Đây là niềm vui chung của những người yêu di sản Việt Nam. Tuy nhiên, nỗi lo di sản biến tướng, hầu đồng tràn lan cũng song hành cùng niềm vui di sản được vinh danh.
Xử lý nghiêm việc lợi dụng
Tại nghi lễ này, Bộ VH-TT&DL đã công bố chương trình hành động để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này.
|
Hầu đồng ở Đền Trần (Nam Định) |
Theo đó, tiếp tục nhận diện giá trị, nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa Di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và các tập quán, nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với di sản.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, một đạo lý, một tâm thức suy tôn phụng thờ người mẹ của người Việt Nam và vai trò của di sản trong đời sống, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” nói riêng...
Tôn vinh cá nhân, cộng đồng có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa của Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Ngành VH-TT&DL thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội và làm sai lệch di sản; ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng thương mại hóa, hoặc các hiện tượng khác làm biến dạng di sản.
Trước thực tế tràn lan hầu đồng (một nghi thức thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu) từ lâu, dư luận đã lên tiếng về nỗi lo biến tướng di sản này. Việc tranh cãi nơi nào có thể thực hiện hầu đồng từ lâu vẫn chưa có lời giải.
Ngay trong ngày 2/4, hai thanh đồng đã thực hiện hầu đồng tại Đền Trần (Nam Định). Trong đó, có một thanh đồng từ Thanh Hóa ra thực hiện nghi thức hầu đồng cho một con nhang ở Đà Nẵng ngay tại Phủ chính (Thiên Trường).
Nỗi lo tràn lan hầu đồng là có thực
Trao đổi với chúng tôi, GS Trần Lâm Biền cho biết: “Đền Trần là thờ các vua Trần, cạnh đó có đền thờ Trần Hưng Đạo, trong tín ngưỡng thờ Trần Hưng Đạo có chuyện lên đồng đối với Thánh Trần, gọi lên đồng ấy là Thanh đồng của Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Thanh đồng gắn với Đức Thánh Trần Hưng Đạo gắn với chuyện trừ tà, sát quỷ, chữa bệnh. Lên đồng ở đó phải gắn với thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo chứ không phải là gắn với thờ Mẫu”.
GS Trần Lâm Biền khẳng định: “Khi các giá đồng lên đồng ở cửa của Đức Thánh Trần không bao giờ các ngài nhập đồng đâu vì ở Đền thờ của Đức Thánh Trần không có các vị thần của Tín ngưỡng thờ Mẫu. Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu ở các ban thờ Đức Thánh Trần chỉ là sự lừa bịp, kiếm tiền mà thôi”.
“Nhiều ngựa, đồ mã được thực hiện ở Phủ chính Thiên Trường là chuyện biến tướng và dù người ta nói rằng đây là sự phát triển, sự dung hội của Tín ngưỡng nhưng đó là sự nói dối. Người dân còn chưa nhận thức đầy đủ chuyện này.
Việc thực hành này chưa đầy đủ, nhưng khi thực hiện, ở tâm linh và lĩnh vực tín ngưỡng, tôi cũng là người họ Trần Nam Định, không đồng tình chuyện này. Khi lên đồng, ở giá nào tức là người ta cầu vị thần linh của giá đó để cầu xin.
Trong đền thờ Đức Thánh Trần, không có thần linh của Tín ngưỡng thờ Mẫu ngoài cô Quỳnh Hoa, cô Quế Hoa, lại là con nuôi của Đức Thánh Trần, không phải là thần linh của Tín ngưỡng thờ Mẫu nữa. Việc thực hành này là đối xử với thần linh không thành thật. Mỗi đền thờ thần linh có một chức năng khác nhau, không nên đưa thần linh vào một rọ”, GS Trần Lâm Biền khẳng định.
Bởi vậy, theo GS Trần Lâm Biền, nơi có ban thờ mẫu (gồm tam tòa Thánh Mẫu, Tứ phủ vạn linh (tất cả thần linh của tín ngưỡng thờ Mẫu) mới có khả năng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngoài ra, còn phải có đức tin của tín đồ, đặc biệt phải có đồng đền, thủ nhang có hiểu biết về Tín ngưỡng thờ Mẫu thì mới dắt dẫn được. Thầy ở nơi nào có đền phủ của nơi đó và thực hiện ở chính nơi đó. Không thể đem Tín ngưỡng thờ Mẫu đi bán rong được.