| Hotline: 0983.970.780

Xử lý rác thải sinh hoạt_ bế tắc ở Vĩnh Phúc:

Cần thanh, kiểm tra việc thực hiện Đề án xử lý rác thải

Thứ Hai 12/05/2025 , 22:32 (GMT+7)

Đề án xử lý rác thải tại tỉnh Vĩnh Phúc đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận để đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.

‘Đốt’ tiền ngân sách từ Đề án xử lý rác thải

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã mạnh tay đầu tư kinh phí thực hiện Đề án xử lý rác thải sinh hoạt khoảng 2.138,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 1.472,8 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là 665,5 tỷ đồng. Với nguồn vốn đầu tư này,  tưởng như cả vùng nông thôn và thành thị của địa phương sẽ sạch bong như ý nghĩa của Đề án. Thế nhưng, sau vài năm triển khai, thứ duy nhất được "xử lý"  là tiền ngân sách.

Người dân, doanh nghiệp đang chứng kiến một nghịch lý mang tên “rác càng nhiều ngân sách càng hao”. Bởi mỗi năm, ngân sách nhà nước chi vào Đề án xử lý rác với những con số tăng đều qua các năm, từ 268.1 tỉ đồng năm 2022, đến 357,6 tỷ đồng năm 2025. Nhưng sau mỗi đợt “rót vốn”, thứ duy nhất biến mất thần kỳ chỉ là tiền, còn rác thì vẫn ở lại kiên trì, bền bỉ, bao vây ruộng đồng.

thiet-ke-chua-co-ten-2-185621_30

Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ảnh: Hùng Khang.

Theo Đề án, UBND tỉnh Vĩnh Phúc các sở, ban, ngành thể hiện một tầm nhìn “chiến lược” khi quy hoạch tới 232 bãi chôn lấp, điểm tập kết rác thải, con số đủ để khiến bất cứ ai nhìn vào cũng phải "gật gù" vì quy mô hoành tráng. Trên giấy, mỗi bãi chôn lấp đều có diện tích cụ thể, được coi là những "công trình xanh", nhưng thực tế, như những "vết sẹo" xám xịt trên đất.

Tại các địa điểm chôn lấp, các bãi rác này ngày đêm rỉ nước vào ruộng đồng, ao hồ, sông suối, biến cả hệ sinh thái quanh đó thành một "nồi lẩu hóa chất" không mong muốn.

Trong khi đó, báo cáo năm nào cũng nêu: “Mục tiêu 95% bãi chôn lấp rác thải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường được tái sử dụng vào các mục đích khác”, nhưng thực chất là ô nhiễm lan rộng theo địa bàn. 232 bãi chôn lấp không chỉ lưu giữ rác thải mà lưu giữ luôn cả sự thất bại của một Đề án hàng nghìn tỉ đồng.

Giờ đây, người dân gọi bãi chôn lấp rác thải là “di sản”, bởi các bãi rác không tự biến mất, chúng chỉ trở thành những "quả bom" rác khiến đất không thể trồng, cây không thể mọc.

Điểm chôn lấp rác thải gây ô nhiễm môi trường cho người dân. Ảnh: Hùng Khang.

Điểm chôn lấp rác thải gây ô nhiễm môi trường cho người dân. Ảnh: Hùng Khang.

Giữa bạt ngàn ruộng đồng của làng quê, 37 lò đốt rác, mỗi lò  được đầu tư tiền tỷ mọc lên như những tượng đài hiện đại của lòng kiên nhẫn. Đơn cử lò đốt rác tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư hơn 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại nơi đặt lò xử lý rộng 1,2 hecta, rác thải chất cao như núi chạy dài từ cổng đến lò đốt.

Vậy mà trước đây, những lò đốt này được quảng bá là giải pháp công nghệ cao, đốt sạch rác, không khói đen, không mùi khét. Người dân sinh sống tại gần lò đốt hằng ngày vẫn chứng kiến khói đen, rác vẫn đầy và tiền ngân sách thì “cháy” rất đều.

Lò đốt rác đang là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hùng Khang.

Lò đốt rác đang là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hùng Khang.

Thay vì trở thành công cụ bảo vệ môi trường, những bãi chôn lấp, lò đốt trở thành biểu tượng sống động cho câu nói: “Tiền không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa thành tro bụi”.

Theo đúng phân kỳ, đến nay dự án đã đầu tư 1.713 tỉ đồng, thế nhưng sau khi hàng nghìn tỉ đồng đã "được tiêu đúng quy trình", rác thải vẫn được đối xử theo cách truyền thống là gom thành đống để chờ thời gian lo liệu.

Bế tắc cho doanh nghiệp xã hội hóa

Với việc huy động nguồn vốn xã hội hóa khoảng 665.5 tỉ đồng cho việc xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung và thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải, đến nay nhiều doanh nghiệp xử lý rác thải lâm vào tình cảnh bế tắc.

