| Hotline: 0983.970.780

Để cánh rừng nơi biên giới Nậm Pồ thêm xanh

Thứ Tư 21/05/2025 , 19:12 (GMT+7)

Huyện Nậm Pồ (Điện Biên) giữ rừng bằng nhiều giải pháp như khoanh nuôi, trồng mới và nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ phát triển rừng.

Huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên có tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 43%. Những cánh rừng nơi biên giới không chỉ là “lá phổi xanh” của vùng cao, mà còn đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ môi trường, sinh kế và an ninh quốc phòng. Huyện Nậm Pồ đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Tại xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ, công tác bảo vệ và phát triển rừng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc một bộ phận người dân vẫn chưa thực sự nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của rừng đối với đời sống, môi trường và sinh kế lâu dài. Tại một số khu vực trên địa bàn xã, vẫn còn tình trạng người dân xâm hại tài nguyên rừng, các hành vi như chặt phá cây trái phép, đốt nương làm rẫy không đúng quy định, khai thác lâm sản.

Những cánh rừng huyện biên giới Nậm Pồ được người dân bảo vệ xanh tốt. Ảnh: Trần Hương.

Những cánh rừng huyện biên giới Nậm Pồ được người dân bảo vệ xanh tốt. Ảnh: Trần Hương.

Trước thực trạng đó, chính quyền xã Nậm Chua đã chủ động phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm địa bàn triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng được đặc biệt chú trọng, thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, lồng ghép nội dung giáo dục về môi trường vào các chương trình của thôn bản.

Bên cạnh đó, xã còn tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các phương thức canh tác bền vững, hạn chế tác động tiêu cực đến rừng; tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên tại những khu vực rừng trọng điểm; đồng thời xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng bản làng nhằm tạo sự đồng thuận và cam kết từ chính cộng đồng cư dân địa phương.

Ông Hoàng A Chính, Bí thư Chi bộ bản Nậm Chua 4, huyện Nậm Pồ cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của huyện và xã, các bản đã thống nhất ban hành quy ước bảo vệ rừng, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Người dân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Lực lượng chức năng cùng người dân thường xuyên tuần tra những cánh rừng. Ảnh: Trần Hương.

Lực lượng chức năng cùng người dân thường xuyên tuần tra những cánh rừng. Ảnh: Trần Hương.

Không chỉ riêng Nậm Chua, các xã khác trong huyện cũng tích cực xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ rừng. Bản Nà Hỳ 3, xã Nà Hỳ thành lập tổ bảo vệ rừng gồm 12 thành viên, chia thành 4 nhóm luân phiên tuần tra rừng mỗi ngày. Nhờ đó, các diễn biến bất thường đều được phát hiện và xử lý kịp thời.

Ông Lường Văn Tiến, thành viên tổ bảo vệ rừng xã Nà Hỳ chia sẻ: Chúng tôi phân công nhau trực tiếp vào rừng, đảm bảo ngày nào cũng có người tuần tra. Khi phát hiện có dấu hiệu xâm hại rừng, tổ báo ngay cho chính quyền địa phương. Đặc biệt, công tác tuần tra tại các bản còn có sự tham gia của lực lượng chức năng như kiểm lâm, công an và quân sự xã. Mỗi đợt tuần tra đều phối hợp đầy đủ các bên nhằm phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Bên cạnh việc giữ rừng, huyện Nậm Pồ cũng tập trung vào phát triển rừng, nhất là thông qua các chương trình trồng rừng sản xuất và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Là địa phương dẫn đầu trong việc khoanh nuôi tái sinh rừng, xã Chà Nưa đã thực hiện nhiều cách làm để nhân rộng diện tích rừng. Đến nay, toàn xã đã có trên 80% hộ dân không còn làm nương. Toàn bộ diện tích nương đều đã được khoanh nuôi thành rừng.

Những nỗ lực thiết thực đó, đã giúp nâng cao tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện qua từng năm, các vụ việc xâm hại đến rừng cũng giảm dần cả về số vụ. Từ đó, những cánh rừng ở nơi vùng cao biên giới Nậm Pồ ngày một thêm xanh.

Xem thêm
Người nuôi heo có lời nhưng vẫn dè dặt tái đàn

ĐBSCL Giá heo hơi tại ĐBSCL tăng mạnh, giúp nhiều hộ nuôi có lãi khá, tuy nhiên, lo ngại dịch bệnh và chi phí cao khiến nhiều người không dám mạnh dạn tái đàn.

Chuyện thú y cơ sở: [Bài cuối] Lo lắng vẫn còn

QUẢNG BÌNH Lượng thú y cơ sở tại Quảng Bình mới được tái lập chưa tròn một năm, nay đứng trước những thách thức mới khi chủ trương bỏ cấp huyện được triển khai trên toàn quốc.

Lúa xuân đồng bằng sông Hồng hứa hẹn thắng lợi

Với nhiều tín hiệu tích cực, vụ xuân 2025 ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng hứa hẹn thắng lợi nhưng cần bám sát ruộng đồng để phòng trừ dịch hại cuối vụ như rầy nâu, đạo ôn.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

Những giống cây trồng biến bất lợi thành lợi thế

Trong bối cảnh nông nghiệp Nam Trung bộ đang gặp bất lợi do biến đổi khí hậu, ASISOV đã chọn tạo nhiều giống cây trồng thích ứng, biến bất lợi thành lợi thế.

Cảnh báo nắng nóng ảnh hưởng sức khỏe thủy sản nuôi

Khánh Hòa Tỉnh Khánh Hòa đang xảy ra nắng nóng khiến nhiệt độ nước tăng, thủy sản nuôi dễ bị sốc, giảm sức đề kháng và mắc bệnh.