Nguồn lực dồi dào
Đà Nẵng – Thành phố trung tâm khu vực miền Trung được thiên nhiên ưu ái ban tặng bờ biển dài hơn 200 km, trải dọc theo các dải cát mịn, nước biển trong xanh và khí hậu hiền hòa. Sau khi sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng sở hữu nhiều bãi biển nổi tiếng như Nam Ô, Xuân Thiều, Sơn Trà, Mỹ Khê, Cửa Đại, An Bàng, Hà Thanh, Biển Rạng, Cù Lao Chàm... Trong đó, Mỹ Khê và Cửa Đại từng được vinh danh là những bãi biển đẹp hàng đầu châu Á và thế giới.
Không chỉ dừng lại ở vẻ đẹp cảnh quan, Đà Nẵng còn có vị trí chiến lược với cảng biển nước sâu, kín gió như cảng Tiên Sa, Liên Chiểu, Chu Lai, là điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế hàng hải, logistics và du lịch biển. Đây là lợi thế mà không phải địa phương ven biển nào cũng có được.

Bãi biển Đà Nẵng đã được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong sáu bãi biển đẹp nhất hành tinh, cùng với sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, là động lực cho Đà Nẵng phát triển kinh tế. Ảnh: Lan Anh.
Mặt khác, vùng biển Đà Nẵng nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế rộng lớn, nơi sinh sống của hàng trăm loài thủy hải sản có giá trị cao. Nguồn tài nguyên biển tại đây khá dồi dào với trữ lượng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành khai thác và chế biến thủy hải sản – một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố. Đồng thời, hệ sinh thái vùng biển, đặc biệt tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, là nơi tồn tại các quần thể san hô, rạn đá, thảm cỏ biển và sinh vật biển quý hiếm, vừa mang giá trị kinh tế, vừa có ý nghĩa sinh thái lâu dài.
Trên nền tảng đó, nhiều năm qua, Đà Nẵng đã đẩy mạnh phát triển du lịch biển, dịch vụ vốn gắn liền với lợi thế thiên nhiên tạo nên những sản phẩm đặc thù mang thương hiệu “Du lịch biển Đà Nẵng”. Thành phố từng bước xây dựng hình ảnh là đô thị biển năng động, hiện đại và thân thiện với môi trường.

Hệ thống cảng biển hiện đại là điều kiện lý tưởng để phát triển kinh tế hàng hải, logistics và du lịch biển. Ảnh: Lan Anh.
Theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, phát triển kinh tế biển, du lịch và công nghiệp công nghệ cao là ba trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình hành động về phát triển bền vững kinh tế biển của thành phố cũng đã xác định rõ mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, hướng tới hình mẫu đô thị biển quốc tế, phát triển trên cơ sở bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.
Nỗi lo mất lợi thế biển
Tuy nhiên, song hành với những lợi thế vàng, Đà Nẵng cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ, đặc biệt là những thách thức môi trường biển ngày càng hiện hữu rõ rệt.
Hàng chục ki-lô-mét đường bờ biển từng là niềm tự hào của thành phố như Mỹ Khê và Cửa Đại nay liên tục bị xói lở, xâm thực. Sóng lớn, triều cường và biến đổi khí hậu đã khiến nhiều đoạn bờ biển bị “nuốt chửng”, làm biến dạng cảnh quan và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng ngư dân cũng như các hoạt động du lịch ven biển.
Trong quá trình phát triển, tình trạng phá rừng, xây dựng tràn lan các khu du lịch, khu công nghiệp và dự án ven biển đã khiến hệ sinh thái bị thu hẹp, mất cân bằng. Đáng lo ngại, tình trạng doanh nghiệp xả thải ra môi trường biển vẫn còn diễn ra và cần được kiểm soát một cách triệt để.

Rác thải nhựa tấp vào bờ biển Đà Nẵng sau mỗi đợt mưa bão. Ảnh: Lan Anh.
PGS.TS Kiều Thị Kính (Đại học Đà Nẵng) dẫn chứng: “Như trường hợp Temple Resort Danang đã bị lực lượng chức năng xử phạt vào tháng 6/2025 vì xả nước thải ra khu vực bãi biển, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến du lịch biển Đà Nẵng. Một sự việc bị phát hiện, nhưng điều khiến người dân và du khách lo ngại hơn cả là câu hỏi: Liệu còn bao nhiêu trường hợp tương tự chưa bị phát hiện?".
Thêm vào đó, một vấn đề nhức nhối khác là khối lượng rác thải trôi dạt vào biển Đà Nẵng ngày càng gia tăng, đặc biệt sau mỗi mùa mưa bão. Với đặc thù địa hình thấp ven biển, cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, rác từ các vùng thượng nguồn và cả ngoài đại dương theo dòng chảy đổ về, tấp vào bờ biển với mật độ ngày một dày.
Ông Trần Đại Nghĩa, Phó Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: “Thống kê cho thấy, có thời điểm có khoảng 200 tấn rác bị sóng đánh dạt vào bờ biển chỉ trong vài ngày. Dù các đơn vị môi trường ra quân liên tục, thu gom hai ca mỗi ngày, nhưng rác vẫn tiếp tục tấp vào trong đêm do nước biển dâng, sóng lớn và dòng chảy ngầm ngoài khơi”.

Cống xả thải chưa qua xử lý của Temple Resort Danang đã bị lực lượng chức năng Đà Nẵng phát hiện và xử phạt vào tháng 6/2025. Ảnh: Lan Anh
Những áp lực hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, nếu không có giải pháp căn cơ và chiến lược lâu dài, Đà Nẵng có thể đánh mất lợi thế biển – một trong những trụ cột quan trọng của tăng trưởng. Phát triển kinh tế biển không thể theo hướng “lấy ngắn nuôi dài” hay “khai thác rồi phục hồi”, mà cần chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình phát triển xanh, tuần hoàn và bền vững.
Làm sao để vừa khai thác hiệu quả nguồn lực biển, vừa bảo vệ môi trường, duy trì chất lượng sống và thương hiệu thành phố biển? Trả lời cho câu hỏi ấy cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, từ thể chế, quy hoạch, công nghệ đến hành động của cộng đồng.