| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 29/04/2025 , 11:04 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 11:04 - 29/04/2025

Nửa thế kỷ kiến tạo một đại đô thị phương Nam

Nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày 30/4/1975 lịch sử, ký ức hào hùng và khát vọng vươn lên đã kiến tạo diện mạo văn minh cho đô thị lớn nhất phương Nam.

Nửa thế kỷ trôi qua, Sài Gòn thuở xưa và TP.HCM bây giờ, liên tục một dòng chảy văn hóa tiếp nhận mọi ước mơ, chan hòa mọi khác biệt để mỗi góc phố lưu giữ kỷ niệm, để mỗi công trình ghi dấu sáng tạo. Trong mắt đồng bào Việt Nam và bạn bè quốc tế, TP.HCM luôn mang một câu chuyện trìu mến của một thành phố ân tình.

50 năm, thật khó thống kê bao nhiêu con người đã đến với TP.HCM và bao nhiêu con người đã rời xa TP.HCM, nhưng từng địa danh đô thị vẫn ôm ấp từng niềm tin cậy, vẫn bịn rin từng nỗi nhớ thương.

Tốc độ xây dựng theo chiều kích hiện đại hóa nhanh chóng cũng khiến chính người dân TP.HCM ngạc nhiên. Cho nên, những ai vài năm không quay lại TP.HCM sẽ không tránh khỏi sửng sốt và trầm trồ về những công trình phục vụ dân sinh.

Không thể không trầm trồ trước dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã thoát cảnh bùn lầy nước đọng. Không thể không trầm trồ trước hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. Và càng không thể không trầm trồ trước tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên… Đó là những công trình tiêu biểu cho một đất nước Việt Nam hội nhập quốc tế.

Nửa thế kỷ trôi qua, TP.HCM không chỉ nổi bật về phát triển kinh tế. TP.HCM là một đô thị trân trọng từng kỷ niệm suốt hành trình hơn 300 năm, kể từ ngày thống Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh khai hoang mở cõi. Thiên nhiên Nam bộ với nhiều loại sinh vật đã thành địa danh lưu truyền hôm nay, như chợ Cây Thị, rạch Cây Cui, ấp Cây Trôm, khu Cây Gõ, gò Cây Mai…

Những con người từng có công vun đắp đất đai cũng đã thành địa danh Bà Hom, Bà Điểm, Bà Lài, Bà Hạt, Bà Ký, Ông Tạ, Ông Lãnh, Ông Bổn… Chính truyền thống không quên ơn tiền nhân đã củng cố tinh thần tương thân tương ái của thế hệ cháu con. Không ai bị kỳ thị, không ai bị cô lập, không ai bị bỏ rơi, không ai bị ghẻ lạnh… dần dần đặc trưng cho nhịp sống ơn nghĩa của đô thị sầm uất.

Bởi vì TP.HCM luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi số phận, đón nhận mọi cá tính, đón nhận mọi mảnh đời, nên hàng triệu con người đã tìm đến nơi đây để an cư lập nghiệp. Không có đô thị nào ở Việt Nam có sức chứa đa dạng và bất tận như TP.HCM. Có thể nghe được giọng nói của tất cả vùng miền ở TP.HCM. Giọng người rẻo cao Tây Bắc, giọng người xóm biển miền Trung, giọng người miệt vườn Cửu Long… đều tự tin cất lên, hòa đồng và thân ái, như những bản tình ca tràn đầy sức sống của TP.HCM.

Trong cuộc quần tụ tại TP.HCM, mỗi người tha phương đều mang theo một đặc sản cố hương của họ, để góp phần bức tranh rực rỡ màu sắc của TP.HCM. Nói không ngoa, ở TP.HCM không thiếu một món ăn độc đáo nào của các tỉnh thành khác, từ bánh xèo, bánh căn, bánh lọc, bánh đa… đến bún cá, bún chả, bún ốc, bún ngan. Vì vậy, TP.HCM có rất nhiều hội đồng hương, mà mỗi hội đồng hương đều chọn TP.HCM làm quê hương thứ hai.

Với nhiều sắc dân khác nhau, nên phẩm chất vượt trội của TP.HCM là vẻ đẹp tương tác. Người Hoa, người Chăm, người Tày, người Thái… đều có mặt ở TP.HCM. Người Ê Đê, người Ba Na, người Khơ Me, người Xơ Tiêng… đều dự phần vào nhịp điệu TP.HCM. Bản sắc của mỗi dân tộc được nâng niu và được bảo toàn trong mỗi gia đình, trong mỗi dòng họ, trong mỗi chung cư. Ở TP.HCM, thật thú vị khi bất chợt lắng nghe một điệu khèn người Mường, một tiếng sáo người Dao, một câu hò người Mạ… giữa lô nhô cao ốc ngột ngạt đua chen.

Không phân biệt người gốc gác hay người nhập cư, TP.HCM khuyến khích mỗi cá nhân cống hiến và sáng tạo. Ngọn gió trên kênh Tàu Hủ hay tiếng sóng trên sông Sài Gòn được chia đều cho tất cả, không tị hiềm, không hoang mang, không buồn tủi. Cho nên, có người chỉ một lần ghé qua TP.HCM đã xem TP.HCM như tri kỷ để thầm thì “ngày vội vàng lên bình minh thay đêm tối, nắng phai từ lâu chiều vẫn dài”, có người chỉ một ngày sống với TP.HCM đã xem TP.HCM như tri âm để lưu luyến “có từ bao giờ hàng me xanh ngát, mà nay đứng đó cho anh làm thơ”.

Nửa thế kỷ trôi qua, TP.HCM với sự năng động vốn có, luôn tiên phong hiện thực hóa nhiều ý tưởng mới mẻ. Từ Đường hoa Nguyễn Huệ của TP.HCM, các tỉnh khác cũng triển khai đường hoa vào mỗi dịp tết. Từ Đường sách TP.HCM, các tỉnh khác cũng triển khai đường sách để nâng cao văn hóa đọc. Trên hành trình định vị một đại đô thị đẳng cấp quốc tế, chắc chắn nhiều dự án đột phá sẽ tiếp tục được TP.HCM đầu tư một cách quy mô và bài bản.

Tuy nhiên, phía dưới mỗi cao ốc TP.HCM, điều đáng quý nhất là sự hào hiệp và sự cưu mang của cộng đồng. Trà đá miễn phí dọc các con đường, ATM gạo giai đoạn chật vật đại dịch và bao nhiêu hoạt động thiện nguyện khác ở TP.HCM, thực sự là những dấu son không phai mờ trong tâm trí mỗi người Việt Nam. Tình yêu dành cho TP.HCM đâu chỉ dựa vào sự phồn vinh, mà chủ yếu bắt nguồn từ những trái tim mang nhịp đập nhân ái.

Những công dân TP.HCM dẫu sang hèn khác nhau, dẫu giàu nghèo khác nhau, đều biết sống cho người khác và biết sống vì người khác. Chính giá trị thầm lặng mà đẹp đẽ ấy làm nên một chân dung đô thị vừa lộng lẫy vừa giản dị, vừa kiêu hãnh vừa gần gũi.