Nằm ở phía Tây Nam Ấn Độ Dương, Madagascar có dân số khoảng 30 triệu người, trong đó phần lớn sinh sống tại các vùng nông thôn hẻo lánh, thiếu thốn các dịch vụ thiết yếu như đường sá, điện, nước sạch hay trường học. Để giúp người dân thoát nghèo, chính phủ Madagascar đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cơ bản. Tuy nhiên, tiến trình này gặp nhiều thách thức do bão nhiệt đới và thiên tai.
Theo thống kê, mỗi năm Madagascar chịu thiệt hại khoảng 100 triệu USD do hạ tầng bị tàn phá, trong đó 85% do bão gây ra. Con số này được dự báo sẽ gia tăng do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tốc độ tăng dân số nhanh cũng làm gia tăng áp lực phải mở rộng hạ tầng. Theo đó, quốc gia này cũng phải đồng thời tìm cách bảo vệ các mạng lưới giao thông, năng lượng và nước khỏi các rủi ro ngày càng lớn.

Madagascar đang thúc đẩy xây dựng hạ tầng thích ứng khí hậu để đảm bảo sự phát triển bền vững và bao trùm. Ảnh: UNDRR.
Để giải quyết thách thức về thích ứng khí hậu, Madagascar đã trở thành một trong bốn quốc gia – cùng với Bhutan, Chile và Tonga – tiên phong áp dụng Phương pháp luận toàn cầu về Đánh giá khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, do Văn phòng Liên hợp quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR) và Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai (CDRI) phát triển.
Phương pháp này gồm năm bước: Lập bản đồ các bên liên quan; Rà soát chính sách và quy định; Xác định điểm yếu thông qua kiểm tra sức bền; Áp dụng nguyên tắc về hạ tầng chống chịu; Xây dựng kế hoạch thực hiện có phân công trách nhiệm rõ ràng. Cách tiếp cận toàn diện này giúp các quốc gia xác định và ưu tiên những chiến lược nhằm nâng cao khả năng chống chịu của hạ tầng trước tác động của khí hậu và thiên tai.
Ông Elisaha Rakotoseheno, Giám đốc phụ trách xây dựng khả năng chống chịu khí hậu thuộc Cơ quan Phòng ngừa và quản lý rủi ro thiên tai quốc gia (CPGU) cho biết: “Nâng cao khả năng chống chịu đối với hạ tầng là một mục tiêu ưu tiên đối với Madagascar trong bối cảnh quốc gia này đối mặt với những thiệt hại kinh tế đáng kể hàng năm do biến đổi khí hậu và các thảm họa khác gây ra”.
Ông nhấn mạnh, việc xây dựng lộ trình tăng cường khả năng chống chịu cho cơ sở hạ tầng là một chiến lược quan trọng, bởi nó không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai mà còn đảm bảo sự bền vững cho các khoản đầu tư phát triển trong dài hạn.
Madagascar hiện đang từng bước triển khai các kế hoạch hành động dựa trên phương pháp luận toàn cầu này, với kỳ vọng tạo ra một nền tảng hạ tầng vững chắc hơn không chỉ để thích ứng khí hậu, mà còn để thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo và tăng trưởng bao trùm.