| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 15/04/2025 , 19:52 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 19:52 - 15/04/2025

Tên đất tên làng trong đơn vị hành chính cấp xã

Tên đất tên làng mang những yếu tố lịch sử và văn hóa, được khuyến khích ưu tiên đặt cho đơn vị hành chính cấp xã sau khi sáp nhập ở các địa phương.

Tên đất tên làng giống như tài sản vô hình trong ý thức cội nguồn mỗi con người. Trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, từng nôn nao về hành trình cha ông “Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”.

Khi bỏ cấp huyện, thì cấp xã trở thành đơn vị hành chính liên quan mật thiết đến đời sống cộng đồng dân cư. Cho nên, tên gọi của xã sau khi sáp nhập, nhận được sự quan tâm sâu sắc ở từng địa phương. Chính phủ vừa ban hành quyết định số 759 phê duyệt “Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp” yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng và thấu đáo, theo tiêu chí “Ưu tiên một số tên gọi trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý”.

Đành rằng, chỉ là một cái tên, nhưng khi nhiều xã sáp nhập với nhau, không thể không lường trước những cái tên mang tính “nhất bên trọng, nhất bên khinh”. Theo cảm tính, mỗi tên đất tên làng đều có ý nghĩa riêng, nhưng vì lợi ích chung thì tên gọi cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.

Bộ Nội vụ có một kiến nghị rất đáng ủng hộ, đó là đặt tên mới cho cấp xã/ phường theo số thứ tự hoặc theo tên của huyện/ quận trước đây kèm theo số thứ tự, để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin. Thực tế, vài nơi đã triển khai phương án này, và nhận được sự đồng thuận. Ví dụ, tại tỉnh Đắk Lắk vừa có kế hoạch sáp nhập, thành phố Buôn Ma Thuột chia ra thành các phường Buôn Ma Thuột 1,2,3,4 còn thành phố Tuy Hòa cũng chia ra thành các phường Tuy Hòa 1,2,3,4. Như vậy, khái niệm tên đất tên làng không hề bị tác động nhiều.

Tuy nhiên, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều huyện mang tên Châu Thành, cần một sự điều chỉnh khéo léo hơn. Bởi lẽ, sau khi sáp nhập tỉnh mới, thì An Giang, Vĩnh Long hoặc Đồng Tháp đều có hai huyện Châu Thành không còn hoạt động. Không thể cứng nhắc đặt tên hàng chục phường Châu Thành và hàng chục xã Châu Thành trên một diện tích không quá lớn.

Cùng chủ trương đặt tên xã, phường mới không được trùng với tên của đơn vị hành chính ngang cấp hiện có trong phạm vi tỉnh thành, TP.HCM còn triển khai chủ động hạn chế lấy tên danh nhân để đặt tên xã, phường. Như vậy, những đơn vị đang có tên gọi phường Nguyễn Tri Phương, phường Võ Thị Sáu hoặc phường Lê Văn Sỹ phải thay đổi cho phù hợp hơn.

Tên đất tên làng rất quan trọng trong hành trang mỗi con người. Thế nhưng, nếu tất cả đều hướng đến mục tiêu phát triển, ai cũng hiểu rằng “khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” một cách độ lượng và nhân văn.