Những cánh chim biển đang xuất hiện nhiều hơn, những "tổ ấm" trên môi trường đảo, ven biển, vùng đất liền nổi lên giữa đại dương bắt đầu hiện hữu, những chú chim non, cả những loài quý hiếm cũng thi nhau trình làng sau bao năm tháng mất hút vì sự can thiệp thô bạo của con người và môi trường ô nhiễm, cạn kiệt nguồn sống. Tin vui này được thể hiện trong nghiên cứu toàn cầu mới nhất công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) do Tiến sĩ Dena Spatz cùng nhóm Pacific Rim Conservation thực hiện thông qua kết quả từ một số dự án phục hồi các loài chim đại dương; làm dấy lên niềm hy vọng về trách nhiệm, thái độ ứng xử đẹp của con người sẽ là nguyên nhân "lôi cuốn" sự xuất hiện dày lên của những loài chim.
Một chu kỳ sống mới đang bắt đầu
Nghiên cứu cho thấy, từ 551 hòn đảo và vùng ven biển trải dài qua 36 quốc gia, hơn 800 nỗ lực hồi sinh của con người đã được ghi nhận. Đó là những cố gắng kiên trì, âm thầm đã mang lại kết quả không kém phần kỳ diệu - mang lại sự sống cho 138 loài chim biển - gần một phần ba tổng số loài chim biển trên Trái Đất. Tiếng hót ríu rít, tiếng cánh vỗ lướt gió, và cả những tổ chim nhỏ xinh bằng cỏ, rong biển như những tứ thơ sống động giữa đại dương bao la.
Dena Spatz cùng nhóm Pacific Rim Conservation cho biết: Chim biển không chỉ đơn thuần là những cư dân của biển cả, chúng là biểu tượng của tự do. Sự xuất hiện của chúng là kết quả của tinh thần bền bỉ và thái độ đồng hành của con người với thiên nhiên. Mỗi chú chim là một sứ giả, mang trên mình những câu chuyện về sự sống mạnh mẽ hay suy giảm, sự kết nối mỏng manh hay chặt chẽ giữa con người và các loài chim.

Hải âu cổ rụt (puffin), còn gọi là hải âu mỏ sáng hay vẹt biển. Ảnh: Internet.
Nghiên cứu đã hé lộ rằng, chỉ sau trung bình 2 năm kể từ khi các dự án phục hồi bắt đầu, những chú chim biển đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, quay lại những vùng là địa bàn thuộc dự án. Chúng xây "tổ ấm", bắt đầu một cuộc sống mới ở vùng đất mới. Phương pháp “thu hút xã hội” và giải pháp kỹ thuật như sử dụng mô hình chim giả và âm thanh sinh động "lôi kéo" chim trở về vùng dự án cùng với việc di chuyển cá thể chim non đến những nơi an toàn hơn trong dự án đã trở thành những phép màu sinh học, gieo mầm cho sự hồi sinh.
Các loài như nhạn biển (terns), mòng biển (gulls) và chim auk (auks) đạt tỷ lệ phục hồi cao nhất, trong đó, phương pháp thu hút xã hội cho phép ai cũng có thể là một thành viên có trách nhiệm với các loài chim. Các loài chim biển bị đe dọa cao như hải âu (petrels), shearwaters và albatrosses cũng được phục hồi thành công nhờ kết hợp các phương pháp trên .
Một ví dụ điển hình là sự phục hồi của loài hải âu cổ rụt (puffin) tại quần đảo Farne, Anh Quốc. Sau nhiều năm không thể tiến hành khảo sát do đại dịch và dịch cúm gia cầm, năm 2024, tổ chức National Trust đã thực hiện cuộc kiểm tra đầy đủ đầu tiên trên quần đảo Farne. Kết quả cho thấy số lượng cặp hải âu cổ rụt sinh sản đã tăng 15% so với năm 2019, đạt khoảng 50.000 cặp .
Thêm nhiều chấm xanh cho đại dương xanh
Trên bức tranh biển xanh thẳm, những cánh chim xuất hiện như những nét chấm phá mềm mại. Chúng không chỉ làm sống lại những bờ đảo hoang vu mà còn đánh thức tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của chúng ta, những con người đang chung sống với thiên nhiên trên hành tinh này.
Và mặc dù nghiên cứu này chưa ghi nhận các dự án phục hồi chim biển tại Việt Nam, nhưng với một quốc gia có bờ biển dài, không gian biển rộng lớn và giàu tiềm năng, bài học từ nghiên cứu toàn cầu là một lời mời gọi để chúng ta bắt đầu hành trình hồi sinh, bảo vệ những quần thể chim biển, những viên ngọc quý của đại dương. Có thể tại những hòn đảo nhỏ yên bình, những vùng rừng trong quần thể rừng - biển, những dải đất liền ven biển... có thể hình thành dự án, nhưng cũng có thể mỗi con người tự xây cho mình một dự án trong chính thái độ, trách nhiệm của bản thân. Những nỗ lực này không chỉ là bảo tồn sinh học, mà còn là cách ứng xử văn hóa với thiên nhiên.

Tổ của một loài chim biển tại đảo Hòn Trứng. Ảnh: Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự suy giảm loài, suy giảm đa dạng sinh học, hình ảnh chim biển trở lại, xuất hiện nhiều hơn như những chấm xanh làm giàu có cho môi trường đại dương xanh; như một bản giao hưởng ấm áp, dịu dàng, nhắc nhở chúng ta về sự gắn kết và trách nhiệm với môi trường. Khi tiếng chim hót vang lên trên sóng biển, cũng là lúc niềm tin về một hệ sinh thái được hồi phục, về một tương lai xanh cho đại dương, trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, phụ thuộc rất lớn vào thái độ sống của con người.
"Hãy để câu chuyện này là nguồn cảm hứng, khơi dậy trong mỗi chúng ta tình yêu, sự trân trọng và hành động thiết thực để cùng bảo vệ những cánh chim biển - những thiên thần nhỏ của đại dương rộng lớn" - Dena Spatz cho biết.