Người tiêu dùng gần đây chứng kiến nhiều chuyên án của cơ quan chức năng khi triệt phá hàng loạt công ty sản xuất kẹo, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, sữa giả… với khối lượng lớn. Vậy đâu là nguyên nhân khiến hàng giả nhiều đến thế?
Hàng giả được xem là "mầm ung thư" của nền kinh tế, nó được cá nhân hay công ty tổ chức sản xuất bất hợp pháp với mục đích thu về lợi nhuận mà bất chấp tất cả luật pháp. Hàng giả có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, kinh tế của người tiêu dùng và cao hơn có thể làm suy yếu cả một nền kinh tế.
Một thực tế phải thừa nhận, Luật An toàn thực phẩm 2010 đã bộc lộ nhiều nội dung, quy định không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như điều kiện kinh tế - xã hội. Nói đúng hơn là luật tồn tại nhiều “kẽ hở”, đó là lý do Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi.
Ngoài ra, Nghị định số 15/2018 cho phép các sản phẩm thuộc dạng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung chỉ cần đăng ký bản công bố và tự công bố, khi có phản hồi không hài lòng của người tiêu dùng thì công tác hậu kiểm mới được triển khai, đã dẫn tới thực trạng nhiều sản phẩm, ngành hàng cơ quan chức năng "quên" luôn nhiệm vụ hậu kiểm.
Đó có thể là nguyên nhân sâu xa khiến hàng giả len lỏi vào đời sống xã hội như hiện nay. Ngoài hai nguyên nhân chính trên, nó đơn giản còn xuất phát từ yêu cầu không phù hợp với thực tế của một số bộ phận người tiêu dùng. Họ muốn sử dụng những loại hàng hóa chất lượng, mẫu mã đẹp, tiện lợi nhưng lại chưa sẵn sàng chi số tiền hợp lý với sản phẩm có thể đáp ứng được các nhu cầu đó.
Ngoài ra, do thói quen ham mua hàng giá rẻ của một bộ phận người tiêu dùng qua mạng xã hội hoặc cũng có thể do tin tưởng người thân giới thiệu, người nổi tiếng quảng cáo, trong khi chính người tiêu dùng lại ít quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Trên thực tế, hàng giả có nhiều lợi thế hơn so với hàng thật nhờ dựa vào thương hiệu của hàng thật. Nghe thì có vẻ vô lý. Nhưng những thứ tạo nên thương hiệu cho một sản phẩm chất lượng thì mặc nhiên hàng thật phải có. Để xây dựng nên thương hiệu như vậy, doanh nghiệp phải đầu tư rất nhiều chi phí. Trong khi hàng giả thì hoàn toàn không cần.
Do đó, để gây dựng một sản phẩm có thể đồ ăn, đồ uống, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng… một doanh nghiệp cần đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu, thiết kế, làm thương hiệu, chi phí nguyên liệu, quản lý, nhân công, nghĩa vụ thuế… còn đối với hàng giả thì họ không quan tâm, cái họ quan tâm nhất là sản xuất được bao nhiêu sản phẩm, chốt đơn và lợi nhuận như thế nào.
Chúng ta cũng không thể trách mình hết được, cũng không nên vội vàng lên án, kết tội ai đó trong việc dễ dãi lựa chọn hàng giả. Bởi “thật giả lẫn lộn”, đến chuyên gia đồ cổ còn nhầm lẫn và thậm chí bị lừa ở chính lĩnh vực chuyên môn của họ huống chi người tiêu dùng. Và thậm chí, cán bộ ngành quản lý thị trường còn nhầm lẫn hoặc khó có thể phân biệt bằng mắt thường đâu là hàng thật, đâu là hàng giả nếu không có công cụ kỹ thuật hỗ trợ.
Đó là lý do hiện nay người tiêu dùng đã quá quen thuộc với nhiều tên gọi: Hàng giả, hàng nhái (fake), hàng kém chất lượng, hàng loại 1, hàng chính hãng… Suy cho cùng, hàng thật mãi là thật, hàng giả có làm tinh vi tới đâu thì vẫn là hàng giả.
Khi mà hàng chục vụ sản xuất hàng giả, kẹo giả, thuốc chữa bệnh giả, sữa giả… chưa kịp lắng xuống, người dân lại phải chứng kiến một vụ việc động trời liên quan tới ông Nguyễn Thành Phong, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và thuộc cấp. Với vai trò và trách nhiệm được giao, lẽ ra họ phải là người công tâm nhất trong việc thẩm định, hậu kiểm, cấp giấy chứng nhận, giấy phép công bố sản phẩm… cho các tổ chức, doanh nghiệp. Nói chính xác hơn, họ được giao nhiệm vụ kiểm soát chất lượng sản phẩm, thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho 100 triệu người dân Việt Nam, thế nhưng chính họ lại vì đồng tiền làm mờ mắt, để rồi làm ngơ và dung túng, tiếp tay cho sai phạm tại Công ty CP Dược phẩm MediPhar, Công ty Mediusa… để rồi hậu quả là hàng trăm sản phẩm sữa giả, với nhiều thương hiệu khác nhau đã được các công ty này đưa ra thị trường tiêu thụ, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng và bức xúc cho dư luận.
Được biết, đến nay nhiều địa phương như TP Hà Nội, TP HCM, Thanh Hóa… đã lập chuyên án điều tra liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Tại cuộc họp Chính phủ ngày 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền... trong thời gian từ ngày 15/5-15/6/2025.
Ngay lập tức nhiều địa phương đã vào cuộc, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành thanh kiểm tra toàn diện các cơ sở, công ty sản xuất, nhất là các doanh nghiệp liên quan sản xuất thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các nhãn hàng, thương hiệu… với quyết tâm đẩy lùi, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và bản quyền thương mại...
Hàng giả thật nguy hại. Nhưng sẽ nguy hại bội phần khi đến một ngày ngay cả hàng thật cũng bị người tiêu dùng nghi ngờ hàng giả bởi hằng ngày cái giả cứ nhởn nhơ, len lỏi, lộng hành...