
Đảng ủy Agribank tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực năm 2025. Ảnh: Lại Hương
Định hướng xuyên suốt trong chiến lược phát triển
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo Người: “Tiết kiệm là quốc sách hàng đầu”, “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Tiết kiệm tức là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”, “Thực hành tiết kiệm là yêu nước” hay “Phải chống lãng phí như chống giặc”, “Lãng phí là bạn của tham ô, là kẻ thù của Nhân dân”. Chính từ những tư tưởng định hướng đó của Người, cho đến giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Từ góc độ nội tại, Agribank là một ngân hàng thương mại nhà nước có quy mô hệ thống lớn nhất cả nước với mạng lưới rộng khắp, nhân sự đông đảo, kinh phí vận hành chi thường xuyên rất lớn. Chính quy mô lớn này là một lợi thế về thị phần và độ bao phủ, nhưng đồng thời cũng đặt ra áp lực rất lớn về quản trị chi phí, giám sát tài chính và kiểm soát lãng phí.
Bên cạnh đó, với sứ mệnh chính trị là ngân hàng chủ lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn, Agribank đang gánh vác vai trò điều tiết tín dụng nông nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ lãi suất. Để đảm bảo nguồn lực tài chính đủ mạnh nhằm thực hiện sứ mệnh này, Agribank buộc phải tối ưu hóa chi phí nội tại, nâng cao hiệu suất từng đồng vốn bỏ ra, từ đó có điều kiện giữ lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ tốt hơn cho hàng triệu hộ sản xuất, doanh nghiệp và người dân trên cả nước.
Trong giai đoạn 2021–2024, Agribank đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với tinh thần chủ động, nhất quán từ Trung ương đến cơ sở. Đảng ủy Agribank xác định rõ rằng, tiết kiệm không chỉ là một nguyên tắc đạo đức mà còn là trụ cột trong quản trị chiến lược, là phương thức cụ thể để nâng cao năng suất, tối ưu chi phí và tạo dư địa tài chính phục vụ sứ mệnh chính trị của ngân hàng thương mại nhà nước chủ lực. Kết quả đạt được trong giai đoạn này là minh chứng rõ nét cho nỗ lực chuyển hóa quan điểm tiết kiệm thành hành động quản trị hiệu quả và văn hóa nội tại.
Trước hết, Agribank đã chú trọng hoàn thiện thể chế nội bộ và tăng cường kiểm soát quy trình, coi đây là giải pháp nền tảng chống lãng phí một cách bền vững. Toàn hệ thống Agribank đã ban hành 110 văn bản liên quan đến phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sửa đổi, bổ sung 376 định chế tài chính nội bộ. Các văn bản này không chỉ nhằm siết chặt kỷ luật tài chính mà còn cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động doanh nghiệp nhà nước.
Trên cơ sở các văn bản, Agribank đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như: giảm mạnh chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, chi phí hội họp và tiếp khách; cắt giảm tầng nấc trung gian trong mô hình tổ chức; sáp nhập các phòng ban có chức năng trùng lặp; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát và vận hành. Những biện pháp này không chỉ giúp tiết giảm chi phí thường xuyên mà còn góp phần lan tỏa văn hóa tiết kiệm, nâng cao ý thức trách nhiệm sử dụng nguồn lực trong toàn hệ thống, tạo nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển bền vững của Agribank.
Đặc biệt, việc tái cấu trúc tổ chức theo hướng tinh gọn, cắt giảm tầng nấc trung gian, sáp nhập các phòng ban có chức năng trùng lặp đã giúp tiết kiệm chi phí nhân sự, đồng thời nâng cao tốc độ và hiệu suất xử lý công việc trong toàn hệ thống.
Trong đầu tư và mua sắm, một lĩnh vực rất dễ phát sinh thất thoát nếu buông lỏng kiểm soát, Agribank đã chủ động rà soát toàn bộ danh mục các dự án công nghệ, chỉ giữ lại những hạng mục thực sự trọng yếu, cấp thiết, đồng thời cắt bỏ hoặc giãn tiến độ các khoản đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Đặc biệt, quy trình đấu thầu được tổ chức công khai, minh bạch, bám sát các quy định pháp luật và quy chế nội bộ.
Song song với đó, hệ thống phần mềm giám sát đấu thầu và quản lý đầu tư được triển khai giúp phát hiện sớm các rủi ro, bất thường trong quá trình triển khai các gói thầu, từ đó kịp thời cảnh báo, xử lý và ngăn ngừa vi phạm ngay từ khâu lập kế hoạch.

Mỗi cán bộ Agribank đều nghiêm túc thực hiện và triển khai việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: Lại Hương
Hướng tới hiệu quả toàn diện và bền vững
Trên cơ sở kế thừa những kết quả, bài học kinh nghiệm từ giai đoạn 2021–2024, mục tiêu tổng thể của chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 của Agriabnk là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tiết giảm chi phí hợp lý và toàn diện, tăng hiệu suất lao động và tạo dư địa tài chính cho các chương trình chiến lược, đặc biệt là hỗ trợ lãi suất tín dụng nông nghiệp, đầu tư chuyển đổi số, phát triển sản phẩm dịch vụ số và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng. Chương trình hành động của Agribank tập trung vào 5 trụ cột chính như sau:
Thứ nhất, rà soát toàn diện các lĩnh vực có khả năng tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sử dụng ngân sách. Từ chi thường xuyên như điện, nước, vật tư văn phòng, tổ chức sự kiện... đến chi đầu tư như mua sắm công nghệ, sửa chữa cơ sở vật chất, các đơn vị đều phải xây dựng kế hoạch tiết kiệm định lượng theo quý, có tiêu chí đánh giá rõ ràng, minh bạch.
Thứ hai, tăng cường quản trị chi phí thông qua số hóa và tự động hóa quy trình kiểm soát nội bộ. Việc ứng dụng các phần mềm kế toán, quản lý chi tiêu theo thời gian thực sẽ được triển khai đồng loạt, giúp người đứng đầu đơn vị kiểm soát tức thời mọi dòng chi, phát hiện sớm các khoản chi không phù hợp, từ đó điều chỉnh kịp thời, hạn chế phát sinh lãng phí không đáng có.
Thứ ba, triển khai chương trình thi đua tiết kiệm, hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo tại đơn vị cơ sở. Mỗi chi nhánh, phòng giao dịch phải đăng ký ít nhất một sáng kiến cải tiến nghiệp vụ, quy trình công việc có yếu tố tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất. Các sáng kiến này được tổng hợp, xét thưởng và nhân rộng hằng quý, hằng năm.
Thứ tư, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư, mua sắm. Trong năm 2025, Agribank tập trung ưu tiên cho các dự án đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Việc mua sắm thiết bị, vật tư, hạ tầng kỹ thuật phải đảm bảo tiêu chí “đúng – đủ – hiệu quả – bền vững”, giảm thiểu tối đa tình trạng đầu tư chồng chéo hoặc mua sắm theo thói quen. Mọi dự án lớn đều phải có phân tích chi phí, lợi ích cụ thể trước khi phê duyệt và được giám sát tiến độ, hiệu quả sau đầu tư.
Thứ năm, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra và giám sát thực hiện chương trình tiết kiệm, chống lãng phí. Các đơn vị phải tổ chức sinh hoạt chuyên đề, diễn đàn chia sẻ sáng kiến tiết kiệm, công khai kết quả tiết kiệm của từng bộ phận, từng phòng ban. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề, lồng ghép nội dung tiết kiệm vào chương trình kiểm toán nội bộ, thanh tra định kỳ. Trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra lãng phí sẽ được quy định rõ ràng, xử lý nghiêm minh.
Điểm mới nổi bật của chương trình năm 2025 là việc xây dựng chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể cho từng lĩnh vực, từng đơn vị và từng cấp quản lý, từ trụ sở chính đến chi nhánh các cấp trực thuộc trong toàn hệ thống, gắn với công cụ quản trị hiện đại và công khai hóa kết quả thực hiện.
Trong giai đoạn phát triển mới Agribank ngân hàng thương mại chủ lực trong đầu tư cho tam nông – chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 được xây dựng trên cơ sở bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Nghị quyết của Hội đồng thành viên Agribank .