Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là một võ công sáng chói trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, là chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu.
Bởi vậy, bè bạn thế giới khi nhắc tới Việt Nam bao giờ cũng kèm theo những cái tên Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ. Ngay đến những “kẻ thù xứng đáng” một thời của ta cũng nghiêng mình cảm phục trước những con người và chiến thắng ấy.
Như một lẽ tự nhiên - Điện Biên Phủ - vùng đất nổi tiếng đã đi vào thi ca.

Hình ảnh đoàn dân công với những chiếc xe đạp thồ trong Chiến dịch lịch sử được tái hiện lại trong bức tranh panorama Trận chiến Điện Biên Phủ. Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Một trong những bài thơ về Chiến thắng Điện Biên Phủ ra đời sớm nhất có lẽ là “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân Dân số 184, ngày 12/5/1954 với bút danh CB. Thơ Bác là viên ngọc quý trong kho tàng văn học Việt Nam, lấp lánh những giá trị đặc biệt về thời khắc lịch sử đặc biệt của dân tộc.
Cũng trong tháng 5 lịch sử ấy, Tố Hữu hoàn thành bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” ra đời hòa vào khúc khải hoàn ca cất lên từ lòng chảo Mường Thanh im tiếng súng. Một bài thơ mang vóc dáng trường ca. Hào sảng, bi tráng nhưng không kém phần lãng mạn.
Âm hưởng anh hùng ca trong thơ Tố Hữu chính là hào khí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ. Hiện thực đời sống đã cộng hưởng mãnh liệt vào cảm xúc của thi sĩ, tạo ra dòng thơ ào ạt, khỏe khoắn. Khởi đầu từ những câu thơ ngắn, nhịp điệu dồn dập như tiếng vó ngựa báo tin chiến thắng hòa với tiếng reo vui bật lên, vang lên từ muôn triệu trái tim dân Việt: “Tin về nửa đêm/ Hỏa tốc hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng/ Chuông reo tin mừng/ Loa kêu từng cửa/ Làng bản đỏ đèn đỏ lửa”...
Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, quân và dân ta đã phải vượt qua muôn vàn gian khó hy sinh mới làm nên được chiến thắng vĩ đại này. Niềm vui quá lớn, vỡ òa ra, bay cao lên nhưng sau khúc reo vui, lời ngợi ca lại vô cùng bình dị: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp”...
Đi qua chín năm kháng chiến, hình ảnh xả thân vì Tổ quốc của những người lính Cụ Hồ được khắc họa sắc nét trong thơ: “Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn”...
Điện Biên Phủ được làm nên bởi những người nông dân mặc áo lính tiêu biểu như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Cao hơn, trong cuộc kháng chiến trường kỳ làm nên võ công Điện Biên Phủ, có hàng trăm con người như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... “Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/Ào ào vũ bão… Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân nhắm mắt còn ôm”...

Khoảnh khắc ta kéo cờ trên nóc hầm Đờ Cát được tái hiện lại trong bức tranh panorama Trận chiến Điện Biên Phủ. Ảnh: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Một Điện Biên của đạn bom đã khép lại. Và một Điện Biên của sau 1954 đến hôm nay vẫn tiếp tục là nguồn cảm hứng cho các nhà thơ đến với mảnh đất này. Sự bình yên của đất trời, cây cỏ hôm nay không hề che khuất những chứng tích lịch sử và âm vang của chiến thắng năm xưa.
Nhà thơ Anh Ngọc đã nhận ra điều ấy rất rõ, rất sâu trong một lần trở lại Điện Biên: “Chỉ thấy một vùng cỏ biếc non tơ/ Mây trắng bay mây trắng đến không ngờ/ Cánh phượng rủ một chùm hoa đỏ chót/ Chỉ có thế thôi ư/ Mà chính là A1/ Mà chính là Him Lam”...
Không thể khác, để có yên bình cho mỗi ngọn cỏ, cành hoa, cho bầu trời Điện Biên “mây trắng đến không ngờ”, đã có bao nhiêu mồ hôi và xương máu của chiến sĩ, của nhân dân ta đổ xuống. Sau 7/5/1954, sau thời khắc lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm De Castris, những hy sinh đã không trôi qua vô tình vô nghĩa với thế hệ mai sau: “Từ chiến trường Điện Biên đến chợ Điện Biên/ Mùi trái chín cứ thơm lừng phố núi/ Quen thuộc quá đến không còn nhớ nổi/ Tình yêu này anh có từ đâu / Đất dưới chân anh, trời thắm ở trên đầu”... (Trở lại Điện Biên Lá cờ và ngọn cỏ).
Rất nhiều người đến Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên đã không cầm được nước mắt khi đứng trước những trùng trùng nấm mộ không xác định được tên. Những người lính đã hiến dâng cho Tổ quốc; thân xác, tâm hồn, tên tuổi hòa tan vào đất đai, cây cỏ. Những “Tấm bia trắng không dòng tên họ/ Không năm sinh, không để dấu thôn làng/ Như tất cả cuộn thành tiếng nổ/ Ném vào hầm ngầm, ụ súng, xe tăng/ Như tất cả anh gửi vào cho đất”... (“Mộ chiến sĩ vô danh” - Nguyễn Đức Mậu).
Cuộc sống đã hồi sinh và thắm sắc đậm hương. Nơi vùng đất một thời là chiến địa khốc liệt, hoa hồng đã nở. “Hoa hồng ở Điện Biên” của Nguyễn Đức Mậu thay lời muốn nói, về những yêu dấu, khát vọng của quá khứ, hiện tại, tương lai: “Đất qua lửa cháy... dường như/ Hoa hồng thơm thảo nở từ chiêm bao/… Lắng trong lời gió thầm thì/ Hoa hồng như muốn nói gì cùng ta”.
Điện Biên, vùng đất cổ ở Tây Bắc, nơi cất giữ nhiều trầm tích văn hóa độc đáo lâu đời, bền vững. Đây là xứ sở của múa sạp, múa xòe, của áo cóm khăn piêu, của những làn điệu dân ca say đắm lòng người. Và chất Tây Bắc, chất Điện Biên hình như cũng có trong từng món ăn thức uống. May mắn thay, tôi cũng đã được nhiều lần đến với Điện Biên. Từ những dấu tích lịch sử văn hóa và nét đẹp của thiên nhiên, con người nơi đây, ấn tượng về Điện Biên trong tôi ngày thêm sâu sắc.
Nơi đây, quá khứ với hiện tại đan xen cài quyện vào nhau, hài hòa trong một tổng thể Điện Biên anh hùng và lãng mạn, chung và riêng không tách biệt: “Chưa biết hẹn cùng ai lòng đã núi/ mới Pha Đin đã bối rối Điện Biên rồi/ qua chót vót đỉnh rừng, thăm thẳm suối/ mây che mùa chiến dịch vẫn còn bay/ Áo trấn thủ bập bùng đêm đuốc lửa/ nhịp hò dô vượt dốc pháo vào - ra/ mưa xối buốt những bàn tay máu tứa/ đất đỡ người ngã xuống hôm qua/ Về mùa em, lòng chảo lúa mượt mà/ cầm tay núi nối vòng xòe dìu dặt/ đồi A1 đặt vào tôi câu hát/ tôi hát cùng áo cóm hoa ban” (Nguyễn Hữu Quý - Điện Biên gọi tôi lên).
Còn nhiều bài thơ và trường ca khác viết về Điện Biên. Bảy mươi mốt mùa hoa ban đã đi qua kể từ ngày 7/5/1954 lịch sử, Chiến thắng Điện Biên Phủ như tấm huân chương lấp lánh trên ngực Tổ quốc thân yêu. Còn mãi, sáng mãi một võ công Điện Biên, một bi tráng Điện Biên, một trữ tình Điện Biên trong những vần thơ xúc động của nhiều thế hệ.

Mùa vàng trên cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên) hôm nay. Ảnh: Xuân Tư.