Cách đây một thập kỷ, trong Hội nghị Khí hậu tại Paris (Pháp), 190 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đồng thuận về việc hành động tập thể nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu.
Cụ thể, trong Hiệp định Paris, các nước cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu "dưới 2 độ C" và lý tưởng nhất là "ở mức 1,5 độ C". Ngay từ thời điểm đó, một số nhà khoa học đã bày tỏ nghi ngại rằng, với tốc độ chuyển đổi năng lượng chậm chạp, mục tiêu 1,5 độ C là điều rất khó đạt được.
Dù vậy, sau Hiệp định Paris năm 2015, mục tiêu 1,5 độ C vẫn là ranh giới đỏ của phong trào khí hậu toàn cầu. Các nhà khoa học cảnh báo nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt qua ngưỡng này, thế giới sẽ hứng chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng như gia tăng bệnh truyền nhiễm, mất mùa, và các thảm họa thời tiết cực đoan.

Nhiệt độ trung bình thế giới đang trên đà vượt ngưỡng 1,5 độ C. Ảnh: Washington Post.
Cách đây 7 năm, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc từng dự đoán nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ không vượt mức 1,5 độ C cho tới năm 2040. Tuy nhiên, chỉ 5 năm sau, nhóm này đã điều chỉnh lại ước tính, cho rằng thế giới có thể chạm ngưỡng 1,5 độ C trong khoảng thời gian từ năm 2030 đến 2035.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất công bố ngày 28/5, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mới khi dự đoán nhiệt độ trung bình thế giới có thể vượt ngưỡng 1,5 độ C chỉ trong hai năm tới.
Theo WMO, Trái đất sẽ ghi nhận mức nhiệt kỷ lục mới trong vòng 5 năm liên tiếp, đặc biệt khi hiện tượng El Nino xuất hiện, khiến nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt qua ngưỡng 1,5 độ C trong một khoảng thời gian kéo dài. Xu hướng này sẽ bắt đầu từ năm 2027.
Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu thời đang tăng nhanh hơn so với kỳ vọng. Trong khi đó, một số chất gây ô nhiễm không khí giúp làm mát hành tinh (như lưu huỳnh dioxide) đang suy giảm, còn lượng khí nhà kính tiếp tục gia tăng bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo toàn cầu.
Nếu xu hướng này tiếp diễn, các “điểm bùng phát” trong hệ thống khí hậu, vốn có thể kéo theo những thay đổi không thể đảo ngược, như hiện tượng tan băng ở Bắc Cực hay tẩy trắng san hô trên diện rộng, đang tiến đến gần hơn so với dự đoán khoa học trước đây.
"Rất khó để đảo ngược tình hình, trừ khi sử dụng kỹ thuật can thiệp khí hậu nhằm ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu vượt quá 1,5 độ C", ông Zeke Hausfather, nhà khoa học khí hậu và trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định.
Can thiệp khí hậu là thuật ngữ chỉ các biện pháp chủ động làm mát Trái đất, như phun aerosol vào tầng khí quyển. Tuy nhiên, các phương pháp này vẫn gây tranh cãi gay gắt trong giới khoa học vì tính hiệu quả chưa được kiểm chứng cũng như những rủi ro chưa thể lường trước.
"Hệ thống công nghiệp có quán tính rất lớn", ông David Victor, giáo sư chính sách công tại Đại học California, San Diego, người từng hoài nghi về khả năng đạt được mục tiêu 1,5 độ C từ trước cả khi Hiệp định Paris ra đời, nhận định. "Do đó, chúng ta không thể thay đổi nhanh chóng được".
Việc không thể duy trì giới hạn mức tăng nhiệt dưới 1,5 độ C sẽ đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn lạc quan trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu và mở ra một thời kỳ bất định mới. Các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có nắng nóng chết người, sẽ ngày càng trầm trọng.
Điều đó cũng đặt các nhà hoạch định chính sách và các nhà đàm phán khí hậu vào thế khó. Họ buộc phải đối mặt với thực tế là mục tiêu đã không thể thực hiện. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng từng thừa nhận mục tiêu 1,5 độ C đang "dần lụi tàn". Do đó, dù sớm hay muộn, các quốc gia sẽ phải thừa nhận thất bại và tìm kiếm một mục tiêu mới.
"Có thể hình dung các chính phủ sẽ nói rằng: Mục tiêu 1,5 độ C là không khả thi nữa, nhưng chúng tôi vẫn sẽ thực hiện mục tiêu này, và sẽ tăng cường nỗ lực ở mặt khác’", ông Victor nhận định.
Một số quốc gia và nhà khoa học vẫn hy vọng vào kịch bản "vượt ngưỡng tạm thời" - tức là nhiệt độ trung bình của Trái đất có thể vượt qua ngưỡng 1,5 độ C trong ngắn hạn, sau đó, khi chúng ta loại bỏ CO2 khỏi khí quyển, chúng ta có để nhiệt độ quay lại mức an toàn.
Dù vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo: Nếu các quốc gia hiện tại còn chưa đầu tư đủ vào năng lượng tái tạo và lưu trữ, thì việc xây dựng công nghệ loại bỏ CO2 khỏi khí quyển vẫn là điều xa vời.
"Cá nhân tôi rất hoài nghi về việc liệu nhân loại có sẵn sàng chi hàng chục ngàn tỷ USD để xử lý tình trạng vượt ngưỡng tạm thời này hay không", ông Hausfather bày tỏ.
Trong tương lai gần, các nước có thể phải chuyển mục tiêu sang ngưỡng dễ đạt hơn được nêu trong Hiệp định Paris - tức là giữ nhiệt độ dưới 2 độ C. Tuy nhiên, ngay cả mục tiêu này hiện tại cũng khó khả thi, khi Trái Đất đang trên đà nóng lên khoảng 2,5 độ C.
"Nếu chúng ta càng trì hoãn thì mọi thứ càng khó khăn hơn,” ông Hausfather kết luận. “Chỉ cần chần chừ thêm một thập kỷ nữa, chúng ta sẽ lại phải nói về mục tiêu 2 độ C như cách chúng ta đang nói về mục tiêu 1,5 độ C bây giờ".