Được đầu tư với số tiền hàng chục tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, nhà máy xử lý rác thải của Công ty Môi trường công nghệ Việt được UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng thuận về việc xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm đảm bảo và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động khu xử lý rác thải này đã gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường và người dân. Đến nay nhà máy đã phải đóng cửa.

Nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH MTV Công nghệ môi trường được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, chưa được tỉnh cấp phép vận hành. Ảnh: Hùng Khang.

Nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH MTV Công nghệ môi trường được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, chưa được tỉnh cấp phép vận hành. Ảnh: Hùng Khang.

Nhà máy xử lý rác thải của Công ty TNHH MTV Công nghệ môi trường được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, từ cuối năm 2023 nhà máy luôn trong trạng thái nằm im do chưa được UBND tỉnh Vĩnh Phúc hướng dẫn các thủ tục để được cấp phép hoạt động.

Máy móc gỉ sét, bãi rác tồn đọng, cỏ mọc um tùm. Doanh nghiệp từng được mời gọi đi tiên phong trong phong trào xã hội hóa xử lý rác giờ trở thành kẻ đơn độc giữa vùng đất hoang, bị bỏ rơi bởi chính sách.

Quyết định về chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy. Ảnh: Hùng Khang.

Quyết định về chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy. Ảnh: Hùng Khang.

Hàng trăm tỷ đồng được doanh nghiệp đầu tư, hàng trăm hecta đất “vàng” được quy hoạch làm khu xử lý rác, với kỳ vọng thay đổi diện mạo nông thôn. Thế nhưng, sau những lễ khởi công hoành tráng là hàng loạt công trình dang dở, nhà máy xây xong rồi bỏ hoang, hoặc động cầm chừng…..,.

Nhiều doanh nghiệp phải “bỏ của chạy lấy người” vì “đói rác”, do không nhận được hỗ trợ như cam kết ban đầu. Trong khi nhà nước lãng phí đất đai, nguồn vốn đầu tư không sinh hiệu quả, hạ tầng bỏ hoang, ngân sách địa phương cũng không thu hồi được gì. Đó phải chăng là cái giá phải trả cho một đề án thiếu sự giám sát, thiếu tầm nhìn dài hạn và không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa các bên liên quan.

Cần thanh, kiểm tra việc thực hiện Đề án xử lý rác thải

Theo PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường: “Những tồn tại trong việc xử lý rác thải sinh hoạt tại tỉnh Vĩnh Phúc như Báo Nông nghiệp và Môi trường đã nêu cho thấy thiếu sự vào cuộc quyết liệt của địa phương. Ở đâu chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, tìm cách tháo gỡ vướng mắc ở đó đều thực hiện tốt”.

“Cần phải thanh tra, kiểm tra theo quy định của luật, vì sao việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải lại không hiệu quả, vướng mắc ở đâu, để có giải pháp tháo gỡ. Ví dụ vướng chính sách thì vướng chỗ nào, thiếu quy hoạch và hạ tầng xử lý thì thiếu chỗ nào; nhận thức và tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp người dân ra sao”, ông Chinh nhấn mạnh.

Lãng phí từ các nhà máy rác bị bỏ hoang. Ảnh: Hùng Khang.

Lãng phí từ các nhà máy rác bị bỏ hoang. Ảnh: Hùng Khang.

Trước thực trạng trên PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cũng đưa ra một số giải pháp như: “Cần xác định rõ và quy trách nhiệm cho người đứng đầu quản lý các cấp ở địa phương đối với việc xử lý chất thải, đây sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá lãnh đạo địa phương có hoàn thành nhiệm vụ hay không”.

Sau nhiều năm triển khai Đề án xử lý rác thải, thực tế tại tỉnh Vĩnh Phúc đã bộc lộ rõ nhiều bất cập: Nhà máy rác không hoạt động, đất đai bị bỏ hoang, vốn đầu tư bị lãng phí, quy hoạch chưa sát thực tế, thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Trước thực tế tồn tại trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc không thể tiếp tục né tránh. Đây là lúc cần một sự nhìn nhận thẳng thắn và toàn diện để đánh giá lại hiệu quả từng dự án, công khai các trường hợp thất bại, đồng thời thiết lập lại chiến lược xử lý rác dựa trên nhu cầu thực tế, công nghệ phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư. 

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Hàng loạt nhà thuốc đóng cửa bất thường: Thuốc thiếu hóa đơn, cửa hàng không phép!

HẢI DƯƠNG Các quầy thuốc, nhà thuốc đóng cửa, phải dỡ cả biển là nhà thuốc '3 không': Chứng chỉ hành nghề, Giấy phép đăng ký kinh doanh và đạt chuẩn GPP do Sở Y tế cấp.

Vi phạm tại Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Ninh Bình

Công ty Khai thác Công trình Thuỷ lợi Ninh Bình để xảy ra nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng, quản lý các hồ chứa...

Bộ Công an công bố đường dây nóng tố giác tội phạm về môi trường

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) - Bộ Công an vừa công bố đường dây nóng tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm về môi trường.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.