Tại Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề “Giải pháp mở rộng thị phần trong bối cảnh chiến tranh thương mại”, do Báo Sài gòn Giải phóng phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (HIDS) tổ chức ngày 21/5, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định: “Mở rộng thị trường không còn là chiến lược dài hạn, mà là điều kiện bắt buộc nếu doanh nghiệp Việt muốn tồn tại và phát triển trong thời kỳ cạnh tranh toàn diện”.
Theo ông Phạm Bình An, thế giới đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc chuỗi cung ứng quy mô lớn do ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Xu hướng “friendshoring” và “nearshoring” đang khiến các doanh nghiệp quốc tế dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, mở ra cơ hội cho các quốc gia như Việt Nam.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hùng.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội là những rủi ro hiện hữu. Nhiều doanh nghiệp Việt bị nghi ngờ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa để né thuế, dẫn đến nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại. Cùng với đó, các doanh nghiệp nội địa vẫn còn lép vế trước khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Thực tế, số liệu quý I/2025 cho thấy, Việt Nam xuất siêu hơn 43 tỷ USD sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn kim ngạch này lại đến từ khu vực doanh FDI, đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, gỗ, thủy sản. Nguyên nhân chính là doanh nghiệp nội địa thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế do hạn chế về công nghệ, quy trình quản lý và sự hỗ trợ pháp lý.
Điều này tạo ra “điểm nghẽn” lớn trong việc nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt trên thị trường xuất khẩu toàn cầu. Nếu không nhanh chóng cải thiện, doanh nghiệp nội địa sẽ tiếp tục bị bỏ lại phía sau trong cuộc chơi thương mại quốc tế.

Mở rộng thị trường giúp doanh nghiệp giảm rủi ro trước biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Hà Duyên.
Trước những thách thức nêu trên, ông Phạm Bình An cho rằng, để mở rộng thị trường một cách hiệu quả và bền vững, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tuân thủ và truy xuất nguồn gốc. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống quản lý chất lượng, truy xuất chuỗi cung ứng, đồng thời áp dụng các chứng nhận quốc tế như FSC (ngành gỗ), HACCP (thực phẩm), WRAP (dệt may)…
Về thị trường, doanh nghiệp nên phân loại thị trường theo nhóm: Thị trường bảo hộ cao (như Mỹ, EU): cần đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt và thị trường tiềm năng (Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi) để đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Đồng thời, tận dụng các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, RCEP…
Ngoài ra, các Nghị quyết 57, 59, 66, đặc biệt là Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đang mở ra những hành lang pháp lý mới về chuyển đổi số, cải cách thể chế và hội nhập quốc tế – đây là cơ hội mà doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt.
Cùng với đó, doanh nghiệp Việt cần chuyển từ gia công sang xây dựng thương hiệu riêng (OBM). Làm chủ thiết kế, sáng tạo, chất lượng sản phẩm sẽ giúp nâng tầm chuỗi giá trị, giảm sự lệ thuộc vào đối tác nước ngoài. Đồng thời, liên kết các doanh nghiệp để tạo thành hệ sinh thái bền vững.
“Chúng ta không thể mở rộng thị phần nếu tiếp tục đi một mình. Doanh nghiệp cần liên kết với nhau, phối hợp cùng cơ quan quản lý và hiệp hội ngành nghề để tạo thành hệ sinh thái cạnh tranh lành mạnh và bền vững”.
Đồng quan điểm, bà Lý Kim Chi nhấn mạnh, doanh nghiệp cần tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường truyền thống. Cần tìm kiếm và mở rộng thị trường ngách, thị trường halal để ứng phó với chính sách thuế quan ngày càng phức tạp.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử cũng được các chuyên gia xem là giải pháp sống còn để giảm chi phí, tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, mở rộng kênh phân phối, đặc biệt với mô hình B2B.