lũ trên sông Hiếu đã ở mức báo động 3.

Các huyện miền núi ở Nghệ An đang chìm trong lũ. Ảnh chụp lúc 10h sáng 5/10 tại địa phận xã Nghĩa Hiếu (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Lý.

Từ xã Nghĩa Thuận (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), phóng viên VietNamNet qua điện thoại báo về: Hiện trời đang mưa dữ dội và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Mưa liên tục từ chiều hôm qua (4/10) tới 16h30’ chiều nay vẫn đang tiếp tục trút nước, khiến mực nước sông Hiếu hiện đang dâng cao từng giờ.

Do mưa lớn ở thượng nguồn khiến nước tiếp tục đổ về, khiến tình trạng báo động lũ đang rất gấp rút. Hiện các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong hiện đang bị cô lập. Quốc lộ 48 bị ngập lụt, cầu cồng bị xé sát khiến giao thông hoàn toàn tắc nghẽn.

Do quốc lộ 48 bị chia cắt nên tới thời điểm 16h30’ hôm nay không thể tiếp cận bằng đường bộ đến các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quế Phong.

 Riêng tại Quế Phong hôm nay đã xảy ra lũ lớn khiến 2 người thiệt mạng, 2 người mất tích, thiệt hại về tài sản, rau màu là rất lớn. 

2 người thiệt mạng gồm 1 phụ nữ hơn 30 tuổi, 1 bé trai khoảng 14 - 15 tuổi, bị chết đuối. Hai người đang được xác định mất tích là 2 anh em ruột (35 tuổi), Moong Văn Thu (30 tuổi). ở bản Na Nhắng (xã Tiền Phong), khi đang bơi qua sông để về nhà.

Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Quỳ Hợp chiều nay cho thấy thiệt hại đang tăng lên rất nhanh: Cầu trôi, lúa mất trắng 10h, ngô 45 ha, hoa màu các loại 30 ha. Tại huyện này mưa gió vẫn đang rất lớn, chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Nước sông, suối đang dâng cao ở Quế Phong, có nơi chảy xiết, tạo thành lũ lớn, làm ngập úng khoảng 1.600 ha lúa và hoa màu của nhân dân. Mưa lớn, các cầu cống trên tuyến đường quốc lộ 48 đoạn Quế Phong - Quỳ Châu đều ngập nước, gây ách tắc giao thông.

Có 8 xe ô tô khách của tuyến Quế Phong - Vinh, Quế Phong - Hà Nội phải nghỉ lại. Đường đi các xã vùng cao, vùng sâu bị ách tắc. Hệ thống điện lưới toàn huyện bị mất, 50 trường phải nghỉ học.

Do ách tắc giao thông, nên ban chỉ đạo PCBL của huyện chỉ có thể đi kiểm tra một số điểm của 4 xã vùng thấp: Châu Kim, Tiền Phong, Mường Nọc và thị trấn Kim Sơn. Tại Châu Kim, 1 xưởng mộc bị trôi, nhiều cột điện thoại bị đổ, dây điện thoại bị đứt. Máy móc, vật tư, thiết bị làm việc của một đơn vị đang thi công cầu tràn Châu Kim bị ngập chìm trong nước.

Tại bản Na Ngá (xã Mường Nọc) có 7 nhà bị ngập nước. Khoảng từ 23h đêm 4/10 đến 4h sáng 5/10, Ban phòng chống bão lụt của xã đã huy động lực lượng thanh niên và dân quân tại chỗ ứng cứu đưa người và tài sản của các hộ gia đình nói trên vào chỗ cao an toàn.

Theo người dân địa phương, thì đây là trận lũ lớn nhất trong 20 năm nay. Mực nước dâng cao, đột ngột tới 2-3 lần trong ngày 4/10, nên người dân không kịp đối phó, thiệt hại nặng nề về tài sản hoa màu.

Số liệu thống kê bước đầu của huyện Quế Phong cho thấy khoảng 15 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng nhiều cầu cống. Khoảng 100 nhà bị hư hại hoặc bị nước cuốn trôi. Trong đó có 40 nhà bị ngập chìm trong nước.

Mực nước sông Lam dưới gầm cầu Bến Thuỷ lúc 17h30’ chiều nay (5/10). Ảnh: Hoàng Sang.

Khu vực các huyện miền núi ở Tây Nghệ An đang trong tình trạng báo động khẩn cấp vì lũ.
Trong khi đó, mực nước sông Lam cũng đang dâng lên rất nhanh. Tại chân cầu Bến Thuỷ lúc 17h30’ chiều nay (5/10), mực nước sông Lam chỉ còn cách gầm cầu chừng... 2,5m.

Hà Tĩnh: 2 huyện Hương Sơn, Hương Khê đang bị ngập lụt nặng do nước lũ tràn về từ sáng 5/10. 16 xã nằm ven sông Ngàn Phố, thuộc địa bàn huyện Hương Sơn hiện đang chìm sâu trong nước lũ.

Trong đó, 3 xã Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thuỷ đã hoàn toàn bị cô lập. Hiện, 1.300 ha ngô đã mất trắng.

Hàng ngàn ngôi nhà ở Hà Tĩnh đang chìm sâu trong nước lũ. Ảnh chụp chiều 5/10. Ảnh: Quang Cường.

Tại huyện Hương Khê, 9 xã đang ngập nặng, bao gồm: Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hương Giang, Hương Thuỷ, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hoà Hải.

 Thanh Hoá: Nước tràn qua đập Cửa Đạt, đê tả sông Bưởi nguy cơ vỡ
 
Bão số 5 không trực tiếp đổ bộ vào Thanh Hoá nhưng trong 2 ngày qua đã có mưa rất to. Mực nước trên các triền sông đều dâng cao. Trên sông Mã, tại Giàng mực nước lúc 15h ngày 5/10 là 6,97m trên báo động III là 0,69m; trên sông Bưởi, tại Kim Tân là 12,37m trên báo động III 0,51m. Dự báo đến 2h sáng ngày 6/10 lũ trên các sông sẽ đạt xấp xỉ đỉnh lũ lịch sử, riêng sông Mã vượt báo động III +1,5m.

Đầu cầu Cửa Đạt (Thanh Hòa) vỡ ngày 5/10, đã được lấp trong vòng 10 phút. Ảnh: VnCold.vn

UBND tỉnh Thanh Hoá đã huy động trên 2.000 cán bộ chiến sĩ và hàng nghìn kg lương thực, thực phẩm cùng nhiều thuốc men, chăn màn... để ứng cứu nhân dân. Đến sáng 5/10 đã di dời được 18.478 hộ, với 54.000 người ra khỏi vùng ngoài đê sông Chu, sông Mã và sông Lèn. Trước nguy cơ có thể vỡ đê sông Mã, tỉnh Thanh Hoá đã nhờ Bộ Quốc phòng tăng cường thêm 1.000 quân, phân bổ cho các địa bàn: huyện Vĩnh Lộc, Thạch Thành mỗi đơn vị 200 cán bộ chiến sĩ; huyện Thiệu Hóa và Hoằng Hóa, mỗi nơi 300 người. 
 
Theo thông mới nhất, hồ Cửa Đạt đã bị sói lở mạnh đến cao trình 50, diễn biến hết sức nghiêm trọng, cuốn trôi 600 ngàn m3 đất đá, hơn 5000 ngôi nhà ngập trong nước và có 2 người chết do lũ cuốn trôi ở huyện Thọ Xuân. Toàn tỉnh đã có 37.245 ha lúa, mía, ngô, khoai tây, rau màu bị ngập, đổ, dập nát; hơn 1.098 ha diện tích thủy sản bị ngập... ước thiệt hại ban đầu do mưa bão gây ra tại Thanh Hóa lúc này trên 355 tỷ đồng.

Thanh Hoá đã huy động toàn bộ các lực lượng ứng cứu khẩn cấp

Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Đỗ Minh Quý cho biết, đến thời điểm này lũ tại sông Bưởi đang lên rất nhanh, đã vượt trên mức báo động III gần 1m.  Toàn huyện Thạch Thành đang tập trung chống nước tràn tại các điểm xung yếu. 

