Giữa tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt kế hoạch thực hiện kiên cố hóa kênh mương năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng chiều dài kênh mương sẽ được kiên cố hóa trong năm nay là hơn 147km, tưới cho hơn 6.823 ha đất nông nghiệp. Bình Định ưu tiên bố trí kinh phí cho các xã có kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2025, có đăng ký danh mục thực hiện kiên cố hóa kênh mương để đạt tiêu chí thủy lợi.
Cách đây 5 năm, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định đã ban hành Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND và UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 85/2020/QĐ-UBND quy định chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng giai đoạn 2021-2025. Đến nay, Bình Định đã kiên cố được gần 440km kênh mương, đạt 73% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; nâng tổng chiều dài kênh mương ở tỉnh này được kiên cố hơn 2.700km.

Khi kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, việc dẫn nước tưới cho đồng ruộng nhanh, kịp thời nên năng suất lúa tăng cao. Ảnh: V.Đ.T.
“Việc kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng ở Bình Định không chỉ giúp cải thiện năng lực tưới tiêu, mà còn đảm bảo hiệu quả sử dụng nước, góp phần tăng năng suất cây trồng và cải thiện đời sống người dân. Riêng trong năm 2024, Bình Định đã đầu tư hơn 55,6 tỷ đồng để kiên cố hóa thêm 137km kênh mương, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho hàng ngàn hecta đất canh tác”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định cho hay.
Xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) là địa phương thuần nông, nơi có 590 ha đất sản xuất lúa, chính quyền xã xác định muốn nâng cao đời sống cho người dân thì phải nâng cao năng suất lúa, muốn vậy thì việc đầu tiên phải làm là cung cấp nước tưới kịp thời, đầy đủ cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, từ năm 2012, bằng nội lực, xã Nhơn An đã bắt tay vào công cuộc kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Đến khi tỉnh Bình Định có chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng giai đoạn 2021-2025 thì công tác kiên cố hóa kênh mương ở Nhơn An càng được đẩy mạnh.
“Ngoài được UBND tỉnh hỗ trợ xi măng, xã luôn đảm bảo bố trí vốn đối ứng để đầu tư xây dựng các tuyến kênh mương đã đăng ký theo đúng kế hoạch được phê duyệt. Đến nay, hơn 90% tuyến kênh mương nội đồng ở Nhơn An đã được bê tông hóa. Hiện chỉ những tuyến kênh mương ngắn, tưới cho ít diện tích lúa là vẫn còn kênh đất. Nững tuyến kênh dẫn nước tưới cho từ 5-7 ha lúa trở lên đều đã được bê tông hóa”, ông Phan Long Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn An cho hay.
Cũng theo ông Hùng, từ khi kênh mương nội đồng trên địa bàn được kiên cố hóa, lực lượng thủy nông viên của xã giảm hẳn đi nhưng vẫn đảm bảo công tác tưới. Trước đây, lúc còn kênh mương đất, mỗi thôn trong xã Nhơn An được bố trí từ 5-10 thủy nông viên mới kịp dẫn nước cho đồng ruộng. Từ khi kênh mương được kiên cố hóa, mỗi thôn chỉ còn 1-2 người nhưng công tác dẫn nước từ kênh chính về đồng ruộng vẫn kịp thời. Tỷ lệ thất thoát nước tưới giảm mạnh, tình trạng nông dân lén móc mương đất để xả nước vào ruộng như trước đây cũng không còn, việc lấy nước vào ruộng bây giờ được tuân thủ theo chu kỳ phân phối của ngành chức năng.
“Lợi ích lớn nhất khi kênh mương nội đồng được kiên cố hóa là việc dẫn nước tưới cho đồng ruộng rất nhanh, kịp thời, năng suất lúa ở địa phương tăng rõ rệt. Năng suất lúa bình quân ở Nhơn An hiện đạt trên 70 tạ/ha”, ông Phan Long Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn An chia sẻ.