| Hotline: 0983.970.780

Thứ Sáu 02/05/2025 , 16:43 (GMT+7)
Võ Văn Việt

Võ Văn Việt

Nhà báo 16:43 - 02/05/2025

Cách học ngoại ngữ đã có hàng chục năm, sao ta còn tìm?

'Việc các em học ngoại ngữ thành công hay không thì 70% là do người dạy', câu nói của thầy giáo người Trung Quốc hơn 20 năm trước khiến chúng tôi nhớ mãi.

Với những đứa trẻ 18, 19 tuổi chúng tôi khi ấy, Trung Quốc là một thứ gì đó thật gần mà cũng thật xa. Ngày đặt chân đến trường, 15 lưu học sinh Việt Nam gần như chỉ biết một câu: “Ní hảo” (Xin chào)

Chúng tôi đã bắt đầu với mớ giáo trình tiếng Hán, mà khi xếp chồng lên nhau, cao gần nửa mét. Các thầy cô không biết tiếng Việt, giai đoạn đầu thực sự là thử thách.

Thầy cô người Trung Quốc đã dạy theo cách chúng tôi không ngờ tới, chưa từng được chứng kiến suốt 12 năm học phổ thông. Cô Trần, giáo viên dạy ngữ pháp, nói: “Các em phải bắt đầu từ phát âm, đến từ vựng, ngữ pháp sẽ là thứ sau cùng”. Câu này chúng tôi được một chị người Việt lớp trên dịch cho. Hết câu, chị về lớp của mình với các bài tập khác.

Những âm tiết uốn lưỡi, quặt lưỡi, thực sự đã "hành hạ" mấy lưu học sinh ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Ngày này sang ngày khác, bài học chỉ có thế. Chưa đầy 1 tuần, tất cả chúng tôi chuyển từ cơm sang các món phở của nước bạn. Lưỡi đứa nào cũng toét ra, thậm chí xước ngạc cứng bật máu. Các bài tập phát khóc, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Khi ấy, song song với một vài môn khác như Khẩu ngữ, Nghe nói, chúng tôi bắt đầu dần giao tiếp được với thầy cô, tất nhiên phát âm chưa chuẩn lắm, trừ vài bạn xuất sắc trong lớp. Về cơ bản, chúng tôi hiểu được phần nào những gì thầy cô nói.

Ở đây, xin được giải thích thêm, là khi con người ở vào môi trường bắt buộc phải dùng ngôn ngữ khác, người ta sẽ tự thích nghi lúc nào không hay.

Hơn 23 năm qua, chúng tôi không bao giờ quên được cảm xúc khi cô Trần nói: “Cô đã rất cố gắng dạy các em theo mọi cách cô có thể. Nhưng các em phát âm vẫn không ổn. Cô nghĩ lỗi là do cô. Bởi vì các thầy cô khác nhận xét trong môn của họ, các em học tiến bộ. Từ nay, cô sẽ dự giờ tất cả các môn, để học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp”.

Giáo viên tự nhận lỗi về mình. Chúng tôi chưa từng được nghe điều đó suốt 12 năm học phổ thông. Càng ngạc nhiên hơn là trước đó, cô Trần từng kể chồng cô mua mấy trăm tệ tiền thuốc chữa ho cho cô. Chúng tôi nói 1 lần, cô phải nói 15 lần, bởi kiểm tra từng đứa một.

Cô đi dự giờ thật. Nghiêm túc với sổ, bút lăm lăm trên tay. Kiên nhẫn, chăm chú tới từng phản ứng của học trò.

Một tuần sau, cô Trần mang đến lớp một hộp găng tay y tế, một bộ hàm giả mua của nha sỹ. Mỗi đứa sẽ bị cô bắt há mồm, dùng ngón tay qua găng chỉ chỗ quặt lưỡi, chỗ miết lưỡi. Mỗi đứa là một găng, vệ sinh tuyệt đối.

Yêu cầu của giáo viên khi đó, là học sinh phải “sử dụng thành thạo những gì được học”. Học sinh phải tự nói được suy nghĩ, quan sát của mình bằng tiếng Hán. Để làm được thế, việc của học sinh hằng ngày là luyện đi luyện lại, và học thuộc nhiều nhất có thể.

“Tư duy bằng ngoại ngữ”, với chúng tôi khi đó, là một khái niệm rất mơ hồ. Các thầy cô đã đưa chúng tôi đến con đường đó, bằng cách: Cho xem một bức ảnh bất kỳ, dựa vào những gì đã được học, mô tả lại bức ảnh đó. Trước khi đến bước ấy, là việc học thuộc tên gọi của mọi thứ trong phòng ký túc, trong lớp học.

Thầy Lục, dạy Nghe nói, giỏi tiếng Việt đến mức nếu không “soi”, thì không ai biết đó là người Trung Quốc. Nhưng trong lớp, thầy tuyệt đối cấm chúng tôi dùng tiếng Việt. Bằng mọi cách, thầy ép chúng tôi phải nói, phải nghe bằng tiếng Hán.

Chúng tôi có vô số kỷ niệm với thầy. Nhưng điều khiến chúng tôi vừa xúc động, vừa biết ơn, đó là câu nói của thầy trong tiết học đầu tiên: “Việc các em học ngoại ngữ thành công hay không thì 70% là do người dạy. Đặc biệt trong giai đoạn mở đầu. Còn khi các em đã vững, các em sẽ phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Đây là lần cuối cùng thầy nói tiếng Việt trong lớp”.

Các thầy cô Trung Quốc khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang thảng thốt khác. Sự chân thành truyền dạy của thầy Lục, cô Trần cùng nhiều thầy cô khác, là động lực khiến chúng tôi trở thành thế hệ đâu tiên của Học viện Tài chính Quảng Tây, hoàn toàn chinh phục giáo trình chỉ trong 2 học kỳ. Đúng như thầy Lục nói, chúng tôi đều thành công với lựa chọn của mình trong giai đoạn học chuyên ngành với Y học, Quản trị kinh doanh, Ngân hàng v.v. Một vài bạn, vì lý do gia đình, phải về nước sau khi kết thúc học ngoại ngữ, cũng có những thành công riêng.

Chúng tôi mãi tự hào vì đã được học với các thầy cô, được thầy cô ân cần bảo ban từ lớp học về đến ký túc xá.

Người Việt nói: “Một chữ cũng là thầy; Nửa chữ cũng là thầy”, hay “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy; Ngày sau khôn lớn ơn dày biển sâu”. Người Trung Quốc nói: “Nhất nhật vi sư; Chung thân vi phụ” (Một ngày làm thầy, cả đời làm cha).

Cả hai quốc gia đều coi trọng sự Học, coi trọng đạo làm Thầy.

Chúng tôi là những trang giấy trắng khi đến Trung Quốc, nhưng được các thầy cô chân thành truyền dạy. Ngoại ngữ là cánh cửa mở ra thế giới mới, mở ra con người mới trong mỗi chúng ta. Quá trình học, là sự cảm nhận, sự rèn giũa. Nói như thầy cô đã dạy chúng tôi: “Các em hãy xem mình như đứa trẻ đang tập nói. Một đứa bé 5 tuổi, chưa biết chủ ngữ, vị ngữ là gì, không biết ngữ pháp là cái chi chi. Tuy nhiên, đứa bé ấy hoàn toàn có thể xem hiểu phim hoạt hình, diễn đạt nhiều thứ xung quanh bằng tiếng mẹ đẻ”.

Hơn 20 năm trôi qua, chúng tôi thấy mình may mắn. Cách học “nghe - bắt chước - phản xạ” ấy đã được nhiều nước sử dụng để học ngoại ngữ từ lâu, vẫn là một thứ xa lạ ở Việt Nam. Nhiều học sinh phổ thông vẫn bắt đầu học ngoại ngữ bằng ngữ pháp và dịch nghĩa, thay vì nghe và nói thật nhiều.

Để rồi dù thay hết bộ sách giáo khoa này đến bộ sách giáo khoa khác, Việt Nam vẫn chưa thể phổ cập được một điều tưởng chừng đơn giản: Học sinh xem xong một bộ phim hoạt hình có thể kể lại nội dung đã xem bằng ngoại ngữ - Điều chỉ cần vài tháng nếu những học sinh ấy được “sống” trong môi trường ngôn ngữ, chính là cách chúng tôi từng trải qua.

Nền giáo dục vẫn mải miết đi tìm thứ đã tồn tại hàng chục năm. Nguyên nhân là vì cách đào tạo giáo viên, thói quen học để thi cử, hay chúng ta vẫn chưa tin rằng sai là bước đầu để đúng?

Phải chăng trước khi nói đến chương trình hay sách giáo khoa, chúng ta cần nghĩ đến những người thầy. Một người thầy truyền cảm hứng, đủ kiên nhẫn và sẵn lòng nhận lỗi về mình có thể tạo nên một thế hệ học trò đi xa hơn cả kỳ vọng.