Theo chỉ đạo của Ban PCBL tỉnh, chiều 5/10, trong vòng 4h đồng hồ, huyện hoàn thành việc di dời 4.700 khẩu từ các vùng xung yếu lên lên đường Hồ Chí Minh và các đồi cao.

Lũ tại cầu qua sông Chu, Cửa Đạt sáng 5/10/2007. Ảnh: VnCold.vn

Hiện các xã Thạch Lâm, Thạch Định và Thành Kim đang nằm trong nguy cơ lũ tràn từ đê sông Bưởi vào. Huyện đã huy động 1.500 dân quân từ các xã về tại các điểm nguy hiểm ứng trực. Ngoài ra, còn có 200 chiến sĩ thuộc Quân đoàn I đã về Thạch Thành giúp huyện chống lũ. Khu vực được chú trọng nhất lúc này là đê tả sống Bưởi đang được tập trung chống tràn.

"Tình hình hết sức căng thẳng. Nếu chống trọi được đêm nay thì thoát, còn không chống được thì lũ sẽ ngập thị trấn Thạch Thành, xã Thành Hưng và Thành Kim. 10 năm nay nước lũ mới to như thế ở Thạch Thành. Sông Bưởi dài 60 km từ Hoà Bình về, lại hẹp và dốc nên lũ rất mạnh và dâng cao. Đê tả sông Bưởi lại là đê địa phương, chỉ được đầu tư từ ngân sách địa phương nên không được kiên cố..." - Ông Quý nói. 

Lời kể của người vừa trở về từ tâm lũ Thanh Hóa
 
Ông Nguyễn Hoài Nam, Hội Đập Lớn VN vừa trở về từ Cửa Đạt kể lại hành trình bão táp vào kiểm tra đập.
 
Đường từ đập ra đến đường quốc lộ không thể đi bằng phương tiện thông thường được. Đoạn ôtô không đi được, cả đoàn đã phải xuống xe và khi đó cảm nhận nước lũ dâng lên trông thấy, vừa mấp mé ống đồng đã lên đến ngang lưng. Đoàn của ông đã phải mượn mảng tre của người dân, vừa bơi, vừa bò mới qua được chỗ ngập.

Lũ tràn qua đập chính. Ảnh: VnCold.vn

“Bình thường chỉ đi hết 1 tiếng từ ngoài vào công trường n hưng lúc đó phải hết hơn 3 tiếng, đó là chúng tôi vừa thông thạo đường, vừa là những chuyên gia về nước nên mới đi được thế, mấy anh phóng viên ôm camera không thể đi thế được”.

Đến công trường, một cảnh tượng chưa từng thấy trong 20 năm qua, nước lũ cuốn phăng những gì chúng gặp trên đường quét.

 
“Mỗi công trình đập trong thiết kế đều tính đến lũ thiết kế (công trình có nhiệm vụ chống lũ thiết kế thi công), nhưng thực tế lũ đã mạnh hơn cường độ cho phép nên phá một số điểm”.
 
“Rất may, công trình cũng không ảnh hưởng ghê gớm, đặc biệt là về người. Đập không bị vỡ mà nước tràn qua đập chính. Máy móc cũng an toàn”. Ông Nam đã chuyển cho VietNamNet những bức ảnh đầu tiên về đập Cửa Đạt. 

Ninh Bình: Do mưa lớn, khoảng 13h chiều 5/10, Quốc lộ 1A đoạn qua Tam Điệp – Ninh Bình bị ngập trong nước. Có những đoạn ngập sâu gần 1m, rất nhiều xe ôtô, môtô không thể qua lại gây ra tình trạng tắc đường kéo dài gần 2km. Lực lượng CSGT thị xã Tam Điệp và công an phường Nam Sơn đã bố trí lực lượng phân luồng giảm ách tắc giao thông.

a
QL 1A đoạn qua Tam Điệp (Ninh Bình) bị ngập nặng

Đến 21h30 ngày 5/10 nước vẫn ngập sâu qua thị xã Tam Diệp khoảng 50cm, có chỗ ngập sâu gần 80cm. Nhiều xe đi qua đoạn đường này đã bị chết máy. Cán bộ chiến sỹ công an thị xã Tam điệp vẫn đang túc trực phân luồng nhưng do lượng xe lưu thông lớn nên xẩy ra ùn ứ kéo dài gần 2km.
 
