Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) vừa phê duyệt khoảng 120 triệu USD khoản tài trợ mới để giúp các nước Ghana, Maldives và Mauritania tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Các dự án do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát triển, theo yêu cầu của ba quốc gia, nhằm hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp dựa vào thiên nhiên, nông nghiệp bền vững, hệ thống cảnh báo sớm và cải thiện an ninh nguồn nước.

Quỹ Khí hậu Xanh vừa cấp khoảng 120 triệu USD hỗ trợ Ghana, Maldives và Mauritania thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: UNEP.
Ông Henry Gonzalez, Giám đốc Đầu tư của Quỹ Khí hậu Xanh cho biết: “Việc phê duyệt các dự án này thể hiện cam kết của GCF trong việc hỗ trợ các quốc gia ưu tiên hành động khí hậu. Những khoản đầu tư này sẽ mang lại tác động tích cực cho các lĩnh vực quan trọng trong việc tăng cường khả năng thích ứng với khí hậu tại Ghana, Maldives và Mauritania”.
Các sáng kiến này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính khí hậu ở những nơi cần thiết nhất, đặc biệt là tại các Quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) và khu vực Sahel, dự kiến hơn 3,5 triệu người sẽ được hưởng lợi.
Ông Martin Krause, Giám đốc Ban Biến đổi Khí hậu của UNEP chia sẻ: “Những dự án này thể hiện cam kết mạnh mẽ của UNEP trong việc hỗ trợ các quốc gia ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Chúng tôi tập trung vào các giải pháp phù hợp với từng địa phương, do cộng đồng lãnh đạo và dựa trên khoa học”.
Ghana: Hỗ trợ tăng khả năng chống chịu của hệ sinh thái nông nghiệp
Miền bắc Ghana đang đối mặt với lượng mưa thất thường, mùa khô kéo dài gây thiếu lương thực, cạn kiệt nguồn nước và hạ tầng bị tàn phá do lũ lụt. Những hộ nông dân nhỏ, phụ thuộc vào nông nghiệp tự cung tự cấp dựa vào nước mưa, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ tăng cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn gây vỡ đập và lũ lụt.
Dự án mới trị giá 70 triệu USD, trong đó có 63 triệu USD tài trợ từ GCF, sẽ giúp tăng cường khả năng chống chịu của hệ sinh thái nông nghiệp và sinh kế nông thôn. Dự án sẽ hỗ trợ 120 cộng đồng tại 8 huyện thuộc ba vùng Đông Bắc, Đông Thượng và Tây Thượng thông qua các hoạt động như: nâng cao khả năng tiếp cận dữ liệu khí hậu và hệ thống cảnh báo sớm; xây dựng hệ thống lưu trữ nước phục vụ canh tác mùa khô và phục hồi 28.000 ha đất bị thoái hóa nhằm cải thiện chất lượng đất, tăng khả năng giữ nước và giảm nguy cơ lũ lụt.
Chính phủ Ghana giao Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Cơ quan Khí tượng phối hợp triển khai dự án. Dự án sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 619.000 người và giúp hệ thống cảnh báo sớm tiếp cận tới 2,9 triệu người. Ngoài ra, khoảng 120.000 người sẽ được cải thiện an ninh lương thực nhờ các biện pháp canh tác thích ứng khí hậu.
Maldives: Xây dựng cộng đồng có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu
Maldives là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, khi gần 80% diện tích lãnh thổ nằm ở độ cao chưa đến một mét so với mực nước biển. Quốc đảo này đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ nước biển dâng, bão, lũ lụt, nắng nóng, xói mòn bờ biển và các hiện tượng thời tiết cực đoan, đe dọa ngành nông nghiệp, thủy sản, du lịch - những trụ cột kinh tế chính - và tác động nặng nề tới người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người dân nghèo, sống xa trung tâm.
Để ứng phó, UNEP phối hợp với các đối tác quốc tế và trong nước Maldives triển khai dự án “Tăng cường dịch vụ khí hậu và cảnh báo sớm đa nguy cơ dựa trên tác động” (TRACT). Dự án hướng tới mục tiêu xây dựng các cộng đồng có nhận thức về rủi ro và có khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu.
Dự án trị giá 25 triệu USD, do UNEP điều phối trong 5 năm, sẽ mang lại lợi ích cho hơn 500.000 người. Đây là một phần của sáng kiến “Cảnh báo sớm cho tất cả mọi người” (EW4All), hướng đến mục tiêu đến năm 2027, tất cả mọi người trên thế giới đều được bảo vệ khỏi các hiện tượng khí hậu nguy hiểm nhờ các hệ thống cảnh báo sớm. Dự án cũng sẽ hỗ trợ Maldives triển khai lộ trình quốc gia nhằm mở rộng hệ thống cảnh báo khí hậu một cách toàn diện và hiệu quả hơn.
Mauritania: Xây dựng hạ tầng xanh ứng phó với khô hạn
Nằm giữa sa mạc Sahara và vùng Sahel, Mauritania đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán kéo dài, cát xâm lấn và khan hiếm nước. Các vấn đề này làm suy giảm chất lượng cuộc sống, đe dọa sinh kế người dân và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng như đường sá, trường học. Sản lượng nông nghiệp thấp khiến Mauritania phải nhập khẩu tới 85% lương thực để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Với tổng đầu tư 33 triệu USD, trong đó Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ 30 triệu USD, dự án mới sẽ tập trung phục hồi hệ sinh thái và cải thiện sinh kế tại 4 khu vực dễ bị tổn thương: Aoujeft, Rachid, Tamcheket và Nema. Dự án sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng "xanh-xám" (kết hợp giữa các giải pháp tự nhiên với các công trình kỹ thuật) nhằm cố định cồn cát, kiểm soát cát xâm lấn, mở rộng tiếp cận nước cho sản xuất nông nghiệp, phục hồi đất và thúc đẩy nông nghiệp bền vững để đảm bảo an ninh lương thực và tăng thu nhập cho người dân.
Dự án do Bộ Môi trường và Phát triển Bền vững Mauritania chủ trì, dự kiến sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho 85.000 người và giúp 145.000 người khác tăng cường khả năng chống chịu. Ngoài ra, dự án sẽ góp phần bảo vệ 2.100 ha đất và hỗ trợ Mauritania thực hiện cam kết trong Sáng kiến "Bức tường xanh vĩ đại" - một nỗ lực chung của các quốc gia châu Phi nhằm ngăn chặn sa mạc hóa và tăng cường khả năng phục hồi khí hậu trên toàn lục địa.