| Hotline: 0983.970.780

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Thứ Ba 07/01/2025 , 13:11 (GMT+7)

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Lực lượng chức năng thị xã An Nhơn (Bình Định) kiểm tra thịt gia súc, gia cầm bán tại chợ. Ảnh: V.Đ.T.

Lực lượng chức năng thị xã An Nhơn (Bình Định) kiểm tra thịt gia súc, gia cầm bán tại chợ. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở giết mổ động vật tập trung đang hoạt động. Trong đó có 4 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cơ giới với công suất thiết kế từ 400 - 500 con heo, 30 con bò và 2.000 con gia cầm/ngày đêm. Bên cạnh đó, trên địa bàn Bình Định còn có 2 cơ sở giết mổ gia cầm bán cơ giới, hoạt động chủ yếu ở thành phố Quy Nhơn và thị xã An Nhơn, trong đó cơ sở tại thị xã An Nhơn hoạt động theo mùa vụ.

Các cơ sở giết mổ tập trung này chủ yếu giết mổ gia súc, gia cầm ở thành phố Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và huyện Tuy Phước, các địa phương như huyện Phù Cát và thị xã Hoài Nhơn hiện đã có nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung đang hoàn thiện thủ tục. Các địa phương khác chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung đã được UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo tiếp tục xây dựng trong năm 2025.

Cũng theo ông Diệp, hiện trên địa bàn Bình Định vẫn còn tồn tại hơn 400 điểm và cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chủ yếu phân bố ở các khu vực nông thôn tại các địa phương chưa xây dựng được cơ sở giết mổ động vật tập trung.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo ngành chức năng tiến hành rà soát, lựa chọn một số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ để nâng cấp, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và thiết bị.

Đồng thời, các địa phương cũng được tỉnh Bình Định khuyến khích hình thành các nhóm hoặc tổ hợp tác để đưa các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ có tổ chức. Bên cạnh đó, lực lượng thú y các địa phương cũng sẽ tăng cường kiểm soát và giám sát hoạt động giết mổ.

Gà mổ tại cơ sở giết mổ động vật tập trung được đóng dấu kiểm dịch. Ảnh: V.Đ.T.

Gà mổ tại cơ sở giết mổ động vật tập trung được đóng dấu kiểm dịch. Ảnh: V.Đ.T.

Trong năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định đã thành lập tổ kiểm tra, đánh giá, xếp loại để quản lý 258 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Đối với 5 huyện chưa mời gọi được nhà đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung gồm An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn, Phù Mỹ, Chi cục phối hợp cùng ngành chức năng địa phương kiểm tra 131 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tiến hành ký cam kết giết mổ đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y theo quy định của Bộ NN-PTNT.

Để ngăn chặn tình trạng sản phẩm động vật kém chất lượng lọt vào thị trường từ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Sở NN-PTNT Bình Định đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ buôn bán thịt.

Trong năm, Chi cục đã thu thập 70 mẫu thịt heo tại các cơ sở giết mổ và chợ để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm chất cấm Salbutamol, kháng sinh Chloramfenicol, tổng số vi khuẩn hiếu khí và Coliform.

Cán bộ thú y thị xã An Nhơn (Bình Định) đóng dấu kiểm dịch thịt heo được mổ ở cơ sở giết mổ động vật tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

Cán bộ thú y thị xã An Nhơn (Bình Định) đóng dấu kiểm dịch thịt heo được mổ ở cơ sở giết mổ động vật tập trung. Ảnh: V.Đ.T.

“Kết quả kiểm tra cho thấy tất cả mẫu thịt đều âm tính với chất cấm Salbutamol và dư lượng kháng sinh Chloramfenicol, đồng thời các chỉ số vi sinh đều nằm trong ngưỡng cho phép”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định chia sẻ.

Cũng theo ông Diệp, trước Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT Bình Định đề nghị các địa phương thành lập các tổ kiểm tra liên ngành để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán và giết mổ động vật, đặc biệt tại các cơ sở giết mổ và các chợ.

Xem thêm
Tăng hiệu suất sử dụng đất nhờ mô hình trại lợn nhiều tầng

Dù mức đầu tư cao hơn 1,5 - 1,8 lần bình thường, mô hình trại lợn nhiều tầng cho thấy hiệu quả vượt trội khi giúp tăng hiệu suất sử dụng đất từ 4–10 lần.

Triển vọng phát triển 3.000ha cây gai xanh tại Quảng Trị

Cây gai xanh AP1 trồng thử nghiệm tại Quảng Trị phát triển tốt, mang lại tín hiệu khả quan.

Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ canh tác sầu riêng

ĐẮK LẮK Chiều 12/5, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk ký hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong canh tác sầu riêng.

Tối ưu vận hành liên hồ chứa bằng công nghệ và dữ liệu

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm và biến động khó lường, ngành thủy lợi chủ động tái cấu trúc cách thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu.

'Hồi sinh' giống lúa mùa đặc sản quý hiếm

LONG AN Từ những dòng gen sót lại trên vùng trũng nhiễm phèn ở vùng biên giới Long An, các nhà khoa học phục tráng thành công giống lúa huyết rồng bản địa quý hiếm.

Tuần biển cùng Kiểm ngư Quảng Bình

Quảng Bình Có dịp tuần biển cùng Kiểm ngư Quảng Bình, sẽ thấy, không chỉ tuần tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, họ còn là người đồng hành tin cậy với ngư dân

Thiếu hành động quyết liệt, rừng đặc dụng vẫn là 'bãi săn' động vật hoang dã

Đại diện các ban quản lý rừng đặc dụng ưu tiên siết chặt kiểm soát bẫy bắt, thiết lập quy định chăn thả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và quản lý cộng đồng.