* Mỗi năm nông dân chỉ làm ruộng có 20 ngày
Chúng tôi tìm về Tân Hoà để gặp chị Phượng. Theo chị thì vụ chiêm xuân này mỗi sào ruộng của Tân Hoà có năng suất bình quân 220kg thóc, quy ra tiền là 1,1 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí và đóng góp, còn 395.000 đồng. Mỗi khẩu ở Tân Hoà được 1,5 sào ruộng canh tác, nếu không gặp phải thiên tai, dịch bệnh thì thu nhập nửa năm của mỗi người dân là 592.500 đồng, chia cho 180 ngày, mỗi ngày công được 3.439 đồng, quy ra gạo theo giá chợ, số tiền đó tương đương với khoảng…0,4 kg.
Nửa năm còn lại thu nhập còn thấp hơn vì năng suất lúa vụ mùa luôn kém vụ chiêm. Với những hộ không có sức lao động, phải cho thuê ruộng như bà Nhung- 76 tuổi, hàng xóm nhà chị Phượng chẳng hạn, còn không được thế. Hai ông bà có 3 sào ruộng (ông đã mất). Do không con cái nên hiện bà sống độc thân liền đem 3 sào ruộng cho thuê, người thuê trả 40kg thóc/sào/vụ, nhưng chủ ruộng phải chịu mọi đóng góp, mất đứt một nửa. Tính ra mỗi năm bà còn được 120kg thóc, nếu quy ra tiền rồi chia cho 365 ngày thì mỗi ngày bà chỉ có…1.070 đồng, tương đương 0,15 kg gạo chợ. Do thu nhập thấp như vậy nên ở Tân Hoà không ít người bỏ ruộng, thậm chí số bỏ ruộng ngày càng nhiều…
Thế nhưng khi chúng tôi về một số vùng nông thôn khác, có điều kiện cũng tương đương như Tân Hoà, thì mọi việc...khác hẳn. Rất nhiều người không tán thành với cách tính toán của chị Phượng. Họ đều lắc đầu khi được chúng tôi cho xem bản hạch toán trên một sào ruộng của chị, cho là cách tính toán ấy không đúng. Ông Khoa ở Vũ Trung (Kiến Xương, Thái Bình) bảo:
- Nói đến ngày công, giá trị ngày công thì người nông dân phải làm lụng thật sự, làm đúng quy định về thời gian lao động trong ngày chứ không thể gần tối vác cuốc ra đồng cũng tính một công. Để tôi tính cho nhà báo nghe: Chỉ cần có sức khoẻ trung bình thôi, thì nếu có sức kéo (trâu hay bò), một người nông dân một ngày có thể cả cày lẫn bừa bay một sào ruộng. 1,5 sào mất 1,5 ngày. Không có sức kéo, thì anh ta cuốc, dẫm cho nhuyễn ra để cấy, một sào ruộng chỉ mất 2 ngày. 1,5 sào gọi cho ba ngày. Cả gieo mạ, nhổ mạ, cấy một sào rưỡi, 3 ngày nữa. Nếu sẵn mạ, một chị cấy khoán một ngày cấy bay sào rưỡi, hai sào. Gặt, một ngày rưỡi cho 1,5 sào. Còn như tháo nước vào ruộng, làm cỏ, bón phân, phun thuốc sâu…là những việc lặt vặt, tính gộp lại khoảng 2 ngày nữa là cùng.
