Tài nguyên đất càng ngày càng khan hiếm, vì trong chiến lược phát triển bền vững, không thể chấp nhận các hành vi xâm hại rừng để lấy đất canh tác. Khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, Việt Nam đang ưu tiên miễn thuế đất nông nghiệp.
Tại phiên thảo luận về dự thảo nghị quyết kéo dài thời gian miễn thuế đất nông nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận đã cảnh báo hiện tượng ở đồng bằng sông Cửu Long có các khu đất được quy hoạch lên tới vài chục ha, nhưng sau khi giải phóng mặt bằng lại không được chủ đầu tư đưa vào sử dụng, một diện tích đất đai bị hoang hóa, trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Đây là một dấu hiệu lãng phí tài nguyên đất khá nghiêm trọng.
Đáp ứng tốc độ đô thị hóa hiện nay, nhiều địa phương đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dùng đất nông nghiệp để quy hoạch những dự án nhà ở thương mại dịch vụ. Đáng tiếc, sau khi có được chủ trương đầu tư, không ít dự án vẫn án binh bất động. Có rất nhiều lý do, hoặc nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai, hoặc nhà đầu tư tranh thủ quy hoạch để sở hữu đất đai giá rẻ chờ cơ hội hưởng lợi từ giao dịch chuyển nhượng dự án. Chính những dự án thiếu cân nhắc này, đã thu hẹp diện tích đất nông nghiệp mà cộng đồng cũng không được cải thiện môi trường dân cư. Vì vậy, nhất định phải có chính sách đánh thuế những dự án “treo” nhằm bảo vệ giá trị tài nguyên đất.
Các dự án “treo” đã đưa đến một bức tranh nghịch lý, một bên là nông dân khan hiếm đất sản xuất, một bên là người nghèo không được tiếp cận nhà ở xã hội. Khảo sát mới nhất của Cục Thống kê cho thấy, diện tích nhà ở bình quân của người Việt Nam năm 2024 là 29m2. Dĩ nhiên, để có con số bình quân ấy, phải tính gộp cả những biệt phủ nguy nga và hàng nghìn biệt thự nằm trong tay các đại gia nhưng không có bóng dáng con người cư ngụ.
Cũng trên diễn đàn kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa 15, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Bảo Trân đã trình bày một gửi gắm của người lao động về giấc mơ có được mái nhà che mưa che nắng “bởi một thực tế rất phũ phàng là tiền lương không tăng nhưng giá nhà, giá tiêu dùng tăng liên tục. Với mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng, chúng tôi phải lo toan đủ mọi khó khăn từ tiền ăn, tiền học cho con, tiền phí, tiền thuê nhà… Một căn nhà là điều ngoài tầm tay chúng tôi”.
Câu cửa miệng mà giới bất động sản vẫn chiêu mộ khách hàng là “người sinh thêm, nhưng đất không sinh thêm”. Cho nên, tài nguyên đất không thể lãng phí, khi diện tích đất tương đối lớn lại thuộc về một bộ phận thiểu số và bị hoang hóa. Nếu thu hồi đất nông nghiệp để làm dự án, thì cần đắn đo giao quỹ đất cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Xin lưu ý, sau 5 năm thực hiện đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” thì cả nước chỉ mới có 679 dự án, trong đó hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn, tương đương 15% mục tiêu.