| Hotline: 0983.970.780

Bộ Canh nông ngày ở Việt Bắc

Thứ Hai 07/12/2015 , 06:10 (GMT+7)

Trong thời gian cư trú, làm việc tại vùng núi rừng Việt Bắc, nơi khó khăn và thiếu thốn trăm bề, nhưng các thế hệ cán bộ Bộ Canh nông đã cần mẫn làm việc không ngừng nghỉ...

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, Bộ Canh nông, nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT sơ tán về núi rừng Việt Bắc, điểm dừng chân cuối cùng trước khi về tiếp quản Thủ đô, chính là khu Đồng Tang, thôn Hoắc, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) ngày nay.

Cơ cấu gọn, di chuyển nhanh

Ngày 14/11/1945, Hội đồng Chính phủ ra Quyết nghị về việc thành lập Bộ Canh nông, đồng thời bổ nhiệm ông Cù Huy Cận giữ chức vụ Bộ trưởng.

Cuối năm 1946, Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, cuộc kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cơ quan bộ, ban, ngành ở Trung ương gấp rút cuộc tổng di chuyển con người và cơ sở vật chất về rừng núi chiến khu Việt Bắc, để thực hiện phương châm kháng chiến lâu dài.

Đầu năm 1947, Bộ Canh nông đã di chuyển lên Việt Bắc. Lúc đầu ở xóm 11, xã Nông Tiến, thị xã Tuyên Quang (nay thuộc phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang). Cuối năm 1947, thực dân Pháp tấn công lên thị xã Tuyên Quang, Bộ tiếp tục di chuyển lên xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa.

Năm 1949, lại di dời trụ sở sang thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh, cùng huyện. Năm 1951, Bộ chuyển về ở, làm việc tại khu Đồn điền Lê Thăng (nay là xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương) trước khi về chợ Me, thị xã Vĩnh Yên.

Giai đoạn năm 1952 đến 1954, Bộ Canh nông cùng Vụ Thủy Lâm và Viện Chăn nuôi chuyển về ở, làm việc tại khu Đồng Tang, nay thuộc thôn Hoắc, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Lúc này, ông Nghiêm Xuân Yêm giữ chức Bộ trưởng, ông Trương Việt Hùng làm Thứ trưởng, ông Lê Văn Ngươn là Đổng lý Văn phòng... cùng khoảng 30 cán bộ, nhân viên thuộc các phòng trực thuộc Bộ.

Thời kỳ ở Việt Bắc, cơ cấu tổ chức của Bộ thường nhỏ gọn, gồm có Văn phòng Bộ và các đơn vị như Viện Trồng trọt Trung ương, Vụ Thủy Lâm, Viện Chăn nuôi, Trường trung cấp Canh nông.

Văn phòng Bộ có nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch sản xuất hàng năm, đề ra chính sách, sắc lệnh về nông - lâm - ngư nghiệp, đồng thời phụ trách vấn đề tổ chức cán bộ của ngành trong phạm vi toàn quốc.

Văn phòng Bộ có 6 phòng: Hành chính, Tổ chức, Tài vụ, Trồng trọt, Chăn nuôi, Tuyên truyền Báo chí, cơ cấu rất gọn, mỗi phòng chỉ có 3 đến 6 người. Phòng Tuyên truyền Báo chí có 4 người, do đồng chí Trần Văn Hà phụ trách.

Những quyết sách chiến lược

Trong thời gian cư trú, làm việc tại vùng núi rừng Việt Bắc, nơi khó khăn và thiếu thốn trăm bề, nhưng các thế hệ cán bộ Bộ Canh nông đã cần mẫn làm việc không ngừng nghỉ, nhằm tìm kiếm kinh nghiệm, kế sách hay trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp để giúp Đảng, Nhà nước có quyết định đúng đắn, góp phần cổ vũ toàn dân thi đua sản xuất.

10-19-54_3
Đường vào Khu Di tích Bộ Canh nông mới được đầu tư

Cùng với việc đề ra chủ trương và vận động nhân dân tích cực sản xuất, chăn nuôi, Bộ Canh nông còn có kế hoạch cụ thể về chuyên môn của toàn ngành nông - lâm nghiệp tại từng Liên khu trên phạm vi cả nước.

Như Liên khu Việt Bắc vốn là địa bàn sản xuất quan trọng nhất, chính vì vậy, toàn Liên khu tập trung vào sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi tiểu và đại gia súc, phục vụ nhu cầu của quân đội và nhân dân.

 Ưu tiên sản xuất than, củi, gỗ, kiến thiết đường theo kế hoạch quân sự, đồng thời hoàn thành kế hoạch giảm tô, giảm tức, phát triển mạnh mẽ phong trào đổi công, hợp công trong toàn liên khu.

Còn Liên khu III, được xác định là vùng tạm chiếm, chính vì vậy Bộ đã chỉ đạo phải giữ vững sản xuất lương thực, thực phẩm, tăng cường đấu tranh với giặc để bảo vệ cây trồng, vật nuôi cho nhân dân, đảm bảo vận chuyển thóc gạo cung cấp cho vùng tự do và căn cứ địa.

Tại Liên khu IV, Bộ đã tăng cường chỉ đạo tự túc sản xuất, có nhiệm vụ tiếp tế thóc gạo cho căn cứ địa, cung cấp sức kéo cho Liên khu III và thực phẩm cho chiến trường, sản xuất đủ than, củi, gỗ cho các cơ xưởng và tu sửa đường giao thông, sản xuất đủ nông phẩm để trao đổi ngoại thương.

Vùng tạm chiếm Liên khu V, Bộ tập trung vào xây dựng kế hoạch tăng diện tích lúa và hoa màu, phát triển đàn gia súc, đảm bảo tự cấp, tự túc và hỗ trợ lương thực, thực phẩm xây dựng căn cứ địa.

Ở các tỉnh Nam bộ, xây dựng kế hoạch tự cấp tự túc cho từng khu, thực hiện giảm tô trong toàn xứ, thành lập các tập đoàn sản xuất, phát triển rộng rãi phong trào đổi công, hợp công trong quần chúng nhân dân.

Trong thời kỳ ở, làm việc tại thôn Hoắc, xã Thái Bình, Bộ Canh nông đã có cơ cấu tổ chức khá hoàn thiện và thành lập được tổ chức công đoàn, với sự tham gia đầy đủ của cán bộ, viên chức ngành Canh nông, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ấn tượng đẹp trong lòng người dân

Ông Dương Quang Tý, năm nay đã 93 tuổi, nhưng vẫn nhớ và kể vanh vách về những kỷ niệm thời trai trẻ, mặc dù nó đã diễn ra hơn 60 năm trước. Dòng hồi ức như hiện dần về trong con người đã sống gần 1 thế kỷ này. 

“Năm 1952, tôi làm Phó Chủ tịch, kiêm trưởng Công an xã Bình Tiến nay là xã Thái Bình, thường xuyên đến thăm các đồng chí trong Bộ Canh nông.

Lúc nào đến chơi, tôi cũng lên lán của anh Nghiêm Xuân Yêm – Bộ trưởng để uống nước, trò chuyện. Lán chỉ cách gốc mít mật khoảng 4 m. Lần nào đến, cũng thấy các anh chăm chỉ làm việc. Dù rất bận, nhưng tất cả các anh rất chân tình, gần gũi với chúng tôi.

Có lần đến còn được ăn mít mật cùng với các anh ở Văn phòng Bộ. Chúng tôi phải đến đó thường xuyên, cũng vì công việc chung là đảm bảo an ninh cho các cơ quan Nhà nước tạm trú trong địa bàn”, ông Tý chia sẻ.

Bà Phạm Thị Tư, 82 tuổi, ở xóm An Lập, xã Thái Bình là người có duyên với Bộ Canh nông, bởi khi mới 20 tuổi đã đem lòng thương yêu, rồi trở thành vợ ông Nguyễn Văn Huệ, cán bộ Bộ Canh nông lúc bấy giờ.

10-19-54_4
Bà Phạm Thị Tư đang kể lại kỷ niệm về các đồng chí ở Bộ Canh nông

Mặc dù ông Huệ đã mất từ năm 1981, nhưng với bà, tất cả những luống rau, ao cá, giếng nước, gốc mít mật và cả những đêm xem văn công, hội diễn ở khu Đồng Tang, luôn là kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời bà.

“Ông Huệ nhà tôi được cử từ Hà Nội lên giúp việc cho anh Yêm Bộ trưởng. Lúc nào cũng thấy qua lại lán Bộ trưởng, ông ấy làm gì thì tôi cũng không biết, chỉ biết khi cơ quan di chuyển về Hà Nội, ông ấy nói thương tôi nuôi con nhỏ, nên xin nghỉ việc cơ quan ở lại đây gắn bó, chia sẻ cùng tôi. Các anh trong Bộ Canh nông ngày đó tuy thiếu đói, nhưng sống có tình nghĩa lắm...”, bà Tư nhớ lại.

Dẫn chúng tôi đi thăm 3 chiếc ao cá ăm ắp nước, ông Trần Xuân Phát, cho biết tất cả khu đất Đồng Tang gồm ruộng, vườn, cùng 3 chiếc ao cá đều do cán bộ của Bộ Canh nông đào đắp, cải tạo. Mãi đến năm 1965 thì nhà ông mới đến đây tiếp quản lại. Còn phía bên trên gốc mít mật cổ thụ vẫn còn dấu vết của chiếc hầm trú ẩn, cùng chiếc nền lán của Bộ trưởng Bộ Canh nông...

10-19-54_2-1
Ông Trần Xuân Phát (áo trắng) đứng dưới cây mít mật cổ thụ chỉ chiếc nền lán của Bộ trưởng Bộ Canh nông

Ông Phát còn cho biết thêm, từ năm 1965 đến nay cây mít mật này không hề lớn hơn tý nào, cũng không có cành nào thối, mọt, gãy đổ. Năm nào cũng cho rất nhiều quả, cả xóm ăn thoải mái.

Thấy ăn ngon, mọi người đem hạt về trồng, khi được thu hái quả, ăn lại không ngon. Theo lời truyền miệng, cây mít này đã ngự ở khu Đồng Tang này khoảng 200 năm, nên rất linh thiêng, mọi người trong thôn chẳng ai dám chặt hạ.

Xem thêm
U16 nữ Hà Nội bảo vệ thành công ngôi vô địch quốc gia

U16 nữ Hà Nội giành chiến thắng 2-1 trước Hà Nam, chính thức bảo vệ thành công danh hiệu vô địch giải U16 bóng đá nữ quốc gia 2025.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Ươm tạo 100 doanh nghiệp du lịch tiên phong quản lý rác hiệu quả

Mục tiêu của ‘Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác’ là đến năm 2030 ươm tạo được ít nhất 100 hạt nhân doanh nghiệp tiên phong thực hành quản lý rác hiệu quả.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất