
Để phòng chống dịch Covid-19, học sinh các tỉnh thành có kì nghỉ tết dài nhất trong lịch sử. Ảnh minh họa: vietnamnet.
Bằng văn bản ban hành ngày 14/2, Bộ GD-ĐT chấp nhận cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020, đồng thời dời lịch trình các cuộc thi cuối cấp cũng như thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia. Đây là kỳ nghỉ dài nhất sau Tết Nguyên đán đối với lịch sử ngành giáo dục nước ta.
Tuy nhiên, UBND TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác còn kiến nghị, tạm thời cho học sinh nghỉ học luôn cả tháng 3/2020, để tạo sự yên tâm hoàn toàn về sức khỏe và tính mạng của hàng triệu công dân tương lai. Kỳ nghỉ ấy có thể gọi là nghỉ hè sớm, và học kỳ 2 của niên khóa 2019-2020 sẽ bắt đầu vào tháng 4/2020.
Nghỉ học mùa đại dịch, là chuyện chẳng đặng đừng. Thế nhưng, khi cổng trường đóng kín, thì điều cần băn khoăn nhất không phải mức giảm lương bổng của giáo viên, mà là câu hỏi học sinh làm gì ở nhà? Cho trẻ em theo phụ huynh đến công sở đã không ổn, mà để trẻ em lêu lỏng rong chơi càng không ổn. Vụ Giáo dục trung học cho biết, Bộ GD-ĐT đã gấp rút hướng dẫn các đơn vị trường học tiếp tục duy trì không khí học tập để tránh học sinh quên lãng kiến thức.
Cụ thể, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn giữ liên lạc với học sinh để hỗ trợ học sinh tự ôn tập, đánh giá từ xa kết quả của từng em thông qua những hình thức như tổ chức học trực tuyến hay tổ chức bài học trên mạng.
Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch dạy bù cho học sinh, tất cả các trường đều phải thực hiện. Trường hợp nơi nào đã tổ chức dạy trực tuyến những bài học mới, thì khi học sinh trở lại trường vẫn phải có kế hoạch bố trí dạy bù.
Rõ ràng, Bộ GD-ĐT vẫn chưa mấy tin cậy vào phương pháp dạy và học trực tuyến. Trong khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục lại cho rằng, ứng phó covid-19 cũng là cơ hội để thay đổi mô thức truyền đạt kiến thức theo kiểu thầy nói - trò nghe, thầy đọc - trò chép quen thuộc xưa nay.
Chính khoảng cách từ máy tính của giáo viên đến máy tính của học sinh, sẽ tạo ra vùng sáng tạo mà giáo trình cũ kỹ không thể có. Thầy phải giảng dạy bằng cách khác và trò phải tiếp thu bằng cách khác. Như vậy, tính năng động và tính đột phá của mỗi bài học sẽ được nhân lên đáng kể!
Covid-19 ập đến bất ngờ, như một tai họa khủng khiếp không ai lường trước được, cũng đã trở thành bài học bổ ích cho mỗi người trên chặng đường thích ứng thế kỷ 21 nhiều biến động về môi trường thiên nhiên và tâm tính nhân loại.
Chuyện học mùa đại dịch là một thử thách cho môi trường giáo dục nước ta, vốn tồn tại không ít bất cập và ngổn ngang. Chương trình dạy và học của Việt Nam đang thừa những lý thuyết khô cứng nhằm đối mặt với các kỳ sát hạch điểm số, nhưng lại đang thiếu những kỹ năng mềm mại để sống đẹp đẽ và hữu ích giữa thế giới hội nhập.
Vì vậy, ngành giáo dục phải xem mùa đại dịch cũng là lúc giá trị sư phạm được hiển lộ đầy đủ và lấp lánh, để cái khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” tương đương “mỗi bài học là một niềm vui”.