Tính chi tiết, suất ruộng mỗi vụ chỉ làm 8 ngày. Nếu không có sức kéo thì chín ngày rưỡi. Sào ruộng vụ này bình quân 2,2 tạ. 1,5 sào được 3,3 tạ. Giá thóc thị trường bình quân 6.000 đ/kg chứ không phải là 5.000 như bà Phượng tính đâu. 3,3 tạ được 1.980.000 đồng. Bây giờ thuỷ lợi phí đã miễn, chỉ còn lại một số khoản đóng góp lặt vặt và giống, phân bón, thuốc trừ sâu…tổng các khoản cho mỗi sào khoảng 300 ngàn. 1,5 sào mất 450 ngàn, cứ gọi hẳn cho là 500 ngàn đi. Còn 1.480.000 đ, đem chia cho 8 hay 9,5 ngày công. Mỗi ngày trên trăm ngàn chứ đâu có ít. Đem tổng thu trừ tổng chi rồi chia cho 180 ngày (thời gian một vụ lúa) thì không ổn. Bởi trong 180 ngày ấy, thì có tới trên dưới 170 ngày chơi…
Chị Mão ở Mỹ Phúc (Mỹ Lộc, Nam Định) quả quyết :
- Các khoản phải đóng góp, giống, phân bón… trừ đi thì đúng rồi. Nhưng còn tiền công cấy, công gặt, công cày bừa cũng trừ cả đi thì vô lý. Cả tiền thuốc BVTV mà chị Phượng tính những 70 ngàn cho mỗi sào, là tính cả tiền công phun thuốc vào đó nữa, chứ độc thuốc, làm gì đến thế? Cày bừa, cấy gặt, phun thuốc trừ sâu…mà đi thuê tất, thế thì người nông dân làm gì? Chả nhẽ ngày ngày chắp tay sau lưng, đi ra ruộng thăm lúa một tý, mất độ một tiếng đồng hồ, cũng được coi là một ngày công ư?
"Nhà em có 6 sào ruộng. Mẹ goá con côi, em đàn bà không cày bừa được nên bắt buộc phải thuê. Sáu sào thuê cày bừa mất 600 ngàn, tiếc đứt cả ruột. Còn vạc bờ cuốc góc, cấy, gặt, làm cỏ, trừ sâu… em đều làm tất. Có sâu, mỗi sào chỉ cần một bình thuốc. Sáu bình, phun nửa buổi sáng là xong. Ba đợt phun thuốc, chưa đến một ngày. Cấy, gặt thì đổi công với hàng xóm. Thế mà mỗi vụ, cũng chỉ làm tổng cộng một tháng rưỡi là cùng. Bốn tháng rưỡi còn lại, nói thật với nhà báo, không có việc làm, chỉ những ra ngẩn vào ngơ. Chơi mà túng thiếu, khổ lắm, cực lắm." - Chị Mão ở Mỹ Phúc- Mỹ Lộc- Nam Định
Có thể nói, cách nhìn nhận và tính toán về giá trị của một ngày công làm ruộng của những người nông dân trên là đúng đắn, khách quan: làm ruộng là phải làm thực sự, làm ruộng phải có nghề. Một gia đình nông thôn ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, gồm bố mẹ và hai con, được trên dưới sáu, bẩy sào ruộng, chỉ cần một người mẹ hay người bố làm trên một tháng là xong từ cày bừa cho đến thóc vào bồ. Còn nếu cả nhà cùng làm, thì chỉ mất độ một tuần. Nghĩa là cứ mỗi gia đình hiện nay ở nông thôn có 4 người, thì ba người thất nghiệp hoàn toàn, người thứ tư thất nghiệp hơn 4 tháng trong mỗi vụ. Và đó mới chính là căn nguyên sự nghèo đói ở nông thôn, căn nguyên của những dòng người nông thôn đổ ra thành phố.
Nếu như trên dưới 170 ngày còn lại trong mỗi vụ ấy, họ có việc làm, chỉ cần thu nhập mỗi ngày năm chục, thậm chí ba chục ngàn thôi, thì đời sống nông thôn, bộ mặt nông thôn đã khác hẳn. Cũng chính vì thiếu việc làm mà ở không ít vùng nông thôn bây giờ, cơ giới gần như vắng bóng. Người ta không thuê máy cày máy bừa nữa mà trở lại nuôi trâu bò, để vừa có sức kéo làm ruộng, khỏi mất tiền thuê. Vụ gặt vừa rồi, về quê, tôi rất ngạc nhiên thấy mấy bố con ông anh họ đang trần lưng trục lúa bằng trục đá, thứ đồ vật tưởng đã bị đập nung vôi từ hàng chục năm nay rồi, từ ngày có máy tuốt. Bố kéo, hai con đủn. Anh cười buồn :
- Những vụ trước, mỗi thúng thóc phải trả công cho máy tuốt ba lạng thóc. Năm nay xăng dầu lên, lại trượt giá. Mỗi thúng nó lấy sáu lạng. Sào ruộng mất đứt ba chục bạc. Nhà này một mẫu, mất cứng ba trăm. Giá như có việc khác, kiếm ra tiền, thì ba trăm bạc bõ bèn gì. Mất tiền thuê mà cả nhà chơi không, thì phải làm lấy chứ sao…