Ngày 16/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025.
Năm nay, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa vinh danh 2 công trình khoa học tiêu biểu về tính mới, tính sáng tạo và khả năng ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn, đã được Hội đồng Khoa học chuyên ngành, Hội đồng Giải thưởng xét chọn kỹ lưỡng, khách quan, theo đúng quy trình và tiêu chí đã công bố, là: “Công nghệ hồ treo thu trữ nước vách núi và “Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế”.
Tận dụng vách núi để lưu trữ nước
“Công nghệ hồ treo thu trữ nước vách núi” của nhóm tác giả PGS.TS Vũ Cao Minh (Viện Các Khoa học Trái đất); cố TS. Vũ Văn Bằng (Viện Công nghệ nước và môi trường Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) và KS. Nguyễn Chí Tôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Giang).
Theo PGS.TS Vũ Cao Minh (Viện Các Khoa học Trái đất), tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước tưới ở các vùng núi cao luôn là bài toán nan giải nhiều thập kỷ qua. Đặc biệt, với địa hình hiểm trở, điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến cho việc dẫn nước, khoan giếng hay xây hồ chứa truyền thống gặp nhiều khó khăn, chi phí cao và thiếu tính bền vững.
Trong bối cảnh đó, nhóm tác giả đã phát triển một công nghệ độc đáo - hồ treo thu trữ nước vách núi - sử dụng chính địa hình dốc cao để thu gom và tích trữ nước mưa trong mùa ẩm, cung cấp nước cho sinh hoạt và canh tác trong mùa khô.

Lãnh đạo Chính phủ và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chúc mừng các nhà khoa học đoạt Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2025. Ảnh: Thu Hằng.
Đây có thể coi là công trình kết tinh từ tâm huyết và thực tiễn gắn bó với đồng bào vùng cao. Công nghệ hồ treo vách núi được thiết kế và triển khai nhằm thu và trữ nước mưa tại các khu vực địa hình hiểm trở, nơi thiếu nước sinh hoạt và sản xuất kéo dài. Với cấu trúc đặc biệt, tiết kiệm chi phí và phù hợp địa hình núi đá, giải pháp này giúp ổn định đời sống người dân, phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời góp phần gìn giữ văn hóa và sinh kế của các cộng đồng dân tộc thiểu số.
GS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá, đây là một công trình nghiên cứu, ứng dụng có ý nghĩa đặc biệt đối với vùng núi cao, giúp giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ở các khu vực địa hình hiểm trở, qua đó góp phần ổn định đời sống, phát triển nông nghiệp và giữ gìn bản sắc văn hóa vùng cao.
Đặc biệt, hiện nay đã có hơn 100 hồ treo và công trình vẫn tiếp tục phát triển, giúp khắc phục việc thiếu nước sạch cho đồng bào vùng cao như ở Đồng Văn (Hà Giang), góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, giáo dục.
Làm chủ công nghệ tủ điện trung thế
Giải thưởng còn trao cho công trình “Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế” của nhóm tác giả: Phạm Đình Thắng, Đoàn Kỳ Bá, Bùi Văn Đam (Công ty Cổ phần Kỹ thuật Công nghiệp Á Châu).
Trong bối cảnh quá trình chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu về thiết bị điện, đặc biệt là tủ điện trung thế phục vụ các nhà máy, khu công nghiệp, hệ thống điện quốc gia là rất lớn. Tuy nhiên, phần lớn các thiết bị này vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, chi phí cao và khó kiểm soát về kỹ thuật, đặc biệt khi vận hành trong môi trường khí hậu nồm ẩm của Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu và phát triển thành công hệ thống tủ điện trung thế, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Đây là công trình mang tính đột phá trong lĩnh vực công nghiệp - điện lực, với mục tiêu làm chủ công nghệ sản xuất tủ điện trung thế tại Việt Nam, tiến tới nội địa hóa thiết bị, giảm chi phí đầu tư và giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Không chỉ góp phần hiện đại hóa ngành điện, công trình còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường công nghệ cao, mở ra nhiều triển vọng trong việc phát triển hạ tầng công nghiệp quốc gia.
Giải thưởng Trần Đại Nghĩa được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thành lập từ năm 2015 nhằm tôn vinh các công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, đã được triển khai ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn tại Việt Nam. Các công trình đoạt giải không chỉ có giá trị học thuật, mà còn góp phần trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp bách, cụ thể của đất nước - từ nông nghiệp, tài nguyên, môi trường đến năng lượng, y tế...
Đến nay, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa đã trở thành một trong những giải thưởng khoa học uy tín tại Việt Nam, được cộng đồng khoa học đánh giá cao.
Đặc biệt, sau 10 năm thành lập với 4 kỳ tổ chức và 8 công trình tiêu biểu được vinh danh, năm nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức công nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ nhãn hiệu theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
Điều này ghi nhận giá trị pháp lý và uy tín của Giải thưởng, có ý nghĩa lan tỏa trong cộng đồng khoa học và ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là động lực để các nhà khoa học tiếp tục giữ vững chất lượng, minh bạch và khách quan trong suốt quá trình tổ chức và xét chọn.