Càng lớn cháu càng thất vọng vì cha của mình (Ảnh minh họa)
Cô Dạ Hương kính mến!
Từ thuở bé người mà cháu gần gũi và luôn cưng chiều cháu là bố cháu, nhưng khi càng lớn lên, càng hiểu chuyện cháu lại càng thất vọng về người cha của mình. Bây giờ giữa hai bố con như có một bức tường lớn ngăn cách.
Có lẽ trong lòng cháu sự thất vọng ấy quá lớn, nó đủ mạnh để xua đi những ký ức đẹp về người bố trong đầu. Với cháu ông ấy không phải là người chồng người cha tốt, mà là một người bảo thủ, gia trưởng, một người bố vô trách nhiệm, thiếu quan tâm đến con cái. Là một chủ nhiệm ở HTX đáng lẽ ra ông ấy phải gương mẫu và phải biết cân nhắc nhiều hơn. Đằng này suốt ngày say xỉn, ham mê cờ bạc, lại làm chuyện có lỗi với mẹ cháu. Cháu tức lắm nhưng không thể nói vì ông ấy không phải là một người biết lắng nghe.
Làm được bao nhiêu tiền là tiêu xài vào các cuộc nhậu với bạn bè, chẳng quan tâm hay sửa sang gì đến nhà cửa. Ông ấy rất nóng tính nên mẹ cháu chẳng dám nói gì. Nhiều lúc cháu có ý định sẽ trả thù bằng cách bỏ học nhưng nghĩ lại nếu làm thế cháu sẽ đánh mất tương lai của mình, nên ngược lại cháu chăm chỉ học nhiều hơn để năm nào cũng được học sinh giỏi. Có thế mới không làm mẹ cháu đau lòng.
Đã học 12 rồi nhưng chưa lần nào cháu tâm sự chuyện bố mình cho ai. Đi chơi với bạn học, khi nhắc đến bố là mắt họ sáng lên với vẻ tự hào, còn cháu thì luôn thấy buồn và tủi thân. Trong mắt mọi người cháu là một cô bé hạnh phúc, xinh đẹp, học giỏi và được bố mẹ nuông chiều nhưng mấy ai biết được hàng đêm cháu phải khóc thầm.
Lúc trước anh cháu còn ở nhà, cháu có người để trò chuyện, gia đình có xảy ra chuyện gì thì có anh có em. Giờ anh cháu đi học xa nên cháu đi học thì vui, về nhà lại buồn hẳn. Dấu mốc bất hạnh nhất trong đời cháu là người bạn thân của cháu đã ra đi mãi mãi. Chuyện đã qua một năm nhưng hình ảnh cậu ấy thì không bao giờ nhạt phai trong cháu. Có lẽ bây giờ cháu phải tự lập và học cách không có cậu ấy bên cạnh.
Cháu hy vọng cô sẽ cho cháu một lời khuyên cô nhé.
Cháu gái buồn (Thừa Thiên)
Cháu thương mến!
Nhiều người nước ngoài chỉ đến Việt Nam một lần đã thốt lên: Đàn bà nước này quá khổ. Cô cũng thấy như vậy nhưng cô còn suy luận thêm: Chính vì giỏi giang quá mà khổ. Cháu thử xem chung quanh mình đi. Nhà nào người đàn bà cũng là nội tướng, chủ động, xoay sở, tảo tần. Ngày mùa, nhìn trên cánh đồng thấy toàn nón lá và áo xanh áo đỏ. Ngày giỗ ngày tết, phụ nữ quần quật chân không bén đất. Ở thành phố, phụ nữ cũng đi làm hay đi buôn bán, chiều về sấp ngửa đón con, đi chợ, về nhà, làm bếp và chờ chồng. Trong khi đó những ông chồng của họ ở đâu? Xin thưa, họ ở quán bia, quán cà phê, nhà hàng, thậm chí có người đang hát karaoke mỏi tay ở chỗ nào đó.
Xã hội chiến trận, đàn ông đánh giặc giỏi nhưng sau đánh giặc thì chùng gân chùng chí, hoặc phét tướng công thần hoặc chán đời buông xuôi. Mọi chuyện sinh tồn đổ lên vai đàn bà hết. Người phụ nữ quen chịu đựng và bao dung, họ vừa cao cả vừa sâu sắc chứ không giản đơn như ta hình dung. Vì vậy mà thơ ca rất nhiều về mẹ, người mẹ Việt Nam ngàn lần đáng tôn vinh. Trong gia đình, hễ dương yếu thì âm mạnh, quy luật chèo chống để tồn tại đấy.
Tìm đâu ra một người đàn ông Việt Nam lý tưởng bây giờ? Ngày xưa mất nước họ lo cứu nước để mọi người thoát khỏi cảnh nô lệ, lúc ấy họ ngời sáng lắm. Hoà bình, họ ỷ lại hơn, vì vậy họ sa sút đi. Có một toà báo đặt cô viết một bài với chủ đề "Đến bao nhiêu tuổi thì đàn ông mới được xem là "người lớn"? Cháu thấy chưa, đâu phải mình cháu hay mình cô thất vọng về đàn ông. Nhưng gẫm cho cùng, hãy đợi đấy, khi đất nước lâm nguy thì những chàng những ông bia bọt gia trưởng và vô trách nhiệm ấy lại ngời sáng anh hùng lên ngay.
Đừng quá cay đắng với bố rồi tự làm hỏng mình. Đèn nhà ai nấy rạng, cháu biết làm sao hết mặt tối của những gia đình của bạn bè mình. Thương mẹ thì hãy có bằng cấp và sự nghiệp, thương mình thì nữa hãy khôn ngoan và chín chắn để chọn một người không như bố mình. Rất mừng vì cháu đã lớn lên ngoan hiền, vững chãi.