| Hotline: 0983.970.780

Có trường đại học chạm ngưỡng học phí 130 triệu đồng/năm

Thứ Hai 12/05/2025 , 15:26 (GMT+7)

Một số trường giữ nguyên hoặc chỉ điều chỉnh nhẹ học phí, trong khi nhiều ngành đào tạo đặc thù tại các trường tư thục, quốc tế tăng mạnh trong năm học 2025-2026.

15 trường đại học tại Hà Nội vừa công bố mức học phí dự kiến cho năm học 2025-2026. So với năm ngoái, học phí tại nhiều trường có điều chỉnh tăng nhẹ, phổ biến ở mức 8-15%. Tuy nhiên, một số chương trình đào tạo đặc thù hoặc quốc tế ghi nhận mức thu lên tới gần 130 triệu đồng mỗi năm.

Sinh viên làm thủ tục tại trường đại học. Ảnh minh họa.

Sinh viên làm thủ tục tại trường đại học. Ảnh minh họa.

Tại khối trường công lập, Đại học Ngoại thương áp dụng mức học phí từ 25,5-85 triệu đồng/năm, tăng khoảng 2-3 triệu đồng tùy ngành so với năm học trước. Đại học Kinh tế Quốc dân giữ ở mức từ 18-25 triệu đồng đối với chương trình tiêu chuẩn. Các chương trình chất lượng cao hoặc liên kết quốc tế sẽ có mức thu cao hơn, theo thông báo riêng.

Học viện Ngân hàng đưa ra mức học phí từ 26,5-50 triệu đồng, Đại học Thương mại từ 24-65 triệu đồng, còn Học viện Tài chính công bố mức từ 20-75 triệu đồng.

Một số trường khác có học phí ở mức trung bình gồm Đại học Mở Hà Nội (21,5-23 triệu đồng/năm), Học viện Phụ nữ Việt Nam (14,4-26,8 triệu đồng, tính theo 30 tín chỉ), và Đại học Hà Nội (28-65 triệu đồng, tùy chương trình).

Ở khối trường ngoài công lập hoặc theo mô hình quốc tế, học phí cao hơn đáng kể. Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trường đào tạo theo mô hình song bằng Pháp, có mức học phí từ 56-125 triệu đồng/năm.

Đáng chú ý nhất là Đại học Phenikaa, nơi ngành Răng - Hàm - Mặt có học phí lên tới 128 triệu đồng/năm. Lý do là trường giảm ưu đãi học phí cho ngành này từ 40% xuống còn 20%, khiến mức thu thực tế tăng mạnh so với năm trước.

Các trường như Đại học CMC (34,65-40,95 triệu đồng), Đại học Hòa Bình (29,5-61 triệu đồng) cũng duy trì mức học phí khá cao nhưng ổn định.

Một số trường quân đội và công an có hệ đào tạo dân sự, học phí ở mức thấp hơn so với mặt bằng chung. Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Phòng cháy chữa cháy đều áp dụng mức 18,5 triệu đồng/năm, trong khi Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội thu 19,1 triệu đồng.

Việc tăng học phí được thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, cho phép các trường công lập đã kiểm định chương trình được tự xác định mức thu, miễn là không vượt trần quy định. Việc điều chỉnh này nhằm bù đắp chi phí đào tạo và cải thiện chất lượng giảng dạy.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến sửa đổi Luật Giáo dục đại học. Một trong những đề xuất đáng chú ý là tính trần học phí theo tỷ lệ phần trăm so với thu nhập bình quân đầu người. Theo số liệu năm 2024, thu nhập bình quân của người Việt Nam là khoảng 4.700 USD, tương đương 120 triệu đồng/năm.

Việc công bố học phí sớm được cho là giúp thí sinh và gia đình có thêm thông tin để cân nhắc lựa chọn ngành, trường phù hợp với điều kiện tài chính. Với các ngành học có học phí cao, đặc biệt là khối sức khỏe, công nghệ và chương trình quốc tế, thí sinh cần tìm hiểu kỹ chính sách học bổng, hỗ trợ tài chính hoặc vay vốn tín dụng học sinh, sinh viên.

Cùng với học phí, các trường cũng công bố chỉ tiêu tuyển sinh và tổ hợp xét tuyển, giúp thí sinh có đủ cơ sở để đăng ký nguyện vọng trong kỳ thi sắp tới.

Xem thêm
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng'

Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng', trong bảo vệ sức khỏe người dân và trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Rừng Cần Giờ - Nửa thế kỷ hồi sinh

Ngồi trên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, lướt trên sông Lòng Tàu mềm như dải lụa, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn, tôi thầm thốt lên: 'Đúng là kỳ tích'.