| Hotline: 0983.970.780

Vượt rào cản kỹ thuật, nông sản Việt chinh phục thị trường Thái Lan

Thứ Năm 22/05/2025 , 13:18 (GMT+7)

Theo Đại diện Tập đoàn Central Retail Việt Nam, các mặt hàng Việt Nam như hải sản, khoai lang, thanh long, cà phê, gia vị... có tiềm năng lớn tại thị trường Thái Lan.

Việt Nam có thế mạnh về các loại gia vị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Việt Nam có thế mạnh về các loại gia vị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Quan hệ kinh tế Việt Nam - Thái Lan đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành trụ cột quan trọng trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước. Với lợi thế vị trí địa lý gần, hệ thống hạ tầng kết nối qua các hành lang kinh tế Đông - Tây và phía Nam, hai quốc gia đã tận dụng tốt để thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư và logistics.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết, trong quý I/2025, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5,17 tỷ USD, tăng 8,36% so với cùng kỳ năm trước. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch lên 25 tỷ USD vào năm 2025, hướng tới thương mại cân bằng và phát triển bền vững.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương phối hợp  ITPC, và Central Retail Việt Nam đã tổ chức chương trình "Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan". Chương trình đã giúp gần 500 doanh nghiệp Việt tiếp cận người tiêu dùng Thái qua hệ thống phân phối của Central Group. Đặc biệt, năm 2024, “Tuần hàng Việt Nam” lần đầu được tổ chức tại tỉnh Udon Thani - nơi có đông đảo kiều bào Việt Nam sinh sống, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm như nông sản, thực phẩm chế biến, trà, cà phê, thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng…

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Central Retail Việt Nam nhận định, thị trường Thái Lan rất tiềm năng nhưng cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe về chất lượng, nhãn mác, bao bì và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng tại đây. Bà Bích Vân cũng cho biết, hiện tập đoàn đang xúc tiến nhập khẩu vải thiều Việt Nam vào Thái Lan đúng vào mùa thu hoạch. Đây là cơ hội lớn cho trái cây tươi Việt tiếp cận sâu hơn vào thị trường này, với điều kiện sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch thực vật, và đóng gói đúng quy cách.

Với những yêu cầu ngày càng cao từ thị trường Thái Lan, doanh nghiệp Việt không thể tiếp cận theo cách làm truyền thống. Cần có sự đầu tư bài bản từ nghiên cứu thị trường, cải tiến chất lượng, chuẩn hóa bao bì đến việc xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả.

Sự chủ động và thích ứng nhanh của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định để hàng Việt không chỉ vượt rào cản kỹ thuật mà còn tạo dựng được vị thế vững chắc tại Thái Lan, một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam trong khu vực ASEAN.

Việc mở rộng kênh xuất khẩu nông sản sang Thái Lan không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, đúng với định hướng của cả hai quốc gia trong chiến lược tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Theo ông Đỗ Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển P&K, hiện nay, người tiêu dùng Thái Lan ngày càng quan tâm đến sản phẩm thiên nhiên, tốt cho sức khỏe, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Là doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, ông mong muốn được kết nối với các đối tác Thái Lan, đặc biệt là trong việc hợp tác nông sản, trái cây, thảo dược, cũng như gia công sản phẩm mang thương hiệu riêng.

Ông Chailermchai Pornsiripiyakool, Phó Chủ tịch phụ trách Đối ngoại Quốc tế và Phát triển bền vững Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, các sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, thân thiện môi trường sẽ được ưu tiên phân phối vào hệ thống Central tại Thái Lan. Trong đó, một số mặt hàng Việt có tiềm năng cao tại Thái Lan bao gồm: hải sản, khoai lang, thanh long, cà phê, nước sốt và gia vị.

Vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng sản lượng, các doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý như giấy phép nhập khẩu thực phẩm từ FDA Thái Lan; chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; bảng thành phần, COA; hình ảnh bao bì; nhãn phụ bằng tiếng Thái (dán tại kho, nhà máy hoặc thông qua công ty logistics).

Xem thêm
Thêm 829 mã vùng trồng, 131 mã đóng gói sầu riêng được Trung Quốc chấp thuận

Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) chính thức công nhận thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam.

Ngành thương mại, dịch vụ đứng đầu nhu cầu tuyển dụng tháng 4/2025

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vừa công bố báo cáo về tình hình thị trường lao động tháng 4/2025, dự báo về nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới.

GrowMax được vinh danh vì những đóng góp xuất sắc cho KHCN Việt Nam

Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, GrowMax được vinh danh nhờ các sản phẩm thức ăn chức năng Specific TPD và quy trình nuôi tôm tuần hoàn nước - an toàn sinh học.

Thao túng tài sản mã hóa có thể bị phạt tới 2 tỷ đồng

Lần đầu tiên, Bộ Tài chính đề xuất đưa đối tượng này vào diện xử phạt hành chính, nhằm kiểm soát rủi ro và tạo nền tảng pháp lý cho thị trường đang thí điểm.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Đề xuất thuế TTĐB nước giải khát có đường: Cần đánh giá tác động đa chiều

Việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tạo ra tranh luận về mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ảnh hưởng kinh tế, xã hội.