Đó là nội dung được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh tại buổi Tọa đàm chuyên đề “Xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ” do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Hoạt động xuất khẩu vẫn chưa đồng đều giữa các sản phẩm và thị trường, trong khi những bất ổn thuế quan từ phía Hoa Kỳ vẫn tiếp tục gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Ảnh: Minh Sáng.
Doanh nghiệp đối mặt thách thức thuế quan
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), riêng trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 850,5 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu vẫn chưa đồng đều giữa các sản phẩm và thị trường, trong khi những bất ổn thuế quan từ phía Hoa Kỳ vẫn tiếp tục gây áp lực và thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Tôm và cá tra là hai mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Trong năm 2024, xuất khẩu tôm đạt 755 triệu USD (chiếm 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm), cá tra đạt 334 triệu USD (chiếm 17,8%).
Việc Hoa Kỳ áp thuế 10% trong 90 ngày, cao hơn nhiều so với mức hiện nay chỉ hơn 2% thì sẽ ảnh hưởng khá lớn. Nhất là nếu mức thuế tăng lên 15%, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt khi Việt Nam đang chịu mức thuế cao hơn gấp đôi so với các đối thủ như Ấn Độ hay các nước Nam Mỹ.

Thông tin về khả năng áp thuế đối ứng 46% khiến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam rất lo ngại. Ảnh: Minh Sáng.
Ông Trần Minh Trí, đại diện Công ty CP Thủy Đặc sản, cho biết: “Thông tin về khả năng áp thuế đối ứng 46% khiến doanh nghiệp chúng tôi rất lo ngại. Với mức thuế như vậy, hầu như không doanh nghiệp nào có thể trụ vững. Chúng tôi mong Chính phủ sớm đàm phán với Hoa Kỳ để đảm bảo môi trường thương mại công bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh và phát triển bền vững”.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Ngô Viết Hoài cũng khẳng định, từ năm 2004 đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu tôm và cá biển sang thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận ngành thủy sản vốn rất thấp, hiếm khi đạt đến 10%, nên chỉ riêng mức thuế đối ứng 10% đã là thách thức lớn. “Nếu thuế bị nâng lên 20%, trong khi các nước khác hưởng thuế suất thấp hơn hoặc bằng 0%, thì doanh nghiệp Việt Nam gần như không thể cạnh tranh. Còn trường hợp thuế tăng tới 46%, khả năng cao hoạt động xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ bị đình trệ hoàn toàn. Doanh nghiệp chúng tôi sẽ phải tự thích ứng và cứu mình trước khi chờ được cứu”, ông Hoài nhấn mạnh.
Theo ông Hoài, trước mắt doanh nghiệp sẽ rà soát lại toàn bộ chi phí, tăng cường tiết kiệm điện, nước và tối ưu quy trình sản xuất để giảm giá thành. Tuy nhiên, có nhiều chi phí nằm ngoài khả năng kiểm soát, như thuế, chính sách hoàn thuế, thủ tục hành chính... Đặc biệt, tình trạng hoàn thuế chậm đang đẩy doanh nghiệp vào cảnh thiếu vốn, buộc phải vay ngân hàng với lãi suất cao.

Theo kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần sớm xây dựng các chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân về kỹ năng quản trị, kinh doanh số và thích ứng với môi trường thương mại toàn cầu. Ảnh: Minh Sáng.
Ông Hoài cũng bày tỏ lo ngại khi ngành thủy sản trong nước vẫn còn tình trạng chuyển đổi số rất chậm, trong khi tại nhiều nước phát triển như Đức, hầu như không còn doanh nghiệp nào chưa số hóa. “Muốn tồn tại và phát triển, ngành thủy sản Việt Nam buộc phải tái cấu trúc theo hướng hiện đại, trong đó chuyển đổi số là yếu tố sống còn”. Ông kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường cần sớm xây dựng các chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân về kỹ năng quản trị, kinh doanh số và thích ứng với môi trường thương mại toàn cầu.
Chủ động ứng phó, giữ vững xuất khẩu
Trước khả năng Hoa Kỳ áp thuế bổ sung với nhiều mặt hàng nhập khẩu, trong đó có nông, lâm, thủy sản Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ bị ảnh hưởng đến hợp đồng, chi phí và thị phần xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Hoa Kỳ những năm gần đây duy trì ở mức trên 13 tỷ USD/năm, trong khi nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD. Ảnh: Hoàng Long.
Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, cần khẩn trương cải thiện logistics, thủ tục hải quan để rút ngắn thời gian giao hàng trong 1 đến 3 tháng tới, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động phối hợp với đối tác Hoa Kỳ để xử lý hợp đồng đã ký kết, chia sẻ trách nhiệm khi bị áp thuế và kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ để tránh cáo buộc gian lận thương mại. Về lâu dài, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, ưu tiên các nước đã ký FTA với Việt Nam như Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE...
Theo ông Phong, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Hoa Kỳ những năm gần đây duy trì ở mức trên 13 tỷ USD/năm, trong khi nhập khẩu khoảng 3 tỷ USD. Riêng quý I/2025, xuất khẩu đạt 3,21 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ, với các mặt hàng chủ lực gồm gỗ, tiêu, điều, thủy sản, cà phê và rau quả.
Dù mức thuế đối ứng có thể lên tới 46%, nhưng sẽ được áp theo từng nhóm hàng. Do đó, cần phân tích kỹ biểu thuế dự kiến để có giải pháp phù hợp, giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu và ổn định ngành nông nghiệp năm 2025.
Các chuyên gia cũng nhận định, Việt Nam cần ưu tiên ba mục tiêu trọng tâm, như giảm thiểu tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các mặt hàng chủ lực; giữ ổn định chuỗi cung ứng trong nước; duy trì niềm tin của nhà đầu tư thông qua đối thoại minh bạch, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế. Sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp sẽ là chìa khóa để vượt qua thách thức thuế quan lần này.

Các doanh nghiệp kiến nghị, Chính phủ sớm đàm phán với Hoa Kỳ để đảm bảo môi trường thương mại công bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh và phát triển bền vững. Ảnh: CTV.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ đang phục hồi tích cực, đạt 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ 2024, tiếp tục là ngành hàng chủ lực cần được quan tâm. Bộ đã giao VASEP phối hợp doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, tổ chức xúc tiến thương mại và đối thoại nhằm tháo gỡ rào cản kỹ thuật.
Thứ trưởng kêu gọi doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và liên kết mở rộng thị trường. Bộ sẽ tiếp thu các kiến nghị và đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển ngành thủy sản bền vững.
Các doanh nghiệp kiến nghị, cần đảm bảo nguyên tắc công bằng trong chính sách thuế toàn cầu, tránh tình trạng áp dụng mức thuế phân biệt giữa các quốc gia, có thể sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Trong bối cảnh đó, với vai trò là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, thủy sản Việt Nam vẫn đang có tín hiệu phục hồi tích cực tại nhiều thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ.