Theo đó, tháng 4 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đặc biệt nhờ các chương trình kích cầu tiêu dùng hiệu quả trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Kết quả, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính đạt 76,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,1% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2024.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội công bố báo cáo về tình hình tuyển dụng và nhu cầu tìm kiếm việc làm của lao động tháng 4/2025. Ảnh: Hoài Thơ.
Cùng với đó, ngành du lịch lữ hành cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực, tạo đà thuận lợi cho mùa cao điểm hè 2025. Các hoạt động quảng bá du lịch Thủ đô đã thu hút sự quan tâm lớn, với lượng khách du lịch ước đạt 713.000 lượt người, tăng 4,1% so với tháng trước và 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt khác, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn đối với các ngành sản xuất công nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ (dệt may, điện tử, đồ gỗ...). Do chính sách thuế quan mới có thể làm giảm sức cạnh tranh, thu hẹp đơn hàng, buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh quy mô sản xuất, đe dọa việc làm của người lao động, dẫn đến giảm nhu cầu tuyển dụng mới, cắt giảm giờ làm, thậm chí là sa thải lao động.
Dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng trong tháng 4 là ngành thương mại, dịch vụ, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số vị trí cần tuyển. Trong đó, nhóm ngành hoạt động dịch vụ khác tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất với 61,53%, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 12,7%, xây dựng chiếm 12,2% và giáo dục đào tạo chiếm 4,4%.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có xu hướng tập trung tuyển dụng các vị trí phổ biến như: nhân viên bán hàng, thu ngân, nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng và kỹ thuật viên lắp đặt, bảo trì dịch vụ.
Về phía người lao động, nhu cầu tìm kiếm việc làm trong tháng 4 tập trung vào các nhóm nghề không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như thợ lắp ráp và vận hành máy móc, thiết bị (27%), lao động giản đơn (21,5%) và nhân viên trợ lý văn phòng (12,7%).
Đáng chú ý, phần lớn người tìm việc có trình độ chưa qua đào tạo (41,6%), hướng đến các công việc như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng. Nhóm công nhân kỹ thuật không có bằng cấp chiếm tỷ lệ 29%, tìm kiếm việc làm ở các vị trí như công nhân lắp ráp linh kiện, thợ cơ khí, thợ xây dựng.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đưa ra cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn đối với việc làm của người lao động trong các ngành sản xuất công nghiệp. Ảnh: Hoài Thơ.
Về công tác hỗ trợ, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong tháng 4, trung tâm đã tiếp nhận 7.297 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN (tăng 2.300 trường hợp so với tháng trước). Thẩm định và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 6.175 trường hợp với số tiền hỗ trợ 223 tỷ đồng, tăng 1.740 hồ sơ so với tháng trước.
Đáng chú ý, số hồ sơ nộp qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia chiếm phần lớn (5.013 hồ sơ). Bên cạnh đó, Trung tâm đã tích cực tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho hơn 3,6 nghìn người và hỗ trợ học nghề cho 93 người với kinh phí 359 triệu đồng.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội dự báo thị trường lao động Hà Nội trong thời gian tới có thể tăng trưởng chậm lại do tác động tiêu cực từ nhiều yếu tố bất lợi về kinh tế, xã hội trong khu vực và trên toàn cầu.
Tuy nhiên, một số ngành có nhu cầu nhân lực cao như y tế, chăm sóc sức khỏe tăng trưởng 4%; công nghệ thông tin tăng 3,5%; dịch vụ du lịch, lữ hành tăng 5%. Điều này cho thấy sự phân hóa trong nhu cầu nhân lực giữa các ngành kinh tế của Thủ đô.