| Hotline: 0983.970.780

Chủ Nhật 13/04/2025 , 14:02 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 14:02 - 13/04/2025

Sáp nhập tỉnh với tầm nhìn kinh tế hướng biển

Sáp nhập tỉnh có ý nghĩa chiến lược, vừa được Hội nghị trung ương Đảng lần thứ 11 khóa 13 thông qua, với quyết định toàn quốc còn lại 34 tỉnh, thành.

Sáp nhập tỉnh được xác định tinh thần khoa học, đột phá, sáng tạo, bám sát thực tiễn với tầm nhìn xa, trông rộng, ít nhất là 100 năm, bảo đảm hình thành và mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa mới phù hợp cho phát triển đất nước.

Chủ trương sáp nhập tỉnh khi vừa manh nha, đã có những ý kiến xôn xao về tên gọi chung. Nhiều người băn khoăn về việc mất tên một số địa phương đã được hình thành theo chiều dài lịch sử. Thế nhưng, nhìn trên tổng quan, ai cũng thừa nhận tính hợp lý và tính cần thiết của chiến lược sáp nhập tỉnh.

Hiện tại, với 63 tỉnh thành, thì một sự thật là quá nhiều địa phương có diện tích nhỏ hẹp và không đủ điều kiện tự nhiên lẫn chất lượng nhân lực để phục vụ các mục tiêu dài hạn. Sự co cụm mang dấu ấn địa phương, khó tránh khỏi nảy sinh sự trì trệ và sự bảo thủ.

Ngoài những khu vực đặc thù biên giới cần ưu tiên các chính sách đầu tư để giữ dân và giữ đất, thì sáp nhập tỉnh không chỉ tăng cường qui mô hành chính mà còn đa dạng nguồn lực kinh tế cho từng địa phương. Sáp nhập tỉnh cũng giống như ghép cây, không phải đưa nhiều cây về một chỗ, mà kiến tạo môi trường tương tác và hài hòa để phát triển.  

Với 34 tỉnh thành đã đưa vào kế hoạch sáp nhập, một điều cộng đồng dễ dàng nhận ra, đó là tầm nhìn kinh tế hướng biển, phát huy tối đa lợi thế bờ biển dài 3260 km của Việt Nam. Hầu hết địa phương sau sáp nhập đều sẵn sàng cơ hội tận dụng giá trị biển trong giao lưu và hội nhập quốc tế. Nhất là các tỉnh Tây Nguyên được sáp nhập với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, có thể hình thành một vùng trọng điểm khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái, xuất khẩu nông sản và nuôi trồng thủy sản. Cho nên, trước mắt phải tính đến những cung đường kết nối từ đồi núi về đồng bằng, làm sao đảm bảo không gây tổn thương cho các cánh rừng hiện hữu.

Quan trọng hơn, các tỉnh sau khi sáp nhập sẽ giảm thiểu tình trạng cục bộ và được cạnh tranh công bằng. Không còn tỉnh nào còn được phép lấy cớ “thiên nhiên không ưu đãi” để tụt lại phía sau. Đồng thời, dư địa tăng trưởng các ngành nghề ở mỗi tỉnh cũng giải quyết được bài toán lao động, bớt đi tình trạng lao động tha phương đổ dồn về các đô thị lớn.

Trong 6 thành phố trực thuộc trung ương, thì Huế đã có sẵn nét độc đáo trầm mặc cố đô để chọn hướng đi riêng. Còn TP.HCM sau khi cộng thêm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, đích thực có vóc dáng một đại đô thị. Ngoài tam giác biển Cần Giờ - Vũng Tàu - Côn Đảo, thì mạng lưới giao thông cũng phải giải quyết thấu đáo. Không thể đi lại trong cùng một địa phương mà phải dùng ké đường xá của địa phương khác.

Việc hoán đổi vài khu vực giữa Đồng Nai (sau khi sáp nhập Bình Phước) và TP.HCM rất đáng cân nhắc. Nếu đưa Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Xuyên Mộc về Đồng Nai còn Nhơn Trạch, Long Thành về TP.HCM thì thuận lợi cho cả hai địa phương. Bài toán ấy, giúp TP.HCM quán xuyến trục lộ xuyên suốt đại đô thị, và giúp Đồng Nai cũng có biển.