Nhà văn Nguyễn Gia Nùng
Không chỉ là người tuyên truyền, người cổ động, Báo Nông nghiệp Việt Nam còn là những người hướng dẫn để người nông dân nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước.
Có thể nói mỗi số báo là một đoàn cán bộ nông nghiệp có đủ các bộ môn tuyên huấn, nhà quản lý, thi đua, nhà khoa học cùng nhiều ngành chuyên môn, cộng tác viên đi về tận các sở nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
"Bầu đoàn thê tử" đi để gặp gỡ, bàn bạc, trao đổi với các đối tượng của mình nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực, cụ thể. Và người nông dân cũng đón nhận họ hết sức nhiệt tình.
Những năm trước đây, tôi có dịp nhiều lần cùng đi với nhà báo Nguyễn Mạnh Thường về các địa phương. Khi ấy anh đang là Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam tại các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên.
Với địa bàn phụ trách hàng ngàn cây số dọc theo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, nhưng tôi có cảm giác về với địa phương nào anh cũng được đón tiếp như về nhà.
Các giám đốc, ban lãnh đạo ở các cơ sở, địa phương không chỉ cho anh biết tình hình thực tế ở cơ sở, địa phương mình, còn sẵn sàng chia sẻ với anh những lo lắng, băn khoăn, những thuận lợi, những vướng mắc để anh góp ý như một thành viên của cơ sở mình.
Một giám đốc Cty cao su đang được đề nghị phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới tâm sự với anh về những bất cập, khó khăn mà đơn vị đang cố gắng khắc phục, giải quyết.
Những công nhân gặp anh bày tỏ những khó khăn, thắc mắc về giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động… Anh cũng đã thẳng thắn trao đổi với họ.
Chính vì vậy, những bài viết trên Báo Nông nghiệp Việt Nam luôn sát với thực tế, được người đọc đồng tình, tâm đắc. Nhiều bạn đọc đã sưu tầm, cắt giữ những tờ báo mà họ yêu thích, đặc biệt là những bài chỉ dẫn cho họ trong sản xuất, kinh doanh sao cho có hiệu quả nhất.
Nếu chuyên mục "Chuyện nhà nông" trên VTV, trong đó chuyên gia Nguyễn Lân Hùng và nhiều nhà chuyên môn khác giải đáp những thắc mắc của bà con, được người xem truyền hình chăm chú theo dõi hằng ngày thì trên nhiều số báo của Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng được hưởng ứng tương tự.
Không phải tờ báo nào cũng được người đọc hưởng ứng như vậy. Bởi có báo người đọc chủ yếu là theo dõi tin tức, đọc xong rồi dễ dàng vứt bỏ.
Không chỉ mang những thông tin từ trên đưa xuống, Báo Nông nghiệp Việt Nam còn là diễn đàn của những người dân nói lên những băn khoăn, thắc mắc, bày tỏ nguyện vọng của dân lên các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước.
Tôi nhớ cách đây mấy chục năm, khi tôi đại diện cho Ban lãnh đạo Đài Phát thanh tỉnh Phú Khánh cũ (nay chia tách thành 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên) lên gặp gỡ, làm việc với các cán bộ chủ chốt huyện Tây Sơn (nay là huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), Chủ tịch huyện Bá Nam Trung, một vị Chủ tịch người dân tộc Ba Na rất sắc sảo, năng động đã tiếp chúng tôi.
Anh nói: “Các anh nói nhiều về đồng bằng, ít nói về miền núi và các dân tộc. Mình nhớ trước đây còn chiến tranh, mình tuyên truyền chỉ bằng cái loa tay. Nói được ít tiếng, địch bắn ra dữ dội mà mình vẫn phải nói.
Bây giờ sướng quá. Mình ngồi một chỗ nói trên sóng có cả hàng triệu người nghe. Nói ra đạo lý làm người, bày cho dân những kiến thức làm giàu, nói ra tiền ra bạc, phải cho mình nói với chứ”.
Ở Khánh Hòa ngày nay có hàng chục văn phòng, cơ quan đại diện của các báo chí Trung ương và địa phương nhưng Văn phòng đại diện của Báo Nông nghiệp Việt Nam vẫn là một trong những nơi tin cậy nhất của các nhà báo và bạn đọc.
Hằng năm vào ngày kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, ngoài buổi gặp mặt của lãnh đạo tỉnh với Hội Nhà báo thì Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam với trụ sở khang trang bề thế vẫn là nơi gặp mặt thân mật, ấm cúng của các nhà báo.
Có cả đại diện các cơ quan lãnh đạo tỉnh và cộng tác viên trong khu vực về dự đông đủ. Điều đó cũng góp phần khẳng định vị trí và lòng tin yêu của đông đảo bạn đọc với Báo Nông nghiệp Việt Nam mà không phải tờ báo nào cũng dễ dàng có được.