| Hotline: 0983.970.780

Đà Nẵng: Giữ biển để vươn lên từ biển

[Bài 4] Bảo vệ biển là ưu tiên chiến lược để phát triển 'Đà Nẵng mới'

Thứ Ba 15/07/2025 , 11:20 (GMT+7)

Sáp nhập mở không gian biển cho Đà Nẵng, nhưng cũng đặt ra yêu cầu toàn diện hơn trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái hướng đến phát triển bền vững.

Dư địa mới, thách thức mới

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ, phát triển kinh tế biển, du lịch và công nghiệp công nghệ cao được xác định là 3 trụ cột chiến lược trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, phát triển kinh tế biển bền vững không chỉ nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, mà còn gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng – an ninh và nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng dân cư ven biển. Nghị quyết 43 đóng vai trò như kim chỉ nam chiến lược, định hướng cho Đà Nẵng phát triển toàn diện – hiện đại nhưng hài hòa với thiên nhiên, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và gìn giữ hệ sinh thái biển.

Sau sáp nhập, không gian biển Đà Nẵng được mở rộng từ Nam Hải Vân đến Cù Lao Chàm, Tam Hải. Ảnh: Lan Anh

Sau sáp nhập, không gian biển Đà Nẵng được mở rộng từ Nam Hải Vân đến Cù Lao Chàm, Tam Hải. Ảnh: Lan Anh

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đà Nẵng, với tinh thần “hướng biển” và “chất biển”, thành phố không chỉ tập trung phát triển các ngành thế mạnh như cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch nghỉ dưỡng ven biển, mà còn đặc biệt chú trọng đến việc chống ô nhiễm, phục hồi hệ sinh thái ven bờ và phát triển mô hình đô thị biển sinh thái – thông minh.

Trong bối cảnh đó, việc sáp nhập Quảng Nam và Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế biển, khi không gian biển được mở rộng mạnh mẽ, kết hợp hơn 90 km bờ biển của Đà Nẵng với trên 125 km đường bờ biển giàu tài nguyên của Quảng Nam. Đây là nền tảng quan trọng để hình thành các chuỗi liên kết vùng về du lịch – đô thị – công nghiệp – cảng biển từ Liên Chiểu đến Chu Lai, đồng thời phát triển các mô hình kinh tế biển mới như khu bảo tồn biển gắn với du lịch cộng đồng, trang trại thủy sản công nghệ cao, khu công nghiệp xanh và dịch vụ hậu cần ven biển.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, quá trình sáp nhập cũng đặt ra không ít thách thức trong công tác bảo vệ môi trường biển. Theo Ths. Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), không gian biển mở rộng với hệ sinh thái đa dạng từ Nam Hải Vân đến Cù Lao Chàm, Tam Hải sẽ đòi hỏi một chiến lược quản lý tổng hợp vùng bờ mạnh mẽ, có sự phối hợp liên ngành và liên cấp. Việc thống nhất quy hoạch không gian biển liên vùng có thể giúp kiểm soát tốt hơn tình trạng ô nhiễm, xói lở và suy giảm đa dạng sinh học – nhưng chỉ thực sự hiệu quả khi đi kèm với hệ thống giám sát môi trường hiện đại và hành lang pháp lý chặt chẽ.

Trồng san hô dưới biển Cù Lao Chàm (Đà Nẵng). Ảnh: Lan Anh

Trồng san hô dưới biển Cù Lao Chàm (Đà Nẵng). Ảnh: Lan Anh

Khi diện tích quản lý được mở rộng, áp lực lên hạ tầng bảo vệ môi trường, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, rác thải ven biển sẽ gia tăng đáng kể. Sự chênh lệch về năng lực quản lý môi trường, chính sách và nguồn lực giữa hai địa phương có thể gây khó khăn trong giai đoạn đầu hợp nhất. Đặc biệt, nguy cơ phát sinh thêm các điểm nóng về xả thải trái phép, lấn chiếm hành lang biển hoặc gia tăng ô nhiễm từ các hoạt động kinh tế thiếu kiểm soát là điều không thể xem nhẹ.

Tái định hình chiến lược sinh thái cho biển Đà Nẵng

“Để phát triển bền vững, Đà Nẵng cần phát huy những thế mạnh riêng có của từng địa phương trước sáp nhập. Đà Nẵng có kinh nghiệm phát triển dịch vụ tắm biển, quản lý đô thị ven biển hiện đại, trong khi Quảng Nam nổi bật với các mô hình cộng đồng bảo tồn biển hiệu quả như ở Cù Lao Chàm. Việc kết hợp khai thác hợp lý những bãi biển đã phát triển với việc gìn giữ các bãi biển còn hoang sơ sẽ tạo ra sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, hướng đến một không gian biển sống động và đa dạng sinh học”, Ths. Trần Hữu Vỹ chia sẻ.

Trong bối cảnh mở rộng không gian đô thị và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ths. Trần Hữu Vỹ cho rằng Đà Nẵng cần sớm tích hợp quy hoạch không gian biển với khai thác và bảo tồn nguồn lợi thủy sản theo hướng liên vùng sinh thái – trải dài từ Nam Hải Vân, Sơn Trà, Cù Lao Chàm đến Tam Hải. Quy hoạch này phải gắn liền với các trụ cột như kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn, du lịch bền vững, bảo vệ bờ biển và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quan trọng hơn, thành phố cần bám sát mục tiêu trong quy hoạch không gian biển và bảo tồn biển quốc gia – nền tảng giữ vững chức năng sinh thái và khả năng chống chịu của toàn hệ sinh thái biển Việt Nam.

Song hành với quy hoạch, công tác tuyên truyền và giáo dục cộng đồng đóng vai trò then chốt. Thành phố cần tăng cường truyền thông về giá trị của biển, lồng ghép các hoạt động bảo tồn vào đời sống văn hóa bản địa như lễ hội Cầu Ngư, tín ngưỡng cá Ông. Đồng thời, giáo dục môi trường biển nên được đưa vào chương trình phổ thông, từ ngoại khóa đến nội dung chính khóa, để hình thành nhận thức và hành vi thân thiện với môi trường ngay từ sớm.

Hiện nay, trong khi hệ thống bảo tồn rừng và vườn quốc gia ở Đà Nẵng được quản lý khá tốt, thì vùng biển lại mới chỉ có duy nhất Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm với quy mô còn khiêm tốn. Nhiều vùng biển có giá trị sinh học vẫn chưa được quy hoạch bảo vệ. Vì thế, Đà Nẵng nên mạnh dạn tiên phong áp dụng mô hình OECM – quản lý hiệu quả các khu vực tự nhiên ngoài hệ thống bảo tồn chính thức – nhằm mở rộng không gian bảo tồn sinh thái và duy trì các dịch vụ hệ sinh thái biển quan trọng.

Muốn các giải pháp đi vào thực chất, thành phố cần thực hiện điều tra, đánh giá và giám sát thường xuyên hệ sinh thái biển, lấy đó làm cơ sở khoa học cho quy hoạch và hành động. Công nghệ hiện đại đã sẵn có, điều quan trọng là phải đặt bảo vệ biển vào vị trí ưu tiên chiến lược – đúng với vai trò then chốt của biển trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống người dân.

Nhặt rác ở bờ biển Đà Nẵng. Ảnh: Lan Anh.

Nhặt rác ở bờ biển Đà Nẵng. Ảnh: Lan Anh.

PGS. TS Kiều Thị Kính - Đại học Đà Nẵng từng nhận định, một sự cố môi trường không chỉ ảnh hưởng đến một doanh nghiệp, mà còn có thể làm lung lay cả thương hiệu du lịch biển của thành phố. Do đó, giám sát và xử lý vi phạm môi trường cần được thực hiện nghiêm túc, minh bạch – không chỉ để răn đe mà còn để khẳng định rằng Đà Nẵng xứng đáng là “thành phố đáng sống”.

Đà Nẵng cũng cần sớm mở rộng hệ thống quan trắc môi trường tự động, thiết lập cảnh báo theo thời gian thực. Công nghệ mới cho phép người dân trực tiếp tham gia giám sát, như chụp ảnh có định vị GPS và gửi về hệ thống phân tích. Việc tạo cơ chế để người dân phản ánh, giám sát và lan tỏa nhận thức là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn xả thải sai quy định. Những sáng kiến như “bản đồ quán xanh” – ghi nhận các cơ sở không dùng nhựa một lần cũng cần được thúc đẩy, tạo thương hiệu du lịch biển xanh trong lòng du khách Đà Nẵng.

Giữ biển để vươn lên từ biển – đó không chỉ là khẩu hiệu, mà là định hướng phát triển lâu dài, hài hòa với thiên nhiên, giúp Đà Nẵng hiện thực hóa khát vọng trở thành đô thị biển sinh thái – thông minh – bền vững trong tương lai gần./.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Phân loại rác tại nguồn chưa ‘chạm’ được đến đa số người dân

Dù đã có luật và lộ trình rõ ràng, phân loại rác tại nguồn vẫn chưa trở thành thói quen phổ biến trong cộng đồng dân cư.

Sơn La công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa lũ

Sơn La Mưa lớn kéo dài đã gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Bình luận mới nhất