| Hotline: 0983.970.780

Cháu thực sự căm ghét bố mình

Thứ Sáu 20/03/2009 , 09:52 (GMT+7)

Cô Dạ Hương kính mến! Là thân con gái, cháu thực sự thấy căm ghét khi bố cháu thường xuyên hành hạ mẹ cháu...

Bố cháu thường xuyên hành hạ mẹ cháu (Ảnh minh họa)

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu là một độc giả trung thành của NNVN nhờ bác hàng xóm của cháu làm cán bộ xã. Cháu thường mượn báo của bác ấy đọc, cháu không để sót số nào nhưng tìm mãi mà không thấy ai có hoàn cảnh giống như cháu cả.

Cô ạ, cháu là chị cả của ba đứa em đều còn tuổi ăn học. Năm học xong lớp 9, cháu tự nguyện không đi học nữa vì quá thương mẹ. Cô biết không, từ khi cháu biết nhận thức đến giờ, cháu chưa thấy mẹ cháu cười được trọn một ngày. Không biết hồi bố mẹ cháu mới cưới thì có tuần trăng mật như trong sách vở không nhưng khi cháu 6 tuổi thì đã có 3 đứa em gái, trong đó có hai đứa song sinh cũng là gái. Cháu thấy bố hay say xỉn, càu quạu và nhiều lần chửi mẹ, bố nói thẳng rằng "Mày là đứa không biết đẻ". Bà nội nói bố khát con trai, bố đổ thừa đẻ đôi là nòi của bên ngoại (bà ngoại cháu cũng có một lần song sinh).

Cháu nhớ như in lần bố túm tóc mẹ để đánh, trông bố giống như cai ngục với tù nhân. Lúc ấy cháu mới học lớp 5. Nhà cháu phụ thuộc vào bên nội hết, vì bố cháu là con trai một, trên bố có hai người, dưới bố có 2 cô nữa. Nhà cũng bà nội gầy dựng, ruộng nội chia, bố được cưng chiều từ nhỏ. Mẹ cháu làm nông làm đồng làm nội trợ, bố là người chỉ tay năm ngón và thích ăn nhậu, việc họ việc nhà người và giỗ tết. Khi cháu nghỉ học mẹ cháu buồn hơn bố nhưng tự cháu thấy thân con gái ở nhà cháu cũng chẳng được trọng vọng gì. Rồi số phận của các em gái cháu cũng không sáng sủa gì hơn.

Những tưởng khi mẹ cháu đẻ được con trai thì bố sẽ thay đổi thái độ với mẹ. Đến lúc này bố lại quay ra tức tối cách chăm con của mẹ, mà mẹ cháu thì làm gì có nhiều thời gian. Em cháu khóc đêm mẹ cũng bị mắng, em cháu ngã thì mẹ cầm chắc là ăn đòn, mãi rồi cháu thấy mẹ đâm ra không yêu đứa con này. Bố biết vậy nên càng quát tháo, chê trách đủ đường. Bi kịch tràn đầy khi mẹ bị sẩy đứa con nữa mà lại là con trai. Từ đó mẹ cháu đau ốm suốt, nhà cửa bộn bề, không khí buồn thảm.

Bây giờ cháu chỉ mong mình có ai đó để thoát ra. Nhưng cháu sợ lặp lại bi kịch của mẹ mình. May sao 3 đứa em gái của cháu học rất khá. Một đứa đã vào lớp 10, phải gửi lên thị trấn ở nhà dì ruột của cháu, hai em song sinh đang học lớp 8 còn em trai út thì mới vào lớp 3. Mẹ càng đau ốm, cháu càng không nỡ lấy chồng nhưng cháu thật sự căm ghét bố mình. Cháu chỉ mong được chia sẻ với cô.

Cháu gái buồn (Thanh Hoá)

Cháu thương mến!

Người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng chưa nguôi nỗi niềm khao khát con trai nếu họ chưa đạt được điều đó. Cháu biết vì sao không? Không hoàn toàn do lỗi của họ mà là do văn hoá nối dõi và thờ phụng tổ tiên. Văn hoá gần như là triết lý sống ấy không tồi nhưng so với tiến hoá của lịch sử, nó cho thấy những hạn chế về mặt nhân văn. Ví như phải ôm bàn thờ nên con người ta không thể đi xa hơn gốc gác; ví như thay vì được tự do với thời gian và những ước mơ, người ta phải bận tâm nhiều đến gia tộc và cúng bái; ví như thay vì mọi đứa con đều được bình đẳng khi sinh ra thì người ta lại phải trọng vọng đứa con trai để nối dài dòng họ và thờ phụng tổ tiên…

Tính gia trưởng và vũ phu của bố, theo cô, không chỉ vì bố là con một từng được cưng chiều. Nó cho thấy tính khí cục súc của một con người. Có phần do bản tính, có phần do văn hoá, và cũng có một phần do môi trường chung quanh không ít người khác mình.

Chừng như thời bao cấp và chiến tranh con người chỉ đối diện với bom đạn và đói khổ nên nông thôn ít bi kịch riêng hơn. Bây giờ thời đại tiến lên mà nạn bạo hành gia đình không hiểu sao lại phổ biến? Cô thương mẹ cháu vô cùng, cô hình dung được phận con sen con ở của mẹ trong mắt bố. Phải dám nghĩ người đàn bà là cái máy đẻ thì mới dám phán những câu đại loại như "Mày là đứa không biết đẻ". Không biết chính quyền địa phương đâu và các đoàn thể đâu mà để bố ngang ngược lộng hành như vậy.

Khá khen cháu đã biết hy sinh để củng cố tương lai cho các em. Cháu là đứa con có hiếu với mẹ. Nhưng cô nghĩ không nên căm ghét bố như kẻ thù. Cháu hãy lựa lời lựa lúc tâm sự với bố xem sao. Cô tin sâu xa bố cũng có trái tim yếu mềm, bố đã đứng tuổi mà những người đã đứng lại thì dễ thay đổi suy nghĩ của mình. Cũng đừng vì muốn thoát khỏi bố mà vội vàng đâm vào người thanh niên nào khi chưa yêu và chưa hiểu kỹ. Không phải quãng đường nào cũng có ổ gà, mình chắc tay lái thì mình sẽ vượt qua một cách tốt đẹp.

Xem thêm
Cẩn trọng với thông tin ăn nhiều thịt gà có thể tăng nguy cơ ung thư

Các nhà phản biện cho rằng, cần phân biệt thịt gia cầm tươi và sản phẩm chế biến, đồng thời chỉ rõ phương pháp nấu nướng trong khảo sát.

Văn hóa doanh nhân không thể chấp nhận các kiểu khôn vặt

Văn hóa doanh nhân ngày càng được xem trọng trong đời sống xã hội, vì quan hệ giữa người bán và người mua luôn ràng buộc lợi ích và trách nhiệm với nhau.

Sản nghiệp riêng sa sút làm sao góp tài sản chung hôn nhân?

Sản nghiệp riêng của mỗi người luôn là một yếu tố đáng cân nhắc kỹ lưỡng, khi mong muốn có được cuộc hôn nhân thực sự xứng đôi vừa lứa.

Bệnh tim mạch không còn nguy hiểm với người hiểu biết

Bệnh tim mạch từng được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên phạm vi toàn cầu. Thế nhưng, bây giờ, mọi thứ đang thay đổi.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Đọc nhiều nhất