Kinh tế tư nhân sau ngày đất nước thống nhất, chính thức được thừa nhận từ Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty ra đời năm 1990. Qua 35 năm có sự cổ vũ của Nhà nước, kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh. Để củng cố và phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết số 68-NQ/TW vừa được ban hành, trên cơ sở kế thừa Nghị quyết số 10-NQ/TW đã được ban hành ngày 3/6/2017.
Nhìn trên bức tranh tổng thể, kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng đã hình thành những tập đoàn có quy mô quốc tế và xuất hiện nhiều tỉ phú đô la trong bảng xếp hạng Forbes như Phạm Nhật Vượng, Trần Bá Dương, Trần Đình Long, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Đăng Quang… Thế nhưng, hầu hết các gương mặt đại gia Việt Nam đều liên quan đến bất động sản và hàng tiêu dùng, mà chưa có nhân vật tầm cỡ ở lĩnh vực khoa học công nghệ. Vì vậy, Nghị quyết số 68-NQ/TW mong muốn kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Làm sao để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn? Chính Nghị quyết số 68-NQ/TW cũng chỉ rõ những bất cập và hạn chế như công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh chưa được bảo đảm đầy đủ. Đặc biệt, kinh tế tư nhân còn gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, từ vốn, công nghệ đến đất đai, tài nguyên.
Hiện nay có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động trong khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt ra mục tiêu, đến năm 2030 sẽ có 2 triệu doanh nghiệp, và đến năm 2045 sẽ có 3 triệu doanh nghiệp. Nghĩa là, muốn có thêm hàng triệu doanh nghiệp trong thời gian tới, cần có sự hỗ trợ hiệu quả để những hộ kinh doanh được thuận lợi chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.
Bản chất của kinh tế tư nhân luôn năng động và đa dạng. Người Việt Nam có truyền thống cần cù và sáng tạo, vẫn biết cách khéo léo để xoay sở mưu sinh và tích lũy. Trong quan niệm ngũ phúc của người Việt Nam gồm phúc, quý, thọ, khang, ninh thì danh sĩ Nguyễn Trường Tộ (1830-1987) có tư tưởng canh tân từng khẳng định “cách làm cho đất nước mạnh lên là ở chỗ tạo được nhiều của cải”. Cho nên, khi kinh tế tư nhân được xác lập vị trí chủ đạo thì mọi nguồn lực đều huy động để vươn lên giàu có.
Nghị quyết số 68-NQ/TW thể hiện quyết tâm xóa bỏ các rào cản, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh tạo ra bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp tư nhân. Quan trọng hơn là đảm bảo tính minh bạch trong các chính sách ưu đãi, các nguyên tắc kiểm soát, các hình thức giám sát… để triệt tiêu mọi hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp tư nhân.
So với doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều thiệt thòi về cơ hội tăng trưởng. Vì vậy, bên cạnh việc giảm dần những ngành độc quyền liên quan đến đời sống dân sinh, nên tập trung xây dựng các thiết chế hanh thông cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hộ kinh doanh không thể tự tin bước sang mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không bãi bỏ những thủ tục không cần thiết. Giấy phép kinh doanh và giấy phép xuất khẩu các sản phẩm từ doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải được đơn giản hóa. Thậm chí, có thể kiến tạo những khu vực kinh tế tự do được miễn thuế 5 năm hoặc 10 năm, để tạo việc làm cho lao động và khuyến khích ý tưởng đột phá.