| Hotline: 0983.970.780

Có nên quay lại khi cả hai vợ chồng tình cảm đã nguội lạnh

Thứ Bảy 01/10/2022 , 17:01 (GMT+7)

Bây giờ con tôi, họ hàng tôi, họ hàng anh đều muốn chúng tôi về lại với nhau. Tôi không trẻ nhưng cũng chưa già, nhưng nghĩ chuyện sống lại với nhau, thấy sao sao

Thưa chị Dạ Hương kính mến!

Chúng tôi lấy nhau từ năm ấy năm ấy, xa và xưa. Anh khi đó đã vào bốn mươi, gọi là trai ế, đi Nam tăng cường cho nhiều việc ở trong này, như rất nhiều người ở ngoài đó vô. Tôi nhỏ hơn anh 15 tuổi, là cô giáo khi đó chuyển đổi gọi là cấp I. Cũng cái duyên nhau. Nghe anh nói gốc nhà anh điền chủ, bị cải cách, bố làm Việt Minh, mẹ ở quê, vẫn ở trong diện bị trưng thu, không bị đấu tố là may. Mẹ đưa ba đứa con ra V, ở nhờ họ hàng, buôn đầu chợ bán cuối chợ. Rồi sửa sai, sửa gì nhà cửa cũng không còn gì. Bố anh được chuyển về thị xã V, được HTX cho một góc ruộng rau, thế là bà làm nhà, trồng rau và dần thoát nghèo. Các con ăn học khi ấy không mất tiền, lại học giỏi, anh là con trưởng, được ra thủ đô học đại học.

Nghe gia cảnh tôi phục quá chị ạ. Thương chứ không phải yêu vì thấy khác nhau nhiều thứ. Gia tộc tôi đa số đều phía đô thị, trong guồng của một bên từng là bên kia chiến tuyến của những người như anh. Nhưng tôi cũng cần một nhân tố như anh trong xã hội mới. Vậy là cưới nhau. Rồi có con, một con trai thôi. Vậy là con mình cháu đích tôn người ta. Có rất nhiều lý do để trục trặc chị ơi. Riêng việc ăn uống và tiêu xài cũng khác lắm. Bố anh đau dạ dày liên miên rồi mất, bà mẹ thì không chịu vào Nam theo con trai, riêng phải “chiến đấu” với hai cô em chồng là giặc bên Ngô về việc chu cấp, phụng dưỡng bà mẹ và gia tiên cũng mắc mệt đó chị.

Hoài hoài chỉ mỗi chuyện con trai, đích tôn, công nhiều công ít. Rồi bà cũng mất, năm ấy anh 60, con trai chúng tôi cũng vừa tuổi trưởng thành, theo các cậu dì bên tôi sang Mỹ học. Khi chỉ còn hai người già thì thật là chán và khó sống. Tôi hay đi sang với con và bà con họ hàng của tôi. Anh thì không thích đi cùng, luôn luôn vậy.

Và rồi chúng tôi ly thân, nhà chung biến thành tiền để thành hai nhà cho hai kẻ mỗi người một hướng. Không nghĩ ly dị vì con duy nhất , chúng tôi cùng thương con. Nhưng tôi cũng không theo con được, vì tôi thấy bên ấy buồn lắm. Bây giờ con tôi, họ hàng tôi, họ hàng anh đều muốn chúng tôi về lại với nhau. Tôi không trẻ nhưng cũng chưa già, nhưng nghĩ chuyện sống lại với nhau, thấy sao sao chị ơi.

Bạn thân mến!

Lịch sử chiến tranh của nước mình làm cho hai miền còn xa nhau nhiều thứ quá. Ví như lai lịch chính trị của hai phía, ở bắc và ở nam, cũng đã là chuyện khó xử, ngồi với nhau đã khó, dốc lòng chuyện vãn càng khó hơn. Cứ thấy vấp và cứ phải giữ ý, tôi không lạ gì cảnh này. Lại còn chuyện ẩm thực, khi đã khác phái thì trục trặc sở thích ăn uống cũng dễ biến thành chuyện chính trị.

Hai bạn vượt qua được bao nhiêu năm, nhờ có đứa con trai chắc là tuyệt vời. May mắn khi trưởng thành, cháu được nhà ngoại đón đi và chăm sóc. Tôi tin nó hiểu biết, văn minh, trên cái nền học vấn ở một nơi mơ ước của bao người.Khi hai người già đi, thì mọi việc phiên phiến của ngày xưa, trở thành vấn nạn. Yêu nhau tha thiết mà khi già còn hục hặc huống chi bạn ạ. Đến mức phải ly thân, bán nhà và chia đôi ra tạo lập chỗ mới, cho thấy nó trầm trọng đến mức nào rồi. Lạ là anh ấy vẫn không có ai và bạn cũng như thế.

Không sống với nhau mà cũng không có người khác ư? À, hóa ra không ly dị vì con, không có người khác vì chưa ly hôn người cũ. Việc tái hồi với nhiều người giống như một cốc nước hắt đi và hốt lại. Được gì ngoài đất và cát bẩn. Nhưng cũng có nhiều đôi không hằn học, vẫn xem như bạn bè. Vấn đề là các bạn có đi lại với nhau không, con về chẳng hạn, bố mẹ có ngồi bên nhau ăn uống nói cười vì con không?

Nếu bạn thấy cố gắng được thì lên tiếng và cùng nhau xem xét. Người ngoài khuyên nhưng người đàn ông ấy có hứng thú sống lại với bạn không? Phải xem ý anh ấy nữa chứ, cứ gì khăng khăng phụ nữ mềm lòng thì đàn ông sẽ mềm theo, chưa chắc. Có lắm ông thấy sống tự do hay hay, quen rồi, thôi vậy đi, tới đâu hay đó.Khi bạn viết thư này, tôi nghĩ bạn có nghĩ lại, có lung lay. Hay là vì con, nó sẽ lấy vợ, có thể nó về VN sống và làm việc thì sao? Có lẽ nên cố gắng thêm để có tuổi già khác chút, nhé. 

Xem thêm
Cấy ghép mô tinh hoàn, chữa vô sinh cho người mắc ung thư lúc trẻ

Khoảng 85% trẻ em mắc ung thư hiện nay sống sót đến tuổi trưởng thành và khoảng 1/3 trong số này bị vô sinh do hóa trị hoặc xạ trị.

Bạo lực gia đình nhìn từ vụ một nam DJ đánh vợ

Bạo lực gia đình không còn là câu chuyện xa lạ, nhưng vụ một nam DJ đánh vợ bị phanh phui nhờ đoạn clip tung lên mạng thực sự khiến cộng đồng nhức nhối.

Sự chần chừ làm dang dở một mối lương duyên

Sự chần chừ trước đám cưới có nhiều nguyên nhân, nhưng khi lời hứa hẹn cứ kéo dài mông lung thì hai kẻ yêu nhau thực sự cũng đành đứt đoạn lương duyên.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ăn băp cải giúp phòng ngừa ung thư

Ăn băp cải giúp phòng ngừa ung thư: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng trong thành phần của rau bắp cải chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa ung thư.

Đọc nhiều nhất