Tại huyện Nho Quan (Ninh Bình): Khả năng trong đêm nay (5-10), huyện Nho Quan phải di dời 14.000 dân các xã Đức Long và Lạc Vân để phục vụ việc xả lũ nhằm bảo vệ đê Tả sông Hoàng Long. Do mưa lớn đê Lợi Hà thuộc huyện Nho Quan đã ngập với mực nước cao 4,3m, buộc hàng ngàn hộ dân các xã Gia Lâm, Gia Thủy, Gia Tường, Gia Sơn và Xích Thổ của 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan đang phải đi lại bằng thuyền.

Mặc dù huyện Nho Quan đã xả tràn, mở hàng chục cống để cân đối với nguồn nước bên ngoài bảo vệ cho các tuyến đê, nhưng hàng ngàn người già và trẻ em và gia súc gia cầm ở đây vẫn phải sơ tán lên vùng cao. 

Yên Bái: Cơn bão số 5 đã gây mưa lớn vùng Tây Bắc đã 3 ngày nay và gây lũ lớn tại các dòng suối, thiệt hại đến nhà cửa, hoa màu, đường xá... 

a
Lũ trên dòng suối Nậm Tung ảnh chụp lúc 7h ngày 5/10/2007

Tuyến quốc lộ 32 từ thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Mù Cang Chải và tỉnh lộ Nghĩa Lộ đi huyện Trạm Tấu đã bị tắc nghẽn, sạt lở. Nhiều điểm tuyến đường trọng yếu của Yên Bái như điểm Km 270 +80 và đoạn đường đèo Khau Phạ bị tắc từ đêm 4/10 đến bây giờ. Ngoài ra, nhiều tuyến đường liên xã, liên huyện ở các huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, huỵện Trạm Tấu...bị hỏng nặng. Quốc lộ 32 có 6 điểm sạt lở với hàng nghìn tấn đất đá. Dự tính trong khoảng từ 2 - 3 ngày tới, đoạn Tú Lệ đi Mù Cang Chải mới thông được tuyến.

Thông tin mới nhất, lũ đã làm chết một học sinh trên đường đi học ở huyện Trạm Tấu và một người mất tích ở huyện Văn Chấn.

Các lực lượng công an, quân đội và dân quân địa phương đã có mặt tại các điểm xung yếu giúp nhân dân di dời nhà cửa và bảo vệ tài sản, đối phó với lũ.

Hòa Bình: Mưa lũ đã làm nước sông trên địa bàn Hoà Bình dâng cao mấy ngày qua. Quốc lộ 6 đã bị ách tắc, nhiều tuyến đường tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã đi các huyện đã bị sạt lở và ách tắc nghiêm trọng. Đến thời điểm này đã có 1 người dân ở xã Quy Mỹ (huyện Tân Lạc) bị chết do lũ cuốn trôi.

a
Dùng bê tông đúc sẵn để chống sạt lở thêm - Ảnh: Báo Yên Bái

Theo chỉ đạo của Ban PCBL Trung ương, tỉnh Hoà Bình đã dừng các cuộc họp không quan trọng để tập trung vào việc phòng chống lũ lụt. Lãnh đạo tỉnh Hoà Bình đã huy động quân đội, công an và nhân dân có mặt tại các điểm sạt lở, ách tắc và các điểm trọng yếu để đối phó cũng như giải toả. Hiện nhiều nhà dân ở các vùng trọng yếu lũ ở Hòa Bình bị ngập sâu trong nước. Mưa lũ đã làm nhiều ngôi trường tại vùng cao Hoà Bình bị sập đổ. Thiệt hại chưa thể thống kê được. 

Theo VNN

 

 

Xem thêm

Bình luận mới nhất