6h15 sáng. Chợ Việt Nam đã lố nhố những bóng nón lá lẫn trong sương sớm. Những người bán hàng gốc Việt, hầu hết là phụ nữ, tuổi đã vào hàng bà nội bà ngoại.
Seth Kugel, nhà báo Mỹ, đã đến chợ Việt Nam với mong muốn tìm hiểu và cảm nhận phong vị văn hóa Việt qua hoạt động chợ búa. Seth viết trên New York Times: “Ngoài các loại nông sản, trái cây như khoai lang, khế, bắp cải, thậm chí là cây giống, tôi thấy họ bán rất nhiều bưởi, loại trái cây lúc đầu tôi nhầm tưởng là một loại dưa. Có cả bánh tét, bánh tét chuối. Bạn có thể mua nón lá truyền thống Việt Nam với giá 5USD/chiếc”.
Khách đến chợ hầu hết là người Việt, hoặc ít nhất là người Á đông. Nhưng vẫn có nhiều người New Orleans da trắng đến thăm chợ với con mắt tò mò. Một phụ nữ da đen sống gần đó cho hay, chị thường đến đây mua rau cải với giá 1USD/bó. Thực ra không phải tất cả những người bán hàng đều là người gốc Việt.
Cũng có nông dân Mỹ thứ thiệt, nhưng bán hàng cũng rất Việt Nam: cứ sáng thứ 7, có hai nông dân bản địa đánh xe bán tải đến chợ, mang theo ngỗng, gà, thỏ… tất cả còn sống nguyên, điều rất hiếm ở Mỹ, nơi người dân quen mua thịt chế biến sẵn trong siêu thị. Đến chợ Việt ở Mỹ, bạn có thể thấy cảnh một ông khách đến chợ và lúc về vác trên vai một cái túi to, bên trong là một con ngỗng to tướng kêu quang quác, được mua với giá 25 USD.
Một sáng sớm, lang thang ở chợ chán chê, Seth ghé vào quán cà phê nhỏ có tên Biển Nhớ. Bên trong quán cà phê bài trí giản tiện, Seth thấy hình ảnh mà anh thấy lạ: một bàn với những người đàn ông gốc Á đông đang chơi một trò gì đó mà họ gọi là “cá ngựa”. Chơi bài hay tương tự là chuyện phổ biến trong các quán cà phê khắp thế giới. Nhưng “cá ngựa” lúc 6h30 sáng thứ Bảy? Seth đoán họ là ngư dân đánh tôm, bởi chỉ những người đó mới quen với việc dậy sớm như thế.
Seth gọi cà phê. Người ta nói cà phê Việt Nam ở New Orleans đậm đặc hơn, ngọt hơn các loại cà phê khác trong vùng. Người Việt thường cho thêm sữa đặc, và các quán cà phê Việt thường cho kèm với cà phê là một tách trà.
Trên đường trở lại trung tâm New Orleans, Seth Kugel dừng lại bên xa lộ Chef Menteur Highway và ghé quán bánh mì Đông Phương. Có nhiều người nói bánh mì của quán này ngon nhất New Orleans. Bánh mì Đông Phương được nướng giòn, đi kèm với dưa muối, rau mùi và ớt. Bánh có kèm thêm pa tê gan, được bán với giá 2,25USD. “Tôi nghĩ đây là món bánh mì rẻ và ngon bậc nhất thế giới”, Seth viết.
Bánh mì ở nhà hàng Đông Phương
Ở New Orleans, bánh mì Việt Nam còn được gọi là “po’boy”, được bán ở siêu thị mini Singleton. Chủ cửa hàng, Bau và Laura Nguyen đã không đổi tên nó kể từ khi họ mua lại 10 năm trước và 10 năm đó, chưa bao giờ họ nghỉ bán “po’boy”. Chẳng hiểu vì sao họ gọi bánh mì bằng từ đó.
Cửa hàng này có bán nhiều món ăn Việt khác, ví dụ như phở, với giá gần 7USD/tô. (phở Việt ở đây theo trường phái miền Nam Việt Nam, ngoài bánh, thịt bò, còn có thêm giá sống, húng và ớt thái lát). Seth không chắc đây có phải là tô phở ngon nhất ở New Orleans nhưng anh cảm thấy khá hài lòng.
Tối hôm đó, Sandy Nguyen, người điều hành một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ ngư dân gốc Việt gợi ý Seth tới quán Nha Trang hát karaoke. Cô nói quán mở cửa lúc 8 giờ tối đến nửa đêm. “Mọi người rất thân thiện”, Sandy dặn thêm.
Minh và Hải, hai người Seth gặp ở quán Nha Trang, đều ngoài 40, đến Mỹ cùng cha mẹ từ nhỏ sau khi chính quyền Việt Nam cộng hòa sụp đổ. Họ rủ Seth uống bia với cánh gà rán và rồi cuối cùng, Hải cất giọng với những bài hát tiếng Việt. Mặc dù Seth cố thuyết phục, hai người bạn mới quen nhất quyết không để Seth trả tiền.
Tất nhiên, New Orleans còn nhiều nhà hàng Việt Nam khác, vì thế một hôm, Rien Fertel, nhà văn, nghiên cứu sinh tiến sỹ tại đại học Tulane, người rất yêu thích ẩm thực Việt đưa Seth tới nhà hàng Kim Sơn, một thành phố nhỏ nằm ở bờ tây sông Mississippi. Nhà hàng này trông giống như bất cứ nhà hàng Trung Quốc nào đó ở ngoại ô các thành phố Mỹ. Thậm chí trong thực đơn của Kim Sơn cũng có món Tàu, “di chứng” một thời người dân Mỹ bản địa vẫn còn e dè thức ăn Việt Nam.
Các món ăn Việt ở Kim Sơn có giá trung bình 10USD và Seth để “chuyên gia” Rien gọi món. Một bữa tiệc thịnh soạn được bày ra: bò ướp sả nước than củi ăn với bánh tráng cuốn rau diếp, chấm nước mắm, tôm nướng muối ớt, món đắt nhất và ngon nhất, được bán với giá 12,95USD…
Rien thả Seth xuống chợ thực phẩm Hong Kong, nơi có rất nhiều cửa hàng thực phẩm theo phong cách Á đông và tất nhiên là có nhiều đồ ăn Việt. Seth mất nửa giờ nhìn ngắm và ghi lại những gì anh có thể mua sau này.
Phở Việt ở New Orleans
Khi về đến New York, kết thúc chuyến hành trình tới vùng của cộng đồng người Việt Louisiana, Seth nhận ra trong đống hành lý của mình còn một trái bưởi vàng anh mua ở chợ chồm hỗm New Orleans. Sáng hôm sau, anh thưởng thức trái bưởi. Tuy không mọng như nho, không hấp dẫn như phở hay bánh mì. Nhưng nó nhắc anh về những trải nghiệm tuyệt với, đầy phong vị của một vùng đất xa xôi ở châu Á có tên Việt